Eva Gevorgyan – một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng nhất thế giới cho biết rất hào hứng trước màn trình diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga tại nhà hát Hồ Gươm vào ngày 12/10.
– Đâu là lý do khiến chị quyết định nhận lời cùng nhạc trưởng Cesar Alvarez và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga tham dự Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2024 tại Hà Nội vào tháng 10 này?
Tôi rất vui khi nhận được lời mời biểu diễn tại Hà Nội cùng nhạc trưởng Maestro Cesar Alvarez. Chúng tôi quen biết nhau nhiều năm và mỗi lần được lên sân khấu cùng anh ấy, tôi đều cảm thấy rất hứng khởi. Trong buổi trình diễn này, tôi còn vinh dự được chơi cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga – một trong những dàn nhạc hay nhất thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên được đến Việt Nam nên tôi càng thấy phấn khích.
Trước khi nhận lời tham gia Vietnam Airlines Classic, tôi đã nghe nhiều về dự án tuyệt vời này. Với sự tham gia của những cái tên như London Symphony Orchestra, Sir Simon Rattle, Elim Chan…, chương trình thật sự đáng chú ý và mang tầm quốc tế. Mỗi buổi biểu diễn trong series này đều rất thú vị và hoành tráng.
– Từng biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, điều đó có ý nghĩa thế nào với chị?
Tôi luôn mơ ước được đến Việt Nam. Tôi rất hứng thú với văn hóa Việt Nam và luôn hy vọng có thời gian đến thăm nhiều vùng đất và thử tất cả các món ăn địa phương. Tôi luôn mong muốn được đắm chìm trong bầu không khí sôi động, khám phá xem khán giả sẽ hưởng ứng thế nào với âm nhạc của mình.
Trong buổi hòa nhạc tại Việt Nam, tôi sẽ biểu diễn bản concerto cho piano cung La thứ của Grieg. Tôi đã chơi bản concerto này trong nhiều năm và mỗi lần tôi lại tìm thấy điều gì đó mới mẻ trong bản nhạc. Đây là một trong những bản piano concerto có âm thanh tươi mới nhất của chủ nghĩa lãng mạn và tôi rất mong được biểu diễn trước khán giả Việt Nam.
Buổi biểu diễn này có ý nghĩa đặc biệt với tôi vì nó không chỉ đại diện cho sự trưởng thành của tôi với tư cách một nghệ sĩ mà còn là mong muốn của tôi về việc thu hẹp khoảng cách văn hóa bằng âm nhạc. Tôi luôn tin rằng âm nhạc có sức kết nối mạnh mẽ và tôi rất vui khi được chia sẻ hành trình này với khán giả Việt Nam.
– Mới 20 tuổi nhưng đã có trong tay nhiều giải thưởng danh giá và là một trong những nghệ sĩ piano hàng đầu thế giới, chị nghĩ điều gì tạo nên sự khác biệt của mình so với các nghệ sĩ khác?
Đây là một câu hỏi rất khó, nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời. Tôi luôn hòa mình vào những bản nhạc mà mình biểu diễn. Đó giống như một hành trình và khi kết thúc, nó khiến tôi suy ngẫm về những cảm xúc và câu chuyện mà tôi vừa chia sẻ.
– Nhạc trưởng Cesar Alvarez từng nói rằng, chị không chỉ có khả năng thấu hiểu tác phẩm, cách truyền đạt rất riêng mà còn mang đến sức sống mới của thế hệ trẻ trong lối diễn của mình. Chị nghĩ sao về nhận xét đó?
Tôi rất biết ơn nhạc Maestro Cesar Alvarez vì lời khen ngợi đó. Khi nghe bản diễn giải của các nghệ sĩ piano xuất sắc trên thế giới, tôi không bao giờ cố gắng sao chép mà chỉ tìm kiếm cách chơi của mình. Tôi luôn cố gắng diễn giải theo phong cách của nhà soạn nhạc đồng thời tạo ra sự mới mẻ và độc đáo. Với tôi, việc tạo được sự cân bằng này là khó khăn nhất.
– Con đường đến với piano của chị bắt đầu từ bao giờ? Với chị, đâu là những dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình?
Từ khi còn nhỏ, tôi đã biết mình sẽ trở thành một nhạc công. Mẹ tôi học đàn viola tại Nhạc viện Moscow và nhà chúng tôi lúc nào cũng tràn ngập âm nhạc. Năm 3 tuổi, tôi đã yêu cầu mẹ tặng cho mình một cây đàn violin nhưng chỉ vì không thấy âm thanh mình thích, tôi đã tháo rời nó rất nhanh. Và sau đó, mẹ nói với tôi: “Giờ chỉ còn piano thôi và sẽ rất khó để phá”. Đó là một câu chuyện buồn cười nhưng cho thấy từ khi còn nhỏ, tôi đã bị âm nhạc và đặc biệt là âm thanh của piano cuốn hút.
Khi 5 tuổi rưỡi, tôi đã vào học tại Trường Âm nhạc Trung ương Tchaikovsky thuộc Nhạc viện Quốc gia Moscow. Cô giáo của tôi khi ấy là cô Kira Shashkina – giáo viên đầu tiên của nghệ sĩ Mikhail Pletnev. Cô dạy tôi từ đó cho đến khi về hưu và sau đó, khi 13 tuổi, tôi vào lớp của cô Natalia Trull. Trong từng đó năm theo học piano, giải thưởng tại các cuộc thi như Cleveland hay Cliburn Junior đều là những dấu mốc, bước tiến lớn với tôi.
– Nhớ lại hành trình gắn với piano của mình, chị thấy đâu là quãng thời gian khó khăn nhất và chị đã vượt qua nó như thế nào?
Đó là khi tôi nhận ra mình không còn trẻ con nữa và chỉ có bản thân mới có thể quyết định cuộc sống và sự nghiệp của mình.
– Thời thơ ấu của chị có điều gì đặc biệt?
Tôi học ở trường nhạc đặc biệt, nơi có rất nhiều môn học về âm nhạc từ lớp một. Tôi cũng bắt đầu tham gia các cuộc thi và du lịch khắp nơi trên thế giới từ rất sớm. Tôi vẫn nhớ mình đã chơi một bản nhạc của Mozart khi tham gia cuộc thi đầu tiên ở Cộng hòa Czech khi mới 6 tuổi.
– Chị nghĩ thế nào về biệt danh “thần đồng”, “nữ hoàng sắc đẹp” của làng nhạc cổ điển thế giới dành cho mình?
Tôi nghĩ đó đều là những biệt danh thú vị nhưng cũng có phần hạn chế. Gọi ai đó là “thần đồng” để làm nổi bật tài năng đáng kinh ngạc của họ, nhưng cũng có thể tạo áp lực khiến họ cảm thấy phải luôn cố gắng hoàn hảo. Tôi nghĩ điều quan trọng là các nghệ sĩ trẻ phải phát triển và khám phá nghệ thuật của mình mà không cảm thấy gò bó trong một danh hiệu nào đó.
“Nữ hoàng sắc đẹp” là cụm từ tôn vinh sự quyến rũ, vẻ ngoài nhưng đó chỉ là một phần của màn trình diễn. Nếu chỉ được gọi bằng biệt danh đó, sự chăm chỉ và cống hiến đằng sau âm nhạc của nghệ sĩ có thể bị lu mờ. Tôi tin rằng việc công nhận các nghệ sĩ vì những đóng góp độc đáo và niềm đam mê họ mang đến cho nghệ thuật còn ý nghĩa hơn nhiều.
Quốc Tuấn (Thực hiện)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nghe-si-piano-eva-gevorgyan-toi-luon-mo-uoc-duoc-den-viet-nam-2330061.html