(NB&CL) Nhân loại đang chứng kiến và trải nghiệm bước tiến thần kỳ của công nghệ, khi AI có thể phục hồi kho tư liệu, chuyển ảnh đen trắng sang ảnh màu. Rõ ràng, AI đem lại cơ hội thần kỳ để chúng ta bảo tồn những ký ức văn hóa đã bị mai một. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi AI có thể “nhái” lại những tác phẩm nổi tiếng một cách “đẹp hơn cả thật”?
AI có phải công cụ vạn năng?
Tại tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” đang diễn ra tại tòa nhà Đại học Tổng hợp, số 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội), tác phẩm sắp đặt video art bức tranh sơn dầu “Thăng đường nhập thất” là một điểm nhấn đặc sắc. Tác phẩm được dựng bằng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) từ bức ảnh gốc đen trắng, kết hợp video nghệ thuật của nhóm gồm: nghệ sĩ Triệu Minh Hải, kỹ sư Viên Hồng Quang cùng họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế và nhà nghiên cứu TS. Phạm Long.
“Thăng đường nhập thất” là tên gọi không chính thức của bức tranh khổ lớn được hoạ sĩ Victor Tardieu vẽ trên bức tường phía trước hội trường lớn của Đại học Đông Dương (nay là Hội trường Ngụy Như Kon Tum của Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Bức họa có diện tích 77m2, tái hiện khung cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX với hơn 200 nhân vật. Do nhiều nguyên nhân, sau năm 1954, bức họa đã bị xoá đi và được vẽ lại bởi họa sĩ Hoàng Hưng và cộng sự vào năm 2006. Lần trở lại vào năm 2024 này, nhóm nghệ sĩ đã nỗ lực tái hiện chân thực nhất, gần với nguyên gốc nhất một kiệt tác vô tiền khoáng hậu thời kỳ đầu mỹ thuật Đông Dương.
Tại tọa đàm “Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo – Vai trò công nghệ với bảo tồn ký ức văn hóa” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 mới đây, những vấn đề liên quan đến quá trình phục dựng bức tranh và sức mạnh của AI đã được các diễn giả đưa ra bàn thảo.
Nghệ sĩ Triệu Minh Hải – Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, quá trình phục dựng tác phẩm của Victor Tardieu là hành trình “thẩm thấu lịch sử và xuyên không thời gian” để tìm lại những gì chân xác nhất của bức tranh gốc. Trong quá trình này, nhóm nghệ sĩ chỉ có trong tay bức ảnh gốc đen trắng và một bản phác thảo được lưu giữ trong bảo tàng. So sánh 3 nguồn dữ liệu này cho thấy có sự sai lệch, vì vậy, các anh sử dụng AI để tìm ra “phương án đúng”.
Thế nhưng, khó khăn là nguồn dữ liệu khác về hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XX hầu như không có gì và dữ liệu về hội họa hiện thực phương Tây thời kỳ đó cũng rất ít. Để “định vị” một chi tiết bị mờ trong ảnh gốc hay “tô màu” cho chiếc áo của một nhân vật trong tranh, các anh đã phải tìm dữ liệu từ vài bức tranh khác của Victor Tardieu, thậm chí phải lấy tham chiếu từ tranh của một số họa sĩ người Pháp trong thời kỳ này. Trong quá trình ấy, AI đã hỗ trợ nhóm giải quyết nhiều khó khăn một cách mau lẹ, nhưng cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết.
“AI không thông minh như mình tưởng, nó không phân biệt đâu là một bức tranh sơn dầu thật và ảnh chụp một bức tranh sơn dầu. Chúng tôi khắc phục bằng cách sử dụng nhiều “con” AI, dùng con nọ dạy con kia để chúng bù đắp cho nhau. Đặc biệt, việc tô màu tranh rất vướng vì AI có thể tô được màu nhưng không tô được bút pháp”, nghệ sĩ Triệu Minh Hải nói.
Từ đó, Triệu Minh Hải cho rằng, AI không phải là công cụ vạn năng để có thể dễ dàng giải quyết mọi vướng mắc. Theo anh, dù AI rất mạnh trong việc chuyển đổi hình ảnh và tái hiện màu sắc, nhưng AI chỉ là công cụ. Chính các nghệ sĩ mới là người xác định và chọn lọc chi tiết sao cho phù hợp và là người ra quyết định trong những lựa chọn mà AI đưa ra.
Đồng quan điểm, kỹ sư Viên Hồng Quang cũng cho rằng, chỉ từ một bức ảnh AI có thể biến chúng thành một bức tranh nhưng AI vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế trong quá trình phục dựng bức tranh “Thăng đường nhập thất”, các anh chỉ sử dụng AI từ 10 – 20%, còn lại là các công cụ khác và nguồn tư liệu lịch sử về văn hóa, nghệ thuật.
“AI có thể thay thế được người họa sĩ hay không? Có thể, nhưng không phải lúc này mà có lẽ là rất lâu nữa. Một tác phẩm nghệ thuật có rất nhiều câu chuyện đằng sau và chính tác phẩm sẽ chuyển tải câu chuyện đó. Còn sản phẩm do AI tạo ra không có câu chuyện nào, nếu có cũng chỉ là câu chuyện giả tưởng và không có ý nghĩa gì”, Viên Hồng Quang đánh giá.
Nhiều ý kiến khác tại tọa đàm cũng cho rằng, AI dù có thông minh đến mấy cũng không thể thay thế được con người vì con người là một thực thể vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Một trái tim, một sự đam mê, sự rung động là thứ mà không một công nghệ nào thay thế được. Công nghệ hỗ trợ con người dễ dàng hơn, đạt hiệu quả hơn trong công việc nhưng nếu thiếu nghiên cứu và giám sát, các sản phẩm nghệ thuật phục dựng từ AI dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đánh mất ý nghĩa gốc.
Những nguy cơ từ AI: Cần nhận diện và cảnh báo
Tuy nhiên, một vấn đề lớn được đặt ra tại tọa đàm, đó là nhận diện một “cánh cửa đen tối khác” của AI – cánh cửa ngụy tạo lịch sử. Theo đó, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ là cơ hội cho bảo tồn phát huy giá trị di sản, nhưng những giá trị nhân đạo, nhân văn lại không phụ thuộc vào sự tiến bộ của công nghệ. AI giống như một chiếc gương thần, mà khi soi vào đó, tất cả ký ức cá nhân, ký ức cộng đồng sẽ hiện ra vô cùng phong phú và sống động. Nhưng tấm gương đó sẽ hiện ra không chỉ hình ảnh “vốn có” mà còn có thể là vô vàn những hình ảnh mà ta “muốn có”. Và do đó, công nghệ, đặc biệt là AI đang đặt ra những vấn đề đạo đức khi mà khả năng ngụy tạo lịch sử ngày một tinh vi. Đồng thời, tiến bộ của công nghệ cũng đặt ra những khuôn khổ pháp lý như lưu trữ tư liệu, như quyền tiếp cận và quyền phổ biến các tư liệu gốc.
PGS.TS. Trần Thị An (Phó Chủ nhiệm khoa Công nghiệp văn hoá và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) cho rằng, sự tác động đa chiều của khoa học công nghệ, việc tạo ra máy móc thông minh đã đặt ra cho nhân loại những nhận thức mới. Với sự thông minh vượt trội so với con người, AI có thể học và bắt chước con người rất nhanh. Điều này làm dấy lên mối lo ngại, AI có thể can dự, can thiệp, đe dọa, thậm chí là “huỷ diệt” con người. Trong lĩnh vực nghệ thuật, từ những dữ liệu, những khung hình nhỏ, những bức ảnh chụp, AI có thể khôi phục, làm ra những bức tranh rất gần với nguyên bản, thậm chí “đẹp hơn cả thật”.
“Vậy thì sự phản nhân văn của trí tuệ thông minh trong việc tái phục dựng, tái kiến tạo những di sản và sáng tạo nghệ thuật sẽ ra sao. Tôi cho rằng, cần nhận diện và cảnh báo những nguy cơ nào có thể xảy ra bắt đầu từ nó”, PGS.TS. Trần Thị An nói.
Đồng tình với sự “hoang mang” của PGS.TS. Trần Thị An về việc AI có thể chuyển màu, phục dựng những tác phẩm mỹ thuật Đông Dương với sự chính xác gần như tuyệt đối, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng ở khía cạnh thị trường nghệ thuật, AI mở ra tiềm năng vô cùng lớn để làm… tranh giả. Với công nghệ xử lý ảnh, khả năng đọc và học rất nhanh của AI, với kho dữ liệu lớn, người ta hoàn toàn có thể làm ra rất nhiều tác phẩm sơn dầu xuất sắc giống như của Nguyễn Chánh, Tô Ngọc Vân…
“Ngày xưa chưa có công nghệ, chưa có AI thì việc làm tranh giả chỉ dừng ở mức thô sơ, thô thiển. Nhưng giờ đây, với sự hỗ trợ của AI thì không lâu nữa công nghệ làm tranh giả sẽ trở thành vấn đề lớn, phức tạp trong công tác quản lý. Ngay lúc này, trong khi chúng ta ngồi đây bàn về AI và thị trường tranh thì rất có thể đâu đó ngoài kia, người ta đã dùng AI cho những công việc như thế này rồi”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhận định.
Cho rằng đây là vấn đề mở, tuy nhiên PGS.TS. Trần Thị An cũng tin rằng, con người vẫn có vị trí không thể thay đổi trong sáng tạo nghệ thuật. Bằng trí tuệ, tài năng và với bản sắc, phong cách của mình, các nghệ sĩ vẫn cho ra đời những tác phẩm thể hiện những khát vọng, tình cảm của con người. Đặc biệt là những ký ức nhân văn sẽ được khôi phục, bảo lưu nhưng đồng thời cũng giữ vững vị thế của mình trước sự lấn lướt của công nghệ.
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/nghe-thuat-di-ve-dau-trong-thoi-dai-ai-post321261.html