Huyện Bình Đông (Pingtung) là huyện tận cùng phía Nam của Đài Loan, lưng tựa núi, mặt giáp biển. Do nằm ở vị trí cận nhiệt đới nên Bình Đông có thời tiết quanh năm đều như mùa xuân. Nơi này có nhiều sản vật được biết đến như táo sáp ngọc trai đen mọng nước và ngọt ngào, món chân heo dai và ngon, cá ngừ vây xanh… và đặc biệt ấn tượng với nghệ thuật làm thủy tinh.
Nghệ thuật làm thủy tinh của người Paiwan (dân tộc thiểu số) ở Đài Loan là một phần di sản văn hóa quý báu, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và xã hội của dân tộc này. Trong văn hóa của người Paiwan, hạt thủy tinh là một trong ba báu vật quan trọng, cùng với dao đồng và bình gốm. Hạt thủy tinh không chỉ là món trang sức, mà còn mang đậm ý nghĩa biểu tượng và tâm linh, đại diện cho sự giàu có, vị trí xã hội, và kết nối sâu sắc với các truyền thuyết cổ xưa.
Hạt thủy tinh của người Paiwan xuất hiện từ những truyền thuyết xa xưa và có nhiều giai thoại khác nhau về cách chúng ra đời. Có giả thuyết cho rằng chúng là món quà thần thánh từ tổ tiên, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng của sự giàu có và quyền lực trong xã hội. Trong nhiều gia đình quý tộc Paiwan, hạt thủy tinh được truyền từ đời này sang đời khác, được sử dụng trong hôn nhân, làm của hồi môn hoặc quà tặng trong các nghi lễ quan trọng. Chính vì vậy, hạt thủy tinh mang trong mình sức mạnh kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, tạo nên dòng chảy liên tục của cuộc sống, giống như cầu vồng biểu tượng của sự hài hòa giữa trời và đất.
Mỗi hạt thủy tinh đều được thiết kế tinh xảo, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn kể lại câu chuyện về cuộc sống, đức hạnh và vũ trụ quan của người Paiwan. Hạt thủy tinh vì thế trở thành ngôn ngữ vô hình, thay lời kể lại những câu chuyện văn hóa lâu đời của bộ tộc.
Đã có thời điểm nghệ thuật làm hạt thủy tinh truyền thống của người Paiwan bị mai một, tưởng chừng biến mất, song nhờ sự chung tay của một số nghệ nhân người địa phương đã cùng nghiên cứu, phục hưng và phát triển kỹ thuật này. Việc tái hiện kỹ thuật làm hạt thủy tinh truyền thống không hề dễ dàng. Song những nỗ lực của họ đã mở ra cơ hội việc làm cho cộng đồng người Paiwan.
Các xưởng thủ công nhỏ bắt đầu xuất hiện, kết hợp hạt thủy tinh vào sản phẩm dệt hoặc đưa các câu chuyện về hạt thủy tinh vào các vũ điệu truyền thống. Đến nay, nghệ thuật làm hạt thủy tinh đã trở thành một phần không thể thiếu của nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Đài Loan, giúp bảo tồn di sản văn hóa và cải thiện đời sống của người dân.
Một trong những điểm độc đáo của hạt thủy tinh là sự đa dạng về hình thức và ý nghĩa mà chúng mang lại. Có hơn 30 loại hạt khác nhau, mỗi loại mang một câu chuyện và ý nghĩa riêng biệt. Có những hạt tượng trưng cho con mắt và mang ý nghĩa bảo vệ; hạt mô phỏng hình ảnh chim công, biểu tượng cho tình yêu và sự kiêu hãnh; hạt biểu trưng cho sự khéo léo… Sự đa dạng này cho thấy nghệ thuật làm hạt thủy tinh không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc sống và vũ trụ của người Paiwan.
Không chỉ dừng lại ở các bộ tộc Paiwan, nghệ thuật làm hạt thủy tinh còn lan rộng, tạo ra những kiểu dáng và hoa văn đặc trưng riêng, phản ánh sự phong phú và đa dạng của văn hóa bản địa. Nghệ thuật làm hạt thủy tinh không chỉ là một ngành nghề thủ công đơn thuần mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng. Việc cùng nhau tạo ra những món trang sức từ hạt thủy tinh giúp củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong bộ tộc, tạo ra sự gắn kết và tự hào về bản sắc dân tộc. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ và mạng lưới internet, các sản phẩm hạt thủy tinh đã được tiếp thị rộng rãi, giúp nghệ nhân tiếp cận với thị trường toàn cầu và bảo tồn di sản quý báu này cho các thế hệ tương lai.
MAI AN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nghe-thuat-che-tac-hat-thuy-tinh-cua-nguoi-paiwan-post759321.html