Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa TP.HCM là Di sản Văn hóa

Công LuậnCông Luận04/01/2025

(CLO) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành Quyết định số 4013/QĐ-BVHTTDL, chính thức đưa nghệ thuật trình diễn dân gian "Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP.HCM" vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.


Múa Lân Sư Rồng, nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM, không chỉ là một màn trình diễn nghệ thuật đẹp mắt mà còn chứa đựng giá trị tâm linh sâu sắc.

Xuất phát từ các truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian, bộ môn này được xem như biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng và bảo hộ cho cộng đồng.

nghe thuat lan su rong cua nguoi hoa tphcm la di san van hoa phi vat the quoc gia hinh 1

Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa TP.HCM được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia - Ảnh: LT

Nghệ thuật này có sự gắn kết chặt chẽ với đời sống văn hóa tinh thần của người Hoa tại Sài Gòn, đặc biệt tập trung ở các quận 5, 6 và 11 – những nơi cộng đồng người Hoa sinh sống lâu đời và phát triển mạnh mẽ.

Múa Lân Sư Rồng không chỉ hiện diện trong các dịp lễ hội truyền thống như Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán, hay Tết Trung Thu, mà còn gắn liền với các sự kiện như lễ động thổ, khai trương, thể hiện mong muốn một khởi đầu suôn sẻ, công việc hanh thông.

Bên cạnh ý nghĩa văn hóa, nghệ thuật Lân Sư Rồng còn mang lại giá trị kinh tế thiết thực. Nhiều đoàn Lân Sư Rồng đã tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, đây còn là nơi kết nối, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế nguy cơ rơi vào các tệ nạn xã hội.

Không chỉ người Hoa, nhiều người Kinh, Khmer và Chăm tại TP.HCM cũng đam mê và tham gia thực hành loại hình nghệ thuật độc đáo này. Sự ra đời của Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM đã tạo động lực khôi phục và lan tỏa mạnh mẽ phong trào biểu diễn trên khắp các quận, huyện.

Hiện nay, TP.HCM tự hào có 4 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ; Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5; Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt; Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa TP.HCM.

Ngoài ra, Đờn ca tài tử Nam Bộ – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận – cũng là niềm tự hào của TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ.

Ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở VHTT TP.HCM), chia sẻ rằng Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa TP.HCM" sẽ được tổ chức sau Lễ hội Nguyên tiêu năm 2025.

Đây hứa hẹn là sự kiện văn hóa đặc sắc, tôn vinh giá trị di sản và khẳng định vai trò của cộng đồng người Hoa trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Vân Anh



Nguồn: https://www.congluan.vn/nghe-thuat-lan-su-rong-cua-nguoi-hoa-tphcm-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post328890.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Người cha Pháp đưa con gái về VN tìm mẹ: Kết quả ADN sau 1 ngày không tin được
Cần Thơ trong mắt tôi
Video 17 giây cảnh Măng Đen đẹp tới nỗi dân mạng nghi ngờ cắt ghép
Mỹ nhân phim giờ vàng gây sốt vì vai nữ sinh lớp 10 quá xinh dù chỉ cao 1m53

No videos available