Đến với nghề vì đam mê
“Trong cái tên cậu này có đến hai chữ “biển”, nên du thuyền dù hư hỏng cỡ nào qua tay nó cũng “chịu” hết”, một thợ máy lớn tuổi chỉ tay về phía anh Trương Hải Dương, thợ sửa chữa canô, du thuyền tại xưởng tàu thuyền Thủ Đức giới thiệu, khi gặp PV Báo Giao thông.
Mới 31 tuổi nhưng anh Hải Dương có đến 12 năm trong nghề. Tháng cuối năm, các chủ tàu gửi nhiều canô, du thuyền đến xưởng để kịp tân trang cho những chuyến thưởng ngoạn đầu năm mới. Một máy thủy 250CV đang được rút piston ra để thay ron. Xung quanh, 3 động cơ Four Stroke (động cơ 4 kỳ) cũng đang đợi để súc rửa, vệ sinh.
Tay lấm lem dầu máy, Hải Dương tạm ngừng việc sửa chữa, dẫn chúng tôi đến xem một du thuyền mini có phòng ngủ đang đợi tân trang. Chiếc du thuyền có chế độ ngồi lái trên nóc suốt nhiều ngày qua được một số khách hàng hỏi mua nhưng chủ tàu không bán. “Chiếc này đang đợi vệ sinh lườn, cạo sạch các mảng bám của hà bám ở chân vịt. Nội thất bên trong đang đợi chủ tàu chọn màu để thay mới”, anh Dương giới thiệu.
Anh tâm sự, lần đầu tiên bước lên một chiếc du thuyền là khi đang thử việc tại một khu du lịch ở xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khi có trong tay bằng thuyền trưởng hạng 3, anh được công ty giao nhiệm vụ chở khách đi tour câu cá hoặc tham quan đảo Bình Lập, đảo Hòn Mun.
Một lần du thuyền gặp sự cố, phải cùng máy trưởng vật lộn sửa chữa, anh bén duyên với nghề thợ máy. Hiện anh là thợ chính, vừa sửa chữa canô, du thuyền tại xưởng tàu thuyền Thủ Đức, vừa nhận nhiệm vụ chở khách đi tour từ TP Thủ Đức đến quận 1, Cần Giờ khi công ty điều động.
“Tôi vào nghề từ những việc nhỏ nhất, cơ bản nhất là chà nhám vỏ tàu. Thời đó, chủ xưởng sửa chữa nhận dạy nghề với điều kiện phải bắt đầu học ghi nhớ từng số hiệu của tờ giấy nhám để dùng tay chà cho vỏ”, anh Dương kể.
Cũng vì đam mê, anh miệt mài chà nhám hơn một năm rồi học cách trám bả, học cách sơn và trở thành thợ tân trang vỏ tàu composite “chiến” nhất xưởng. Từ đó, chủ xưởng mới tiếp tục chỉ dạy cho Dương cách tháo máy, từng chi tiết, linh kiện của máy thủy.
Sau dịch Covid-19, cũng như nhiều thợ máy ở miền Trung bị cắt giảm vì du lịch lao dốc, anh vào TP.HCM và gắn bó công việc tại xưởng sửa chữa ở TP Thủ Đức.
“Những lần gặp ca hư hỏng khó sửa chữa, nhiều ngày đêm vật lộn với đồ nghề, phụ tùng, tôi mệt mỏi đến độ muốn bỏ nghề. Nhưng lúc ấy, bất chợt nhớ lại khung cảnh của những hòn đảo xanh tươi. Tôi đã tự hỏi, nếu không có những chiếc tàu này, làm sao đến được? Động lực ấy thôi thúc và giữ tôi làm nghề cho đến tận hôm nay”, anh Dương tâm sự.
Vừa bảo dưỡng, vừa trông giữ thuê
Anh Đỗ Khánh Đông (27 tuổi) thuộc thế hệ tiếp quản công việc kinh doanh gia đình, hiện là chủ cơ sở sửa chữa tàu thuyền Thủ Đức. Anh kể, những năm gần đây, số lượng hành khách yêu thích phân khúc du thuyền tăng rõ rệt. Họ tìm đến các cơ sở tàu thuyền Thủ Đức để đặt tour du thuyền thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ, họ chủ động đặt mua các du thuyền mini để tự sử dụng với giá thành từ khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Khi ấy, xưởng của anh sẽ nhận trông giữ, bảo dưỡng định kỳ.
Khi được hỏi về tình hình kinh doanh năm qua, anh chia sẻ hài hước: “Xưởng của tôi cũng đỡ hơn năm trước. Năm trước chỉ có bố mẹ “đỡ”, năm nay thêm cả các anh chị trong nhà cũng phải xúm vào “đỡ” để hỗ trợ duy trì kinh doanh”.
Theo lời anh Đông, trước đây mỗi tháng xưởng vừa sửa chữa vừa giao đến khách khoảng 10 con tàu, trong đó khoảng 4 chiếc là du thuyền có phòng ngủ. Hiện nay, số lượng giảm một nửa, nhân sự vẫn phải duy trì bằng cách nhận thêm công việc bảo trì ở các tỉnh xa.
Nằm cách xưởng sửa chữa tàu thuyền Thủ Đức khoảng 8km, xưởng sửa chữa canô du thuyền Hoàng Tú cũng đang tất bật tân trang hai du thuyền mini cho khách hàng. Tháng trước, một du thuyền cỡ nhỏ sau khi “tút” lại nội thất và ghế ngồi tại đây đã được chủ tàu bán với giá 800 triệu đồng. Nằm bên bờ sông Tắc lộng gió, những chiếc tàu được đại gia chuyển đến tân trang và cả một số chiếc đợi thanh lý vì kinh tế khó khăn.
Ông Cường, một thợ máy ngoài 50 tuổi tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của ngành sửa chữa, tân trang tàu thuyền hiện nay là hầu hết thiết bị phụ tùng máy thủy nước ta chưa sản xuất được, phải nhập nước ngoài về. Nhiều trường hợp sửa chữa đã 99% nhưng vẫn phải đợi một cái ron cao su chính hãng từ Mỹ giao về”.
Ông Cường đã có thâm niên gần 30 năm trong nghề sửa chữa máy thủy, lăn lộn khắp các tỉnh phía Nam, hiện là thợ chính ở xưởng sửa chữa Hoàng Tú.
Kỳ vọng vào du lịch đường sông
Vừa trèo lên một chiếc du thuyền đang lên đà sửa chữa, anh Hoàng Tú – chủ xưởng sửa chữa nhận định: “Chiếc này thiết kế nguyên bản là máy trong (máy âm), cấu tạo phức tạp và nhiều chi tiết nên mỗi lần sửa chữa, bảo trì rất mất thời gian. Chủ tàu đã mang đến đây để đợi thiết kế, hoán cải sang động cơ gắn ngoài”.
Với chiều dài gần 10m, rộng 2,8m bao gồm phòng ngủ, chiếc du thuyền này được một đại gia ở TP Thủ Đức thường dùng đón các đoàn đối tác từ nước ngoài đến TP.HCM du ngoạn trên sông, di chuyển từ TP Thủ Đức đến sân golf Đại Phước (tỉnh Đồng Nai).
“Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn hy vọng năm tới sẽ khởi sắc nhờ vào nhiều chương trình du lịch đường sông TP.HCM đang triển khai”, anh Tú tâm sự.
Cũng như anh Tú, nhiều chủ xưởng sửa chữa canô, du thuyền chia sẻ, hiện nay, các quy định về vùng hoạt động của mô tô nước, bến thủy nội địa tại TP.HCM đang còn gặp nhiều bất cập dẫn đến các hoạt động du lịch đường thủy hạn chế phát triển.
Là những đơn vị lâu năm trong nghề sửa chữa, các chủ xưởng kiến nghị chính quyền thành phố có cơ chế mở, hướng dẫn bổ sung thêm nhiều khu vui chơi giải trí dưới nước, tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các bến thủy nội địa chuyên về du lịch đường sông. Từ đó, tận dụng và phát huy được tiềm năng ngành sửa chữa tàu thuyền đã có thâm niên ở TP.HCM.
Theo đại diện Trung tâm quản lý đường thủy (Sở GTVT TP.HCM), tính đến tháng 12/2023, thành phố đã cấp đăng ký và quản lý khoảng 7.100 phương tiện thủy nội địa. Số lượng phương tiện này chính là “bệ phóng” của du lịch đường sông của thành phố thời gian tới.
Tạo khác biệt bằng du lịch đường thủy
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thành phố đang tập trung phát triển tour du lịch sông nước theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phát huy tiềm năng du lịch của đường thủy nội đô.
Ngành du lịch TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, nâng tổng số tàu vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 canô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.