Nghệ thuật sơn mài ở Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tài năng và sự tinh tế của người nghệ nhân mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa độc đáo của đất nước.
Nguồn gốc của nghệ thuật sơn mài
Nghệ thuật sơn mài là một loại hình nghệ thuật truyền thống đã có từ hàng ngàn năm trước và phát triển ở một số quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Nghệ thuật sơn mài liên quan đến việc tạo ra tranh hoặc trang trí bằng cách sơn mài trên các bề mặt, thường là gỗ. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai,…vẽ trên nền vóc màu đen.
Trong kỹ thuật hiện đại, sơn mài ám chỉ việc áp dụng một chuỗi các lớp phủ trong suốt hoặc lớp phủ có sắc tố, thông qua quá trình bay hơi dung môi để tạo ra một lớp hoàn thiện cứng và bền. Mức độ bóng của lớp hoàn thiện có thể được điều chỉnh từ siêu mờ đến bóng cao và có thể được đánh bóng thêm theo nhu cầu. Lớp hoàn thiện sơn mài thường có đặc tính cứng hơn và giòn hơn so với lớp phủ sơn dầu hoặc latex và thường được ứng dụng trên các bề mặt cứng và phẳng.
Tác phẩm “Chùa Thầy”. Tác giả: Ngô Thành Nhân.
Tác phẩm Trà Hoa Nữ. Tác giả: Hoài Nhân.
Nghệ thuật sơn mài thường đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn và kỹ thuật cao, vì quá trình tạo ra một tác phẩm sơn mài thường mất rất nhiều thời gian và công sức. Các họa tiết và chủ đề trong nghệ thuật sơn mài thường đa dạng, từ các cảnh tự nhiên, hoa lá, động vật, đến các biểu tượng truyền thống hoặc các câu chuyện truyền thống.
Nghệ thuật sơn mài không chỉ đẹp mắt mà còn thể hiện sự kỹ thuật và tâm hồn của người thợ nghệ nhân. Đây là một hình thức nghệ thuật truyền thống quý báu và đã tồn tại trong hàng ngàn năm.
Quá trình tạo ra một bức tranh sơn mài đòi hỏi sự khéo léo và vô cùng tỉ mỉ của người họa sĩ. Ảnh: Vietnam Journey.
Qúa trình tạo ra bức tranh sơn mài
Nguyên liệu
Một sản phẩm sơn mài sử dụng khá nhiều nguyên liệu: đó là sơn, màu và các nguyên liệu khác. Có thể kể ra đây một vài nguyên liệu phổ biến như:
- Sơn: khai thác từ cây sơn ta, ngoài ra còn dùng dầu trẩu, dầu trám, nhựa thông và nhựa dó…
- Màu: sơn mài cổ truyền dùng hai màu cơ bản là cánh gián đen và đỏ, loại màu chế từ khoáng chất vô cơ (ví dụ: son) nên không bị phân huỷ trước ánh sáng và thời gian.
- Các sản phẩm từ bạc như bạc thếp, bạc dán, bạc xay, bạc dầm…
- Các sản phẩm từ vàng như vàng thếp…
- Các vật liệu khác: vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc, bột điệp…
Công đoạn chính tạo ra bức tranh sơn mài
Để tạo ra một bức tranh sơn mài, đòi hỏi rất nhiều công đoạn và mỗi công đoạn đều được làm một cách tỉ mỉ. Có thể nhận định rằng công nghệ sơn mài dựa trên các nguyên tắc cơ bản nhưng mang sự biến đổi đáng kể trong kinh nghiệm và kỹ thuật của từng cá nhân, gia đình hoặc theo từng loại sản phẩm, chẳng hạn tranh, tượng, đồ vật trang trí hoặc sơn phủ hoàng kim. Quy trình làm một bức tranh sơn mài thường bao gồm hai giai đoạn chính đó là: phần cứng và phần mềm.
Phần cứng:
Ở giai đoạn này, thông thường người họa sĩ sẽ không trực tiếp thực hiện một tấm vóc hoàn chỉnh mà thay vào đó là những người thợ có chuyên môn sẽ đảm nhận. Sẽ có những bước cơ bản để tạo ra một tấm vóc như sau:
Bước 1: Chuẩn bị một tấm ván gỗ theo yêu cầu, người thợ sẽ xử lý tấm ván gỗ cho thật bằng phẳng, vuông góc và đúng kích thước.
Bước 2: Phủ một lớp sơn sống lên bề mặt tấm gỗ, sau đó dùng vải trùm lên tấm gỗ và đem đi ủ từ 1 đến 2 ngày, tùy theo thời tiết.
Bước 3: Tiếp tục phủ lớp sơn có pha trộn mùn cưa nhưng chưa mài.
Bước 4: Vẫn tiếp tục phủ lớp sơn sống nhưng có pha trộn thêm đất sét và mùn cưa, các nguyên liệu trộn đều theo liều lượng được quy định phủ lên bề mặt ván gỗ và đem đi ủ. Ở bước này được kết thúc bằng công đoạn mài sau khi đã đem đi ủ. Tiếp tục thực hiện bước này từ 2 đến 3 lần nữa.
Bước 5: Đây là bước cuối cùng trong việc tạo ra phần cứng đó là sử dụng sơn chính phủ lên một lớp cuối cùng và mài hoàn thiện tấm vóc.
Phần mềm:
Đây là giai đoạn mà người nghệ sĩ sẽ làm việc trực tiếp trên tấm vóc. Các bước được thực hiện như sau.
Bước 1: Phác thảo ý tưởng
Người nghệ sĩ cần chuẩn bị ý tưởng và phác thảo bằng bút chì hoặc than lên một tấm giấy có cùng kích thước với tấm vóc. Sau đó dùng giấy can trong để can lại tất cả những gì đã phác thảo.
Bước 2: Chuẩn bị vật liệu
Người họa sĩ cần phải chuẩn bị các vật liệu cần thiết cho bức tranh của mình. Các vật liệu gồm có: Vỏ trứng gà; trứng vịt, ray lọc, màu và sơn. Sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu người họa sĩ sẽ cẩn trứng lên vóc. Họa sĩ sẽ sử dụng vỏ trứng gà và trứng vịt để thể hiện những sắc độ khác nhau cho bức tranh. Trứng gà sẽ thể hiện sắc độ nóng và ngược lại, trứng vịt sẽ thể hiện sắc độ lạnh. Có thể sử dụng nhiệt để làm sẫm màu của vỏ trứng gà để có những tông màu khác nhau như ngả vàng hoặc nâu sẫm, giúp cho người họa sĩ thể hiện được đúng màu sắc cần thiết trong tranh.
Họa sĩ sẽ sử dụng vỏ trứng gà và trứng vịt để thể hiện những sắc độ khác nhau cho bức tranh. Ảnh: lasonmai.vn.
Tiếp theo, họa sĩ sẽ can những mảng bố cục để cẩn trứng lên tấm vóc và bắt đầu gắn trứng lên phần sơn cánh gián. Sau khi đã gắn trứng vào ở những khu vực cần thiết. Tranh sẽ được đem đi ủ khô từ 2 đến 3 ngày. Đến khi tranh khô, sẽ được đem đi mài ở những bề mặt có trứng, họa sĩ sẽ mài phẳng nhất có thể so với những khu vực chưa có trứng và sau đó sẽ cân chỉnh lại hình, nếu cần thiết.
Bước 3: Đi nét
Ở bước này, người họa sĩ sẽ sử dụng sơn đen, sơn cánh gián hoặc bạc vụn để vẽ chi tiết những mảng hình ảnh và bố cục ngoài những vị trí đã cẩn trứng và tiếp tục mang đi ủ và mài.
Bước 4: Mài và vẽ
Màu sẽ được pha và bắt đầu vẽ lên. Đối với những vùng sáng sẽ dùng bạc vụn để ray lên, người họa sĩ sẽ dùng những chất liệu trên để phủ lên toàn bộ bức tranh ở nhiều lớp khác nhau. Từng lớp từng lớp xếp chồng lên thể hiện độ đậm nhạt và da dạng sắc thái. Cũng giống như khâu làm vóc, sau mỗi lớp bạc được phủ lên họa sĩ sẽ phải mài tranh với đá mài hoặc với từng loại giấy nhám có độ hạt khác nhau.
Họa sĩ mài tranh với đá mài hoặc với từng loại giấy nhám có đột hạt khác nhau để thể hiện các sắc độ khác nhau trong tranh. Ảnh: kiettacnghethuat.com
Bước 5: Bước cuối cùng trong công đoạn tạo nên bức tranh sơn mài.
- Toát sơn: Là từ chuyên môn chỉ việc phủ thật đều một lớp sơn chín lên toàn bộ mặt tranh, tỉ lệ pha tùy theo kinh nghiệm vẽ, nên pha thật loãng nếu tranh đã có tương quan tốt – độ sáng tối vừa đủ, sau đó ủ chờ khô để đánh bóng.
- Đánh bóng: là công đoạn cuối của việc vẽ tranh – với tranh có kích thước nhỏ có thể dùng lòng bàn tay miết nhanh và mạnh lên mặt tranh. Ở giai đoạn này, đòi hỏi người họa sĩ cần phải linh hoạt trong cách thể hiện để đảm bảo bức tranh thể hiện rõ ý đồ.
Có thể thấy để tạo ra được một bức tranh sơn mài không phải là chuyện dễ dàng mà đòi hỏi một khoảng thời gian và dùng nhiều công sức để có thể tạo ra một tác phẩm tranh sơn mài hoàn chỉnh.
Sự hy sinh thầm lặng từ những người họa sĩ tranh sơn mài
Họa sĩ không thể thể hiện được ngay màu mình muốn lên tranh khi màu còn ướt, màu có thể sẽ rất tươi và đến khi khô thì sẽ sẫm lại. Màu khi chưa mài và đã mài nhiều hoặc ít đều thể hiện những sắc thái khác nhau. Do đó, để có thể khống chế được chất liệu, chủ động tạo ra màu sắc phải đòi hỏi người họa sĩ có kinh nghiệm lâu năm làm trong nghề.
Một chất liệu quan trọng để tạo ra một bức tranh sơn mài mang vẻ đẹp trường tồn thời gian là sơn ta. Sơn ta, còn được gọi là sơn cố định, là một loại sơn truyền thống thường được làm từ cây sơn ta, chất nhựa lấy từ cây sơn sau đó pha với các bột màu tự nhiên để vẽ. Mặc dù sơn ta có giá trị cao về nghệ thuật và được sử dụng rộng rãi trong sơn mài. Tuy nhiên, về mặt lợi ích là thế nhưng sơn ta lại mang tới những tác hại rất lớn đối với người họa sĩ sơn mài bởi độc tố của nó.
Trong quá trình sáng tác, các họa sĩ thường xuyên gặp phải một số tai nạn nhẹ thì sưng mặt, nặng thì dị ứng khắp người, tay bị lở loét và các vết thương cần nhiều thời gian để hồi phục. Dù rất yêu thích nghệ thuật sơn mài, nhưng cũng có nhiều họa sĩ phải tạm gác lại ước mơ của mình vì sức khỏe không thể đảm bảo bởi những tác hại của sơn ta.
Các họa sĩ đã phải vượt qua nhiều thử thách để hoàn thành một tác phẩm tranh sơn mài. Ảnh: Vietnam Journey.
Ngoài ra, để hoàn thành một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Bởi phải đợi sơn khô thì mới có thể tiếp tục quá trình sáng tác. Thông thường, các họa sĩ sẽ sáng tác tranh sơn mài trong các mùa xuân, mùa thu, tránh mùa đông khô hanh.
Để tạo ra những tác phẩm sơn mài tuyệt đẹp, người họa sĩ phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có sức khỏe của họ. Đây không phải là điều dễ dàng đối với các họa sĩ trong hành trình theo đuổi nghệ thuật. Những tác phẩm sơn mài là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đánh đổi, thể hiện sự gắn kết của của những họa sĩ sơn mài đối với nghệ thuật.
Những tác phẩm sơn mài nổi tiếng
Nghệ thuật sơn mài ở Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tài năng và tinh tế của người thợ nghệ nhân mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa độc đáo của đất nước. Với hơn một ngàn năm lịch sử và phát triển, nghệ thuật sơn mài Việt Nam đã thể hiện sự sáng tạo, sự đa dạng và tính độc đáo trong các tác phẩm sơn mài.
Ngoài việc thể hiện những giá trị về nghệ thuật, sơn mài còn là một phần của nguồn thu nhập cho nhiều người thợ nghệ nhân và người làm nghề thủ công ở Việt Nam. Đồng thời, cũng là một phương tiện để giới thiệu văn hóa và lịch sử của Việt Nam đến thế giới. Điều này làm cho nghệ thuật sơn mài không chỉ là một di sản truyền thống mà còn là một biểu tượng của sự đa dạng và tiềm năng sáng tạo trong nghệ thuật.
Một số tác phẩm sơn mài nổi tiếng:
Bức tranh sơn mài Đêm thánh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993)
Bức tranh sơn mài “Bình minh trên nông trang” do hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng (1914-1983) vẽ năm 1958.
Bức tranh sơn mài “Xuân trên rẻo cao” do hoạ sĩ Phan Quang Tuấn.
(Nguồn: artlive.vn)
Bài viết khác
Nguồn: https://latoa.vn/nghe-thuat-son-mai—ve-dep-vinh-cuu-tren-tam-go-voc-post929.html