Người Mông ở Mù Căng Chải, Yên Bái, có một nghề vô cùng độc đáo, đó là dùng sáp ong để vẽ là bởi sau khi hoàn thành, cả tấm vải sẽ đem đi nhuộm chàm. Chỗ vải trắng không có sáp ong sẽ nhuộm thành màu chàm. Còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được sẽ trở thành màu trắng xanh. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Chúng ta cùng tìm hiểu về nghệ thuật in sáp ong trên vải của người Mông qua bộ ảnh ” Nghệ thuật in sáp ong trên vải của người Mông Mù Căng Chải” của tác giả Nguyen Ngoc Van, để thấy hoa văn trên trang phục thổ cẩm của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải được chế tác qua nhiều công đoạn: thêu, dệt, ghép vải, nhưng độc đáo nhất là nghệ thuật vẽ, in hoa văn bằng sáp ong trên vải – một nghề thủ công truyền thống tồn tại từ bao đời nay với bà con vùng cao. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Người Mông có những bí quyết tạo họa tiết hoa văn trên vải hết sức độc đáo và phong phú. Họ thêu không có mẫu vẽ sẵn mà bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các mô típ hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị nhân sinh quan của cộng đồng tộc người.
Cùng với bút vẽ sáp ong truyền thống, ngày nay các nghệ nhân còn chế tác khuôn hoa văn để in sáp ong lên vải, đẹp và tiết kiệm thời gian rất nhiều. Quan niệm của người Mông, đã là phụ nữ thì ai cũng phải biết trồng lanh, dệt vải, se lanh in sáp, rồi làm thổ cẩm. Truyền thống đó đã đi vào câu hát: “Lớn lên em theo mẹ tập thêu, theo chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới…” Bởi vậy, vẽ họa tiết lên vải lanh bằng sáp ong từ bao đời nay vẫn được phụ nữ Mông gìn giữ và phát huy.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông nơi đây mà khó ở đâu có được.
Đầu tiên, lanh được cắt về phơi khô, đem giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm với tro bếp. Tro bếp phải là tro trắng, đun từ củi nghiến mà thành. Tro bếp càng trắng bao nhiêu thì khi ngâm vỏ lanh càng trắng bấy nhiêu. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp tràm bám chắc hơn khi nhuộm, vải phải được giặt, phơi cẩn thận, sau đó là cho mặt vải bóng mịn.
Tiếp đó là công đoạn chế sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng là sáp non, màu đen là lớp sáp già, lấy hết mật rồi nấu mỗi loại một nồi khác nhau cho đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp. Khi bắt đầu vẽ sáp lên váy thì nấu hai loại sáp này trộn với nhau để chảy ra. Khi đun sáp, luôn phải giữ lửa đều ở nhiệt độ 70 – 80 độ, sáp mới không bị khô. Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng bút vẽ.
Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải cho thấy người Mông phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển.
Vietnam.vn