Khi Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM mời lên làm việc, B Ray cũng như ê-kíp của mình thừa nhận sai phạm. Để khắc phục sai phạm (trước khi nhận quyết định xử lý hành chính), phía B Ray đã gỡ bỏ bản nhạc rap khỏi nền tảng mạng xã hội.
Với những câu chữ kiểu mong người yêu cũ mắc bạo bệnh (Anh mong em đánh bại được ung thư/ Chỉ để bị ung thư thêm lần nữa), hay gặp xui rủi (Tính chuyện gì cũng không thành), trù ẻo cô (Chúc em khi bệnh không người thăm/ Về nhà mùng 1 và 15/Anh mong mỗi lần em leo cầu thang là chân bị hụt/ Chúc em qua đời thanh thản ở trên giường ngủ)… trong bài hát “Để ai cần”, khiến khán giả phải lắc đầu ngao ngán và sẽ lo ngại nếu những lời ca thế này được lan truyền hay cổ xúy. Trước khi bị gỡ, ca khúc hút gần 600.000 lượt xem chỉ sau 3 ngày, vào tốp 9 âm nhạc thịnh hành.
Sự nổi tiếng của rapper B Ray, thậm chí là “thần tượng” của nhiều rapper trẻ, một bài rap như “Để ai cần” sẽ là món ăn độc hại, liều thuốc độc khiến tư duy người nghe, đặc biệt là người trẻ chưa định hình rõ nét tư duy của bản thân, bị hư hại. Tất nhiên, nếu xét ở khía cạnh “vui vẻ” thì có thể “Để ai cần” chỉ là những lời nói đùa (có phần độc hại) hay “rap là một thể loại âm nhạc đường phố, thể hiện một cách trực diện tư duy, quan niệm của người trẻ” thì có lẽ “Để ai cần” phản ánh đúng tính chất của dòng nhạc được du nhập từ đường phố phương Tây.
Khán giả Việt không ngại đón nhận những điều mới mẻ nhưng mọi thứ cần được kiểm soát trong phạm vi cho phép. Ở một nền văn hóa đậm chất Á Đông luôn xem trọng những giá trị văn hóa biểu trưng và mẫu mực, những câu nói cho dù biện hộ rằng chỉ là nói đùa cũng đáng bị lên án.
Việc xóa sổ một bản rap tàn nhẫn, dung tục là giải pháp cần thiết. Dù vậy, điều đó có lẽ cũng sẽ không thể triệt tận gốc những tư duy sai lệch của nhiều bạn trẻ vì cho rằng những lời dung tục là “ngầu”, là “chất”. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng rất lo ngại khi rap được cổ xúy bằng việc xây dựng rất nhiều chương trình, sân chơi rap – một kiểu dựng sân chơi cho thể loại âm nhạc ẩn chứa nhiều rủi ro như những gì khán giả đã thấy.
Trước đó, khán giả từng chứng kiến những bản rap tệ hại bị xử phạt như ca khúc “Censored” của rapper Chị Cả (viết về mối quan hệ loạn luân giữa bố chồng với con dâu bằng những ngôn từ tục tĩu). Nhóm Rap Nhà Làm cũng gây bức xúc khi phát hành bài rap “Thích Ca Mâu Chí” có nội dung báng bổ đạo Phật, chứa hình ảnh xúc phạm nặng nề. Rapper Bình Gold với MV “Lái máy bay” có hình ảnh và ca từ như: “Em muốn lái chị (Let’s go). Vừa mới gặp lần đầu tiên em đã muốn lái chị (Yêu luôn)…”. Ca sĩ Phí Phương Anh cùng MV “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” chứa ca từ bài hát hết sức nhảm nhí, dung tục. MV “Cypher nhà làm” do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành, nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục. Ca khúc “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy có phần lời bị nhiều khán giả cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ…
Phải hiểu một cách công tâm không phải cứ rap là có rủi ro dung tục. Nhiều rapper đã mang đến những bản rap đầy nhân văn và ý nghĩa. Song cần sớm bài trừ những bản nhạc “thấp kém” là việc cấp bách bởi nghệ thuật không thể có những tư duy “bẩn” hay cạn kiệt về ý tưởng, ngôn từ.
Nguồn: https://nld.com.vn/nghe-thuat-khong-co-cho-cho-su-doc-ac-dung-tuc-196240105204053433.htm