Thiên duyên trời định đã đưa một nghệ sĩ tài năng quen vui thú xê dịch đến với Vùng mỏ và dừng chân định cư ở Vùng mỏ. Cũng từ đó, Vùng mỏ Quảng Ninh níu chân được ông và có được một nghệ sĩ ưu tú đa tài. Ông tên thật là Đinh Công Hạc, nghệ danh là Hoàng Hạc.
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc sinh năm 1939, tại Bắc Giang. Ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Sinh thời, trong một cuộc trò chuyện với người viết bài này, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc kể, mẹ ông là nghệ nhân tuồng nổi tiếng của đất Hà Thành khi ấy, nên ngay từ lúc còn bé ông đã quen với ánh đèn sân khấu. Bố của Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc cũng là một nghệ sỹ. Cụ đóng nhiều tuồng cổ, một thầy chuyên dạy tuồng cho các lớp diễn viên đi sau.
Chuyện kể rằng có một lần bố bị ốm, không dạy được, Hoàng Hạc đã mạnh dạn xin bố đứng lớp dạy thay. Ban đầu, ông cụ e ngại nhưng nhìn con ông từ e ngại đến chỗ tin con trai mình. Kể từ đó, gần như ông cụ đã giao luôn việc dạy học cho Hoàng Hạc. Khi làm thầy dạy tuồng, Hoàng Hạc chỉ mới có 14 tuổi. Vậy nên, ông phải lao vào học thêm ca hát, diễn xuất và vũ đạo. Lại còn học cả chữ Hán nữa, bởi một lẽ lời kịch bản các vở tuồng cổ vốn chứa toàn Hán ngữ. Ông đã làm việc cho nhiều ông chủ các rạp hát để học thêm nghề. Hoàng Hạc không nề khó khăn còn giặt quần áo và làm nhiều việc khác cho họ. Vì khổ luyện học hỏi nên sau này, ông được nhiều người kính trọng. Ngoài ra, Hoàng Hạc cũng thường theo chúng bạn người gốc Hoa đi xem múa lân sư rồng.
Khi lập gia đình rồi, cuộc sống của nghệ sĩ Hoàng Hạc lại gặp phải muôn vàn khó khăn. Cả nhà gặp nạn đói quay quoắt đến khủng khiếp. Ông vác dậm ra đồng giúp gia đình có được hai bữa cháo húp qua ngày. Người nghệ sĩ sức vóc ốm yếu như Hoàng Hạc cũng phải làm đủ mọi nghề từ đi đập lúa thuê, nhảy tàu để bán hàng đến ngồi bán hàng xén đầu chợ cuối chợ. Vất vả là vậy nhưng ông không quên nghề và cuối cùng ông vẫn trụ lại với nghề, say nghề mê nghề đến quên ăn, quên ngủ, phó thác việc nhà cho vợ. Vì thế, ông rất biết ơn và quý trọng người vợ của mình, vì nhờ bà đảm đang, quán xuyến lo việc nhà nên ông mới làm nên sự nghiệp.
Ngay từ thời trai trẻ, Hoàng Hạc đã có máu xê dịch, thường một mình một va li ngao du khắp nơi. Lấy vợ rồi, ông vẫn không bỏ được thú ham ấy. Ông nghe nói đến vùng than Hòn Gai có nhiều mới lạ nên muốn ra chơi một chuyến xem thế nào, xem con cá, con tôm, con mực sát mép nước Vịnh Hạ Long tươi ngon đến độ nào. Năm 1958, Hoàng Hạc lên đường mang theo hành trang là nghiệp diễn cải lương. Ông diễn ở đoàn Cải lương Lúa vàng (tiền thân đoàn Cải lương Quảng Ninh và hiện nay là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) và được mọi người khen ngợi, đánh giá rất cao.
Hết thời gian một tháng, ông định về lại Hà Nội, anh chị em ở Vùng than bảo bây giờ anh về rồi bọn em biết làm việc với ai. Ai nấy rưng rưng nước mắt, lưu luyến. Cảm mến cái tình người của vùng đất mỏ, Hoàng Hạc đã quyết định đưa cả vợ con từ Hà Nội xuống Hạ Long sinh sống. Có lẽ chính bầu không khí, tình đất, tình người ở Vùng mỏ đã níu chân để ông ở lại và gắn bó với nơi này. Từ đấy cho đến khi từ giã cõi tạm, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc đã dành hơn một nửa thế kỷ để cống hiến tài năng cho sân khấu cải lương Quảng Ninh.
Trong nghiệp diễn của mình, Hoàng Hạc cũng có lúc thăng trầm như ai. Có khi ông xênh xang, không phải lo gì chuyện cơm áo, vật chất, tài danh ai cũng biết đến. Nhiều người mời ông, đặt hàng ông, nhờ ông dựng vở, nhờ ông huấn luyện cho đoàn múa lân sư rồng. Một số trường nghệ thuật mời ông đứng lớp .v.v. Ông bảo, làm việc không có thời gian mà ngủ trưa nữa nhưng làm việc cũng khiến mình trẻ ra, năng động hơn. Chỉ có làm việc, lao động nghệ thuật thôi chứ Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc đứng ra ngoài lợi danh tiền tài, quyền lực.
Khi còn ở Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh, có 11 năm tiền công đạo diễn, biên đạo của ông, lãnh đạo quên rồi xin lỗi một câu, ông chẳng tính nữa. Còn danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ông được phong tặng năm 1995 là do bạn bè ủng hộ, kiến nghị cho ông. Họ tự mang hồ sơ đi nộp cho ông. Quyết định đưa về, ai cũng ngạc nhiên bởi khi làm hồ sơ, ông kiên quyết nhường cho lớp trẻ, còn sức khỏe, còn tài năng tâm trí để phát huy chứ ông già rồi còn cần chi nữa.
Ấy vậy, nhưng người yêu mến ông lại bảo, ông là cái “máy cái” đào tạo ra không biết bao nhiêu cái máy con, nhiều người đều là nghệ sĩ ưu tú cả không lẽ như thế ông còn không xứng đáng. Vậy là Hoàng Hạc được đặc cách phong tặng danh hiệu này năm 1993, trong khi ông chỉ có một huy chương bạc với vai trò đạo diễn vở “Quê than rực lửa” tham gia Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn miền Bắc năm 1970. Bình thường, người khác phải có 2 huy chương vàng, hoặc là 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc mới đủ điều kiện.
“Quê than rực lửa” là vở diễn kể về câu chuyện Vùng mỏ bất khuất đã đứng lên đấu tranh vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Ban đầu kịch bản của Thanh Đạm có tên là “Chị Ngần”. Khi chuyển thể sang cải lương, Hoàng Hạc đã đổi tên thành “Quê than rực lửa”. Hoàng Hạc lý giải, đây không còn là câu chuyện cá nhân của một vài người thợ mỏ mà là không khí của cả vùng đất, là câu chuyện của cả đất nước, của thời đại đấu tranh tổng khởi nghĩa đứng lên giành chính quyền. Khi đưa vở diễn này đi hội diễn dù được đánh giá cao, nhưng “sóng gió” đã nổi lên. Nhiều người đấu tranh quyết liệt vở diễn mới được trao huy chương bạc.
Vì tình yêu Vùng mỏ mà lúc nào Hoàng Hạc cũng có cảm giác mắc nợ với Quảng Ninh. Ông đã trả nghĩa cho vùng đất này bằng những vở diễn. Cả cuộc đời ông đã đạo diễn, viết kịch bản trên dưới 70 vở, thuộc nhiều thể loại. Có thể kể những vở tiêu biểu như: “Bỉ vỏ”, “Lệ Chi Viên”, “Hồng Cơ – Minh Ngọc”, “Bà mẹ bên sông Hồng”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Không lực – bất lực”, “Lam Sơn khởi nghĩa”, “Quê than rực lửa” .v.v…
Có lần, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh đã lên tận Thủ đô, biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, rồi sau đó, sang biểu diễn tại Trung Quốc với 3 vở lớn: “Nổi gió”, “Võ Thị Sáu” và “Tiếng sấm Tây Nguyên”. Cuộc đời ông chìm nổi ba đào như chính số phận nhân vật của ông. Cũng giai đoạn này, ông bị kỷ luật, buộc thôi việc ở Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh. Sau đó thì ông lại được xin lỗi. Đời ông bị 3 lần như thế nhưng cả 3 lần ông đều được xin lỗi, sửa sai và mời trở lại. Và Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc đã vui vẻ trở lại. Vẫn với phong cách sống phóng khoáng, tự do, hào hoa và lãng tử, ông đã đem đến cho sân khấu Quảng Ninh một luồng gió tươi mới hơn rất nhiều.
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc có 2 người con trai nhưng không ai nối nghiệp ông, chỉ có cô con dâu tiếp bước cha chồng theo nghiệp cải lương là Nghệ sĩ Ưu tú Bích Hòa. Năm 2015, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hạc qua đời để lại niềm tiếc thương cho khán giả và đồng nghiệp. Nhiều năm sau khi ông mất, nhiều người vẫn nhắc tên ông – người nghệ sĩ đa tài như để nhớ một thời vàng son của cải lương Đất mỏ.