Đây là một vở diễn hết sức đặc biệt, không chỉ về ý nghĩa ngoại giao nhằm hướng tới 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, với những tâm huyết của ngài Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, mà còn là một câu chuyện độc đáo trong lịch sử từ cách đây 400 năm, kể về tình yêu của nàng công chúa nước Việt dành cho chàng trai Nhật sau cuộc gặp tình cờ trên con thuyền lênh đênh trên biển.
Vào thế kỷ 17, nàng công nữ Ngọc Hoa của xứ Đàng Trong và chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro đã gặp nhau trên chuyến thuyền giao thương Châu Ấn thuyền (Loại thuyền thương mại của Nhật Bản được các chính khách đương thời cấp giấy phép thông hành (Châu Ấn trạng) cho phép tàu thuyền ra ngoại quốc, chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII.giữa hai quốc gia).
10 năm sau, được định mệnh dẫn lối, cả hai đã phải lòng nhau và nguyện ý kết duyên vợ chồng. Chúa Nguyễn ban đầu không đồng ý nhưng sau này đã xiêu lòng trước tình yêu sâu đậm của con gái dành cho chàng trai ngoại quốc, đồng ý ban hôn và tiễn họ đến Nagasaki, Nhật Bản.
Ở Nhật, công nữ Ngọc Hoa thường gọi chồng bằng hai tiếng “Anh ơi”, từ đó người dân thị trấn Nagasaki đã gọi nàng với cái tên thân mật “Anio san”. Cả hai người đều được yêu mến, sống trong hạnh phúc và sinh được một cô con gái.
Thế nhưng, những thay đổi của thời đại đã ập đến khiến hai người không thể kháng cự. Lệnh bế quan tỏa cảng được ban ra tại Nagasaki. Chưa biết vận mệnh của nàng công nữ và chàng thương nhân sẽ ra sao!
Vở diễn do nhạc trưởng đình đám Honna Tetsuji làm Tổng đạo diễn và Giám đốc âm nhạc, quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng của cả Việt Nam và Nhật Bản như Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang, Koburi Yusuke, Yamamoto Kohei…
Tác giả âm nhạc là nhà sản xuất Trần Mạnh Hùng, tác giả phần lời tiếng Nhật là đạo diễn Oyama Daisuke, còn tác giả lời tiếng Việt là nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo Hà Quang Minh.
Vở diễn được chuẩn bị khá công phu, từ năm 2020. Tác giả Trần Mạnh Hùng cho biết, anh đã ấp ủ mong muốn được viết nhạc cho một vở opera đã lâu, nhưng phải đến bây giờ mong muốn ấy mới trở thành hiện thực.
Anh cũng chia sẻ rằng, chưa bao giờ được làm việc với một tập thể mạnh như thế này, và anh rất hạnh phúc được tham gia vào dự án.
Đạo diễn Oyama Daisuke cho biết, vở opera được viết kịch bản bằng tiếng Nhật trước, sau đó dịch sang tiếng Việt và từ bản dịch này, tác giả Hà Quang Minh sẽ chuyển thành lời ca. Phần lời ca này một lần nữa được dịch lại sang tiếng Nhật để làm phụ đề cho vở diễn.
Đạo diễn Oyama Daisuke cũng cho biết, ông không biết tiếng Việt nhưng dựa vào các bản dịch, ông cảm nhận được cách thể hiện tình yêu của người Việt rất phong phú, thể hiện qua ngôn ngữ, ngữ điệu của lời ca. “Tôi phải chỉnh sửa lại một chút phần phụ đề này để phù hợp hơn với văn hóa của người Nhật” – đạo diễn nói.
Tác giả phần lời Việt Hà Quang Minh chia sẻ, anh đã từng viết lời cho nhiều nhạc sĩ, cũng đã rất quen thuộc với công việc này, nhưng việc viết lời cho vở “Công nữ Anio” lần này phải tuân thủ một khung tiêu chuẩn rất chặt chẽ. “Tôi đã có cơ hội được làm việc và có những bài học rất hữu ích trong cách làm việc với người Nhật” – anh cho biết.
Tác giả Hà Quang Minh cũng nói rằng, ở vở diễn này, anh tôn trọng tuyệt đối phần âm nhạc, không nhờ nhạc sĩ “căn chỉnh” cho dễ phổ lời hơn. “Tôi hiểu rằng, khi xong phần việc của mình, tác giả âm nhạc và nghệ sĩ cũng sẽ tôn trọng phần lời của tôi như vậy”. – anh nói.
Vở diễn có sự tham gia của 4 nghệ sĩ vào hai vai chính, còn gọi là double cast (2 người cùng đóng 1 vai). Thủ vai Araki Sotaro là hai giọng Teno Nhật Bản Koburi Yusuke và Yamamoto Kohei.
Trong phần trích đoạn vở diễn, hai nghệ sĩ Nhật Bản đã khiến cả khán phòng bất ngờ khi cất giọng ca bằng tiếng Việt khá sõi. Hai nghệ sĩ chia sẻ đã học tiếng Việt và học hát tiếng Việt cùng giáo viên từ khi ở Nhật Bản. Nghệ sĩ Koburi Yusuke chia sẻ, học tiếng Việt khó nhất là cách phát âm các nguyên âm, chỉ cần khẩu hình thay đổi là nguyên âm thay đổi.
Khi các nghệ sĩ sang Việt Nam, các nghệ sĩ Việt là Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang sau giây phút đầu bỡ ngỡ, e ngại đã quen với hai nghệ sĩ Nhật Bản rất nhanh và cùng nhau hướng dẫn họ hát tiếng Việt. Nghệ sĩ Bùi Thị Trang cho biết, cô rất ấn tượng với các nghệ sĩ Nhật Bản ở giọng ca đẹp và hát tiếng Việt rất thành thạo.
Còn nghệ sĩ Đào Tố Loan cho rằng, âm nhạc và câu chuyện trong lịch sử đã góp phần kết nối giữa nghệ sĩ hai bên, giúp các nghệ sĩ hiểu nhau và làm việc rất hiệu quả.
Nói về vở diễn “Công nữ Anio”, bà Nguyễn Phương Hòa, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử có thật giữa hai nước, vở opera “Công nữ Anio” kể về câu chuyện tình giữa công chúa Việt Nam và thương gia Nhật Bản, biểu tượng cho mối lương duyên giữa hai quốc gia chúng ta, ngày càng bền chặt.
Thông qua sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ ca từ, tôi tin rằng, tác phẩm sân khấu chung giữa nghệ sĩ hai nước là sự tôn vinh những giá trị chung của hai dân tộc chúng ta”.
Vở diễn về một câu chuyện tình trong lịch sử đã được lựa chọn để làm biểu tượng sân khấu cho mối quan hệ bang giao lâu đời giữa hai nước. Các nhà tổ chức mong muốn vở diễn sẽ được phổ biến rộng rãi, giúp người dân hai nước hiểu thêm về lịch sử và mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp từ lâu đời giữa hai nước.
Vở opera “Công nữ Anio” sẽ công diễn vào tháng 9 tới, do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đồng sản xuất. Dự kiến trình diễn 2 buổi tại Hà Nội, 1 buổi tại Hưng Yên và có thể sẽ diễn tại Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh.
(Theo nhandan.vn)