Chiều 29/7, Ban Văn nghệ – Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Hải quân, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long ra mắt phim ca nhạc “Trường Sa – Bến, bờ trong nhau”.
“Trường Sa – Bến bờ trong nhau” ca ngợi những chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Nội dung phim kể về người lính hải quân với truyền thống gia đình gồm 4 thế hệ tiếp nối là bộ đội Hải quân. Phim thể hiện tình yêu, niềm tự hào của người lính khi được khoác lên mình bộ quân phục bảo vệ lãnh hải cho Tổ quốc.
Phim ghép 8 ca khúc do Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa thể hiện để kể thành một câu chuyện. Phần đầu là 3 ca khúc mang tính trữ tình sâu lắng Gửi cánh chim biển, Tình anh, Mẹ kể con nghe tái hiện cuộc sống đời thường, tình yêu và những mong ước bình dị của người lính hải quân.
Trong đó có những cảnh phim ấn tượng, tái hiện câu chuyện tình yêu và đám cưới người lính hải quân Nam (Tiến Lộc) với cô giáo Hoa (Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa); Khôi (Bình An) – con trai của Nam cũng trở thành người lính hải quân, có khoảnh khắc chia tay đầy lưu luyến với vợ – cô giáo Nga (Huyền Thạch) khi cô đang mang bầu; đan xen hình ảnh người lính hải quân làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa với hình ảnh người vợ nơi hậu phương cũng phải trải qua nhiều gian nan vất vả; nỗi nhớ niềm thương của người vợ luôn khắc khoải, mong chờ…; vì nhiệm vụ những người lính hải quân ít về nhà, đi khi con chưa sinh ra, trở về con còn thấy bố xa lạ; thậm chí con trai của Khôi tới lớp còn bị các bạn trêu là không có bố…
Phần hai là hai ca khúc Nơi ấy là Trường Sa và Ngọn nến tri ân. Phần ba là 3 bài hát Đảo xa Tổ quốc, Bâng khuâng Trường Sa và liên khúc Tình biển – Chào Trường Sa .
Được tái hiện ở phần cuối phim là Lễ tưởng niệm Gạc Ma đầy xúc động; cuộc sống của chiến sĩ hải quân thời hiện đại, trẻ trung, lạc quan nhưng cũng đầy trách nhiệm; chuyến tàu đưa người vợ đến Trường Sa thăm chồng; cha – con hội ngộ, hạnh phúc khi con yêu và tự hào về bố là người lính hải quân… nói lên tinh thần dù hậu phương hay tiền tuyến có gian nan thì với niềm tin và tình yêu tất cả sẽ cùng nhau vượt qua gian khó.
Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa và diễn viên Tiến Lộc vào vai cặp vợ chồng, tổ chức đám cưới ở đảo. Ảnh: NSX
Những câu chuyện trong phim đều được chắt lọc từ chính những lần đi Trường Sa của cả Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa và nhạc sĩ Lê Tâm. Tham gia hòa âm phối khí cho các ca khúc trong phim ca nhạc là các nhạc sĩ: Trần Mạnh Hùng, Đỗ Bảo, Minh Đạo, Huyền Trung, Ngô Minh Hoàng, Phơ Nguyễn.
Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa chia sẻ: “Trường Sa là tình yêu lớn nhất, sâu sắc nhất trong tôi. Dù đã đến với Trường Sa 8 lần thì với tôi, lần nào cảm xúc cũng như lần đầu. Mỗi lần đi, cảm xúc lại được bồi đắp thêm, sâu sắc hơn.
Tôi rất hạnh phúc trong không khí, con người ở Trường Sa. Được gặp gỡ, làm việc với các chiến sĩ, người dân nơi đây, tôi luôn cảm thấy chứa chan tình người, cháy bỏng tình yêu Tổ quốc. Tôi như bị “nghiện” cảm giác đó và luôn sẵn sàng trở lại”.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa, khi bắt đầu có ý tưởng thực hiện phim ca nhạc “Trường Sa – Bến bờ trong nhau”, nhiều đêm đến 3h sáng chị vẫn thao thức chưa thể ngủ bởi những câu chuyện, những kỷ niệm, hình ảnh về Trường Sa qua mỗi chuyến đi cứ ùa về. Và bản thân chị đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian để xây dựng kịch bản cho bộ phim, làm sao để người xem có thể thấy được Trường Sa thật gần.
Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa luôn muốn dành những tình cảm đặc biệt cho Trường Sa
Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân chia sẻ: “Trường Sa – Bến bờ trong nhau” là sản phẩm văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc về tình yêu đất nước, tình yêu biển, đảo quê hương. Bộ phim được xâu chuỗi theo kết cấu giai điệu âm nhạc với nội dung của 8 ca khúc thành một câu chuyện về các thế hệ trong một gia đình bộ đội Hải quân, nối tiếp truyền thống giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Bộ phim đã khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc; bồi đắp thêm tinh thần chiến đấu anh dũng cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam; xây dựng ý chí, củng cố niềm tin cho quân dân ta quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới”.
Để góp phần vào thành công của bộ phim, Đảng ủy – Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị, hiệp đồng chặt chẽ với ê-kíp làm phim huy động, sử dụng nhiều phương tiện, trang bị kỹ thuật quân sự như tàu chiến, tàu vận tải, tàu chuyển tải, máy bay, ô tô; huy động hơn 1.000 lượt người tham gia ghi hình từ vai chính đến vai diễn quần chúng… bảo đảm chu đáo, hiệu quả, giữ gìn bí mật quân sự, an ninh, an toàn tuyệt đối”.
Tính từ lúc khởi động đến hoàn thành, bộ phim kéo dài gần 2 năm trời. Thời ghi hình gần 1 tháng tại bán đảo Cam Ranh, Vùng 4 Hải quân, Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Với tính chất đặc biệt của dự án, Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam đã cử 3 đạo diễn kỳ cựu của Ban cùng chung tay thực hiện bộ phim: đạo diễn chính Phú Trần, phó đạo diễn Nguyễn Sỹ Khoa và đạo diễn hình ảnh Trịnh Minh Tuấn.
Đạo diễn Phú Trần kể, có một cảnh mà đến bây giờ khi nghĩ lại anh vẫn thấy vỡ òa cảm xúc đó là khi xây dựng một đại cảnh để Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa biểu diễn ca khúc “Nơi ấy là Trường Sa”. Lúc đầu, ý tưởng đưa dàn nhạc giao hưởng ra giữa biển khơi, cùng với các khí tài của Hải quân… cảm giác là một điều khá… phi thực tế. Có quá nhiều khó khăn, làm sao biết vị trí nào để quay hình đẹp, thời gian nào để dàn nhạc đến vị trí ghi hình.
Cuối cùng chúng tôi với sự giúp đỡ của Quân chủng Hải quân đã set-up được sân khấu đó, giữa biển khơi, toàn bộ dàn nhạc giao hưởng tập trung trên chiếc tàu Yết Kiêu ở vịnh Cam Ranh Vùng 4 Hải quân, hai bên có 2 chiếc tàu hộ vệ tên lửa, tạo nên một đại cảnh đẹp và choáng ngợp giống như một giấc mơ. Khi bắt đầu những cảnh quay đầu tiên, ánh bình minh lộ ra… tất cả mọi người cùng chung cảm xúc vô cùng thăng hoa. Đứng giữa biển khơi, biểu diễn và thưởng thức một ca khúc mang âm hưởng hào hùng của biển đảo Việt Nam, của Hải quân Việt Nam, cũng như bộ đội Việt Nam… mọi người đều thực sự xúc động, tự hào và kiêu hãnh”.
Một cảnh quay khác, một cảm xúc khác, sâu sắc hơn là khi đoàn phim quay cảnh cho ca khúc Ngọn nến tri ân vào buổi tối. “Cảnh người mẹ, người vợ bàng hoàng nhận tin người con, người chồng của mình đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Khi những kỷ vật trao tới tay, người mẹ, người vợ đều rất đau buồn. Trong đêm, khi người mẹ cầm chiếc đèn báo bão đi ra bờ biển để lễ ở mộ gió thì rất tình cờ gặp con dâu của mình cũng đang làm điều đó. Hai người phụ nữ với hai thân phận, người là mẹ, người là vợ nhưng cùng một nỗi đau. Họ chia sẻ với nhau, đồng cảm với nhau nhưng không thể nói nên lời. Trong phim xây dựng hình ảnh hai người đứng cách nhau một đoạn khá xa, cùng hướng về biển, cùng lễ mộ gió.
Nguồn: https://danviet.vn/nghe-si-uu-tu-khanh-hoa-lay-chong-kem-10-tuoi-trong-phim-ca-nhac-ve-truong-sa-20240730150023814.htm