Tối qua (27/12), Festival Guitar quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng đã chính thức Khai mạc. Để có được sự kiện âm nhạc danh giá này là công sức và tâm huyết của nghệ sĩ Guitar Phan Xuân Trí trong hành trình 10 năm bền bỉ gầy dựng phong trào Guitar cổ điển tại Đà Nẵng.
Festival Guitar quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng
Lần đầu tiên được tổ chức với quy lớn tại Đà Nẵng, Festival Guitar quốc tế được khai màn bởi các bạn trẻ trong của nhóm Dream Oasis Guitar Ensemble. Với tiết mục El Gato Montes (có nghĩa là Chú mèo đi hoang). Đây là một khúc nhạc điệu pasodoble, trích từ vở opera 3 màn của Manuel Panella (Tây Ban Nha).
Tại Festival Guitar quốc tế lần này, tiết mục mở màn với những ngón đàn trẻ trung, đầy say mê của các bạn trẻ, đã gây ấn tượng lớn với khán giả có mặt. Với nhạc mục được chọn lựa kỹ lưỡng, đêm khai mạc còn mang đến những tác phẩm đỉnh cao của các nghệ sĩ Guitar quốc tế và Việt Nam. Trong số đó, phải kể tới tiết mục Tango en skai – một khúc Tango phóng túng nổi tiếng nhất của nhạc sĩ và cũng là nghệ sĩ Guitar người Pháp Roland Dyens.
Tác phẩm này được ông chơi ngẫu hứng trên sân khấu và sau này do đòi hỏi của công chúng thì mới được viết ra thành bản nhạc và xuất bản. Với ngón đàn của nghệ sĩ Padet Netpakdee tinh thần của bản nhạc đã được truyền tải một cách xuất sắc, mang đến cảm xúc cho khán giả.
Nghệ sĩ Lê Hoàng Minh trình diễn Suite Cavatina (5 chương) – một tác phẩm mang màu sắc tân cổ điển của nhạc sĩ tài năng người Ba Lan Alexandre Tansman. Tác phẩm từng được tác giả đề tặng danh cầm Andres Segovia. 1950 nhạc viện Sienna (Ý) mở cuộc thi sáng tác cho guitar và suite Cavatina đoạt giải nhất của cuộc thi. Một tác phẩm đỉnh cao cho Guitar được trình diễn bởi một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm là một trải nghiệm lần đầu tiên với các khán giả yêu guitar.
Festival Guitar quốc tế hướng đến các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế với sự trình diễn cũng như giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như: nghệ sĩ người Úc gốc Việt Lê Hoàng Minh, nghệ sĩ Campbell Diamond (Áo), nghệ sĩ Padet Netpakdee (Thái Lan), nghệ sĩ Phan Xuân Trí (Việt Nam), nghệ sĩ Nguyễn Ngọc San (Việt Nam) và nhóm guitar hòa tấu Dream Oasis Guitar Ensemble (Việt Nam).
Với 2 buổi hòa nhạc chính, khán giả sẽ được thưởng thức những nhạc mục phong phú, đa dạng về thể loại, trải dài qua các thời kỳ âm nhạc khác nhau, từ âm nhạc thời Baroque, âm nhạc thời Lãng mạn, âm nhạc thời Tân cổ điển, âm nhạc hiện đại và dòng âm nhạc Latin-American (Mỹ La tinh)…
Hành trình 10 năm bền bỉ của nghệ sĩ Guitar Phan Xuân Trí
Để có được một Festival Guitar quốc tế lần đầu tiên tại Đà Nẵng đó là hành trình hơn 10 năm bền bỉ với tất cả đam mê và tâm huyết của nghệ sĩ Guitar Phan Xuân Trí.
Guitar cổ điển vốn là một loại hình nghệ thuật kén chọn khán thính giả. Tại Đà Nẵng, “đất sống” của Guitar cổ điển lại càng khó khăn hơn. Say mê Guitar từ nhỏ nhưng Phan Xuân Trí chính thức chọn Guitar cổ điển để theo đuổi như sự nghiệp suốt đời của mình ở năm 18 tuổi. Năm 2004, anh tốt nghiệp Guitar cổ điển hệ Trung cấp chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Huế và hệ Cử nhân biểu diễn Guitar cổ điển tại Nhạc viện TP.HCM năm 2010.
Được học hành bài bản và tiếp cận với những môi trường văn hóa, nghệ sĩ Phan Xuân Trí đã ấp ủ một ngày sẽ mang cây đàn trở lại quê hương Đà Nẵng và xây dựng nền tảng Guitar tại chính quê hương mình.
Anh chia sẻ: “Ngày mình còn sinh viên vì yêu thích Guitar cổ điển mà bản thân đã lặn lội kiếm thầy học, mình học dần lên Trung cấp tại Huế, rồi tiếp tục tiến tới môi trường mới là TP.HCM. Với mình, Guitar là lẽ sống. Mình nhận thấy Đà Nẵng là thành phố phát triển nhiều mặt nhưng mảng Guitar cổ điển và âm nhạc thính phòng còn rất hạn chế. Mình thực sự mong muốn xây dựng, phát triển nghệ thuật Guitar cổ điển trở thành một điểm văn hóa, một nét mới của thành phố Đà Nẵng”.
Với quyết tâm đó, từ năm 2010 nghệ sĩ Phan Xuân Trí đã trở về Đà Nẵng, cùng với những cộng sự tâm huyết, anh đã tổ chức những hòa nhạc Guitar định kỳ vào mỗi cuối năm. Hơn 10 năm qua, các buổi hòa nhạc như thế đã đều đặn được tổ chức. Anh nhận ra, Đà Nẵng không thiếu những công chúng yêu Guitar. Hành trình bền bỉ của anh đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều khán giả cũng như các nghệ sĩ.
“Để tạo ra thói quen, quan trọng là phải cho khán giả có cơ hội tiếp xúc, tạo nên sợi dây liên hệ với khán giả, giúp khán giả nhận ra rằng Âm nhạc guitar cổ điển cũng vô cùng thư giãn và dễ tiếp cận chứ không phải những gì quá cao siêu, bác học”. Song song với việc tổ chức các concert, những lứa học trò yêu thích và theo đuổi nghệ thuật Guitar cổ điển cũng đã được nghệ sĩ Phan Xuân Trí truyền lửa đam mê.
Phan Xuân Trí từng xây dựng sự nghiệp học tập và trau dồi nghề nghiệp của mình khi được tham gia học với những bậc thầy như: Lê Hoàng Minh (Australia), Rene Izquierdo (Mỹ), Jeremy Jouve (Pháp) và Paul Cesarczyk (Mỹ).
Anh đã biểu diễn trong nhiều buổi hòa nhạc lớn diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Cần Thơ và Đà Nẵng. Anh cũng là nghệ sĩ khách mời biểu diễn trong những Liên hoan Guitar quốc tế như: Silpakorn International Guitar Festival and Calm tại Bangkok 2015, 2016, 2017 (Thái Lan), Alor Setar International Guitar Festival 2017 (Malaysia), Jakarta International Guitar Festival (2018) và cũng là thành viên sáng lập Liên hoan guitar các nước Đông Nam Á mang tên “The South East Asia Guitar Festival &Performance Ward”.
Nguồn: https://danviet.vn/nghe-si-phan-xuan-tri-va-hanh-trinh-10-nam-gieo-trong-nghe-thuat-guitar-co-dien-tai-da-nang-20241228124002427.htm