Sở dĩ Thành Hội, Ái Như được quý trọng vì rất nhiều năm chỉ biết tập trung sức lực cho sân khấu. Tận tâm làm nghề không tuyên bố to tát.
“Tuyên bố” của họ chính là bằng sản phẩm, bằng mỗi vở kịch thường được người trong giới và khán giả đánh giá cao.
Thành Hội, Ái Như và bài học làm nghề cẩn trọng
Nhiều năm gần đây một số sân khấu đều có mở lớp đào tạo diễn viên để bổ sung nguồn lực và tăng thêm nguồn thu.
Hoàng Thái Thanh có một đặc điểm mà có người cho là “bất lợi”. Đó là hai người thầy trụ cột Thành Hội, Ái Như nhiều năm chỉ dồn tâm lực cho sân khấu, không tham gia phim ảnh lẫn game show, chương trình truyền hình thực tế…
Nghĩa là thầy cô dường như cũng “thiếu quan hệ” để giới thiệu cho học trò đi phim, đi game show vừa mau có tiền mà có khả năng mau nổi tiếng.
Vậy nhưng các lớp đào tạo của họ không vì thế mà… ế. Học viên nhiều thành phần vẫn đăng ký.
Không chỉ có những em đam mê muốn làm diễn viên sân khấu mà nhiều em từ lĩnh vực khác như truyền hình, lồng tiếng phim… vẫn xin theo học.
Và khi học ở đây là xác định lấy kiến thức, lấy kinh nghiệm nghề nghiệp từ những người thầy giỏi chớ không trông mong nhờ vả để nhanh chóng vào showbiz.
Cách đào tạo như thế đã được Thành Hội, Ái Như kiên trì mấy chục năm nay. Học trò của họ đa phần không phải là những ngôi sao trên mạng xã hội nhưng nói về nghề thì rất chắc.
Đó là một thế hệ mà hai nghệ sĩ đã miệt mài rèn giũa để giờ đi đâu cũng được người trong giới tin tưởng như Ngọc Duyên, Hoàng Vân Anh, Tuyết Mai, Quốc Thịnh, Thanh Tuấn…
Không phải làm nghệ sĩ là hư hỏng
Thành Hội hiếm khi trả lời báo chí, hoặc gặp đâu đó ở hậu trường, ông tâm sự rất chân thành nhưng sau đó lại: “Nói nghe chơi thôi nghen, đừng đăng báo”.
Vậy mà khi dạy học trò, khi kết thúc khóa học nào đó ông lại rút ruột rút gan nói rất nhiều.
Như bữa thi tốt nghiệp lớp đào tạo chuyên sâu mới đây, ông chia sẻ mong rằng phụ huynh, mọi người đừng định kiến với nghệ thuật, sân khấu.
Thành Hội nói: “Làm nghề gì cũng có thể hư hỏng được chứ không phải làm nghệ sĩ mới hư hỏng”.
Ông nhấn mạnh theo suy nghĩ của ông, học một môn nghệ thuật là để mở tâm hồn.
Việc đào tạo học viên của ông không chỉ dừng ở việc làm nghề mà còn giúp các em hiểu được tâm hồn con người, hiểu được phần xác là kết quả của phần hồn.
Con người luôn luôn làm cái gì đó bởi sự thôi thúc của tâm hồn. Không chỉ vậy còn phải hiểu mâu thuẫn trong cuộc đời vì đâu mà có.
Bởi vì con người đứng ở nhiều góc độ khác nhau và không chịu hiểu, thông cảm cho góc độ người khác nên có mâu thuẫn.
Kịch bản mà sân khấu dựng cho các em thi tốt nghiệp dù là hư cấu nhưng được rút rỉa từ cuộc đời, từ những thân phận người để các em học cách cảm, cách hiểu xây dựng nhân vật và giải quyết mâu thuẫn trên sân khấu, nhưng đôi khi hữu hiệu ngoài đời.
Thành Hội bày tỏ: “Thành nghệ sĩ hay không đó là câu chuyện khác mà tùy vào khả năng, nỗ lực của các em và xã hội sẽ tự giải quyết vấn đề đó.
Nhưng tôi tin rằng học nghệ thuật một cách nghiêm túc các em sẽ biết lắng nghe tiếng nói của tâm hồn để học cách hiểu, cảm thông, bao dung và tha thứ cho nhau”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nghe-si-thanh-hoi-nghe-gi-cung-co-the-hu-hong-duoc-chu-khong-phai-lam-nghe-si-moi-hu-hong-20240508171241339.htm