Diễn viên Thanh Hiền – đóng chính “Lật mặt 7” của Lý Hải – nói từng không được thanh toán cátxê 20 triệu đồng, nhưng xem đó là chuyện không may.
Nghệ sĩ đóng bà Hai, người mẹ bị con cái đùn đẩy nhau chăm sóc, trong tác phẩm ra rạp từ ngày 26/4. Bà nói về lần đầu có vai chính trên màn ảnh rộng và tình yêu diễn xuất ở tuổi xế chiều.
– Cảm xúc của bà khi có vai chính điện ảnh đầu tiên ở tuổi 70?
– Tôi mừng song cũng áp lực vì trước đây chưa từng hợp tác với Lý Hải. Khi được mời đi thử vai trong Lật mặt 7, tôi định từ chối, thầm nghĩ mình già cả rồi, ai giao vai thì đóng chứ đi diễn thử, lỡ rớt lại tốn tiền xe cộ (cười). Chủ nhiệm đoàn phim mới bảo tôi cứ gọi taxi đến thử vai, bao nhiêu tiền Lý Hải lo hết.
Tôi đóng thử phân đoạn một người mẹ bị ung thư nhưng giấu con về bệnh tình. Người con biết được, òa khóc và được mẹ nhẹ nhàng an ủi. Khi ấy, tôi chỉ diễn theo bản năng của một bà mẹ thôi. Sau ba phút, Lý Hải bảo dừng lại, vỗ tay và nhận tôi vào vai bà Hai. Khi ấy, tôi mới nhận ra khâu thử vai quan trọng ra sao, từ đó đạo diễn mới quan sát và “đo ni đóng giày”, góp ý cho từng người.
– Thời gian quay phim cho bà trải nghiệm ra sao?
– Quay phim bình thường vốn đã khổ, phim này lại càng khó khăn vì suốt hơn một tháng tôi phải ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Thời tiết có lúc xuống dưới 10 độ C, phổi tôi yếu, ho nhiều nên việc đóng phim nhiều lần gặp trở ngại. Có điều, làm việc với một êkíp chuyên nghiệp, tôi được quan tâm chu đáo.
Nhà sản xuất Minh Hà – vợ Lý Hải – chuẩn bị cho tôi hàng chục chiếc áo bông loại to dày. Có cảnh tôi bị té xuống suối, phải ngâm mình trong nước lạnh. Vừa bước lên bờ, Minh Hà khoác cho tôi chăn bạc giữ nhiệt. Những cảnh nhân vật bị ngã xe lăn, xe máy tông, tôi đều được bảo hộ kỹ lưỡng dù có cascadeur đóng thế.
– Động lực nào khiến bà giữ lòng yêu nghề sau hàng trăm vai diễn?
– Là tình cảm khán giả. Nhiều lúc, tôi đi xe ôm đến phim trường, tới nơi tài xế ngỏ lời: “Ngoại ơi, cho con xin tấm hình kỷ niệm chung nha”. Đi bệnh viện, nhiều người ưu ái, nhường tôi thăm khám trước. Vào chùa, tôi được khán giả vây quanh, có lần phải xin lỗi vì không thể nán lại lâu, lòng áy náy vô cùng.
Nghề này nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn. Tôi không hiếm lần bị các đoàn làm phim quỵt thù lao. Vài năm trước, một êkíp phim truyền hình không chịu trả cátxê 20 triệu đồng dù tôi đã xong vai. Nhắn tin dò hỏi vài lần, họ chỉ im lặng. Tôi tự nhủ thôi coi như là sự không may trong đời. Nhưng cũng có nhiều đơn vị yêu thương, tôi đóng ba cảnh ngắn mà được trả 3 triệu đồng.
– Cơ duyên nào đưa bà đến nghề diễn dù là tay ngang?
– Tôi lấy chồng từ thuở đôi mươi, ngày xưa vốn cày ruộng, cấy lúa ở Bến Tre. Hồi đó, tôi bươn chải đủ nghề lao động chân tay để nuôi con, ai thuê gì làm nấy. Con đầu tôi phải nghỉ học, đi làm sớm để em học hành đầy đủ. Thấy cuộc sống gia đình tôi khổ quá, một người chị chồng khuyên chuyển lên Sài Gòn, cất cho căn nhà nhỏ để ổn định con cái.
Những năm 1990, tôi vào ban điều hành tổ dân phố ở mảng thông tin tuyên truyền. Tôi đảm nhận khâu viết kịch bản, dàn dựng tiểu phẩm, có cơ hội theo học nhiều nghệ sĩ từ trường Sân khấu Điện ảnh xuống phường dạy, như đạo diễn Trần Minh Ngọc, Lê Văn Tĩnh. Từ năm 2005, tôi chạm ngõ diễn xuất với phim truyền hình Mùi ngò gai, vai một người bạn của bà Thanh (nghệ sĩ Kim Xuân). Tôi đóng 5 phân đoạn, được trả 1 triệu 750 nghìn đồng. Cầm đồng cátxê đầu tiên, tôi khóc vì mừng, thấy nhiều quá.
Những ngày đầu lên phim trường, tôi lạ lẫm lắm, thấy ai làm gì cũng học theo, từ diễn viên kỳ cựu đến quần chúng. Từ đó, tôi mê phim, quyết tâm theo nghề này. Có lần, thấy nghệ sĩ Phi Điểu được mời vai bà giúp việc, tôi thèm lắm, tự nhủ ước gì được đóng như thế. Tôi chưa từng kén chọn dù chỉ toàn đóng vai phụ, như bà nội Ngạn (Mắt biếc), mẹ của gã giang hồ (Hai Phượng). Tôi được nhiều nhà sản xuất, như Ngô Thanh Vân, đến tận nhà mời, dù vai chỉ có vài phân cảnh thoáng qua.
– Gia đình nói gì khi thấy bà hay xa nhà đóng phim?
– Hai con của tôi đã ngoài 40, 50 tuổi, đều lập gia đình nên tôi không lo lắng gì nhiều. Chồng tôi vài năm trước bị đột quỵ, sức khỏe yếu hơn nhưng may mắn chăm sóc bản thân được. Nghề này phải đi sớm về khuya song cả nhà đều khuyên tôi cứ làm điều mình thích. Tôi nhận ra niềm hạnh phúc nhất với tôi là sống trọn vẹn với nghiệp diễn. Ở tuổi này, tôi không mong mỏi gì hơn là sức khỏe, để sau một ngày đóng phim, được về nhà, nấu bữa cơm canh đầy đủ cho chồng và con cháu.
Mai Nhật