Ban Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Hà Nội, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu
Lập thế
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra từ ngày 4-3 đến 30-4-1975, được thực hiện bằng ba đòn tiến công chiến lược chủ yếu vào Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và Sài Gòn – Gia Định. Tuy nhiên, để có những thắng lợi đó là quá trình Đảng ta bền bỉ đấu tranh với đế quốc Mỹ trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris từ năm 1968 – 1973. Trong 4 năm 8 tháng 20 ngày đấu tranh là quá trình lập thế đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Cuối cùng, với những chiến thắng của quân và dân hai miền trên chiến trường, đến ngày 27-1-1973, Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, cam kết rút quân đội viễn chinh và quân đội các nước chư hầu về nước. Mỹ rút quân về nước tạo ra thời cơ cho ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.
Mặc dù Mỹ rút quân nhưng chính quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris. Trước tình hình trên, Đảng đã phân tích tình hình một cách khách quan, khoa học để xác định đúng đắn phương hướng đi lên của cách mạng miền Nam. Tháng 7-1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 ban hành Nghị quyết “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”. Hội nghị cũng khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”1. Tranh thủ thời cơ để giải phóng đất nước, Bộ Chính trị đã họp bàn về chủ trương giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ…”2.
Chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở đầu, trọng điểm là Nam Tây Nguyên, với mục tiêu chính là thị xã Buôn Ma Thuột, đã thể hiện sự sắc sảo trong việc lựa chọn hướng tiến công, mục tiêu tiến công, nghệ thuật vận dụng không gian của Đảng. Trước khi tiến hành Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến 3-4-1975), ta đã lập thế bằng một loạt các biện pháp nghi binh công phu, thu hút và giam chân khối chủ lực cơ động của địch ở Bắc Tây Nguyên, dẫn đến sơ hở ở Nam Tây Nguyên. Đây là thời cơ thuận lợi để ta tập trung lực lượng chủ yếu tiến công mạnh quân địch làm cho chúng hoàn toàn bị bất ngờ và nhanh chóng thất bại. Cùng với đó, ta đã kết hợp khéo léo giữa thế bao vây, chia cắt với cách đánh “nở hoa trong lòng địch” nên trận then chốt mở đầu Buôn Ma Thuột nhanh chóng giành thắng lợi. Thắng lợi của trận đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột đã tạo đà cho ta tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy tại Phước An, mở ra thế phát triển về chiến dịch và chiến lược, để lực lượng vũ trang Tây Nguyên phá vỡ thế trận phòng thủ của địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của chúng ở Tây Nguyên.
Tranh thời
Trước thắng lợi lớn ở Tây Nguyên, cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18-3-1975 đã quyết định tranh thủ thời cơ giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Sau khi làm chủ Buôn Ma Thuột và toàn bộ Tây Nguyên, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn II và hệ thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Quân khu II, quân ta nhanh chóng phát triển cuộc tiến công xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, ngày 21-3-1975, chiến dịch tiến công giải phóng Huế bắt đầu. Ngày 26-3, Huế được giải phóng. Cùng ngày, chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng bắt đầu. Ngày 29-3, Đà Nẵng được giải phóng.
Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu
Trong khi địch còn đang choáng váng vì mất Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, nếu ta không thần tốc và táo bạo chớp thời cơ, để địch có thời gian củng cố tinh thần và lực lượng thì chắc chắn sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và xương máu mới giải phóng được miền Nam. Trong thế chiến lược phát triển ngày càng thuận lợi, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị đã họp và quyết định tận dụng thời cơ, đẩy nhanh tốc độ cuộc chiến với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”. Sáng 31-3, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng. Trong cuộc họp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây chiến lược ở phía Đông và phía Tây Sài Gòn – Gia Định, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch. Đánh một trận là thắng. Phương châm là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”3.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, tôi suy nghĩ nhiều về trận chiến đấu sẽ diễn ra trên chiến trường trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với Tổng Tham mưu phó Cao Văn Khánh và Cục trưởng Tác chiến Lê Hữu Đức, ngày 1-4, tôi gọi điện vào B2: Đúng như Bộ Chính trị nhận định, chiến tranh cách mạng ở miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ, tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn. Làm được như vậy thì thuận lợi nhất, bảo đảm thắng lợi giòn giã nhất. Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh vào Sài Gòn, nhưng chúng cho rằng ta cần chuẩn bị 1 – 2 tháng. Vì vậy bất ngờ hiện nay chủ yếu là khâu thời gian. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động…”4.
Vào ngày 7-4-1975, bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời “hịch tướng sĩ”. Lúc này, thế và lực ta mạnh hơn địch gấp nhiều lần, vì vậy phải tranh thủ thời cơ “ngàn năm có một” để giải phóng miền Nam.
Tạo lực
Nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, trong đêm 7-4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9-4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc. Địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn. Ngày 14-4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang đến ngày 16 chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 19-4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc. Trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Tây Nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố. (Ảnh: TTXVN)
Cũng trong ngày 14-4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Ngày 22-4, đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch, thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự, chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn – Gia Định trước ngày 30-4-1975.
Sau một thời gian chuẩn bị, 5 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cùng với cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định, quân ta đánh chiếm, giải phóng các đảo và quần đảo ở ven biển miền Trung và Trường Sa. Quân và dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tiến công, nổi dậy diệt và làm tan rã Quân đoàn IV Quân đội Việt Nam Cộng hòa, giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 1-5, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Sa Đéc, Côn Đảo. Đến ngày 2-5-1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở Biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng.
48 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, nghệ thuật lập thế, tranh thời và tạo lực là một trong những nét đặc sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Hiện nay, nghệ thuật này được Đảng tiếp tục bổ sung và phát triển trong quá trình xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. |
TS. Nguyễn Tôn Phương Du
Khoa Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị khu vực II
——————————–