(QNO) – Thời tiết nắng nóng cực đoan khiến các yếu tố môi trường ao nuôi biến động lớn dẫn đến các loài thủy sản nuôi bị sốc và nhiễm bệnh.
Dịch bệnh tấn công
Ông Đỗ Văn Tú (thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, hồi tháng 5 vừa qua, sau khi thả 100 nghìn con tôm giống thì bị dịch bệnh mất trắng và thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Quyết tâm đầu tư về khâu kỹ thuật chăm sóc tôm, hiện nay tại hồ của ông Tú đang áp dụng nuôi tôm đúng quy trình và khuyến cáo của cơ quan chức năng.
“Vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tôm bị một số bệnh như hồng thân, phân trắng… Sau khi được kiểm định chất lượng nước tôi đã bổ sung men vi sinh và vôi để trung hòa lượng kiềm, pH trong nước và tăng đề kháng. Bên cạnh đó, hệ thống sục khí hoạt động 24/24 giờ để cung cấp oxy cho tôm” – ông Tú cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ, trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, cần giảm lượng thức ăn lẫn số bữa ăn cho tôm. Đồng thời, trong khoảng thời gian nắng cao điểm trong ngày từ 9 giờ đến 16 giờ chiều phải tăng số lượng quạt chạy để giảm nhiệt độ trong nước.
“Phải chạy quạt nước liên tục để cung cấp oxy cho tôm và bổ sung men vi sinh trong các cử ăn nhằm tăng sức đề kháng và ổn định đường ruột cho tôm” – ông Mười nói.
Tại xã Tam Phú, có 75ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu con tôm. Tuy nhiên, do các bệnh gan cấp tính và hồng thân nên thiệt hại gần 30ha
[VIDEO] – Chăm sóc tôm mùa nắng nóng:
Theo Sở NN&PTNT, tổng sản lượng các loại thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 15.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi tăng 4,2%. Hiện nay các vùng nuôi tôm trong tỉnh đã thả nuôi gần 2.000ha và nuôi cá trên 2.100ha. Những tháng gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt nên nhiều diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh do virus gây ra làm tôm chết rất nhanh.
Diện tích tôm bị bệnh ước khoảng 142,8ha, trong đó bệnh do virus đốm trắng 20,8ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp 2ha; bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường 98ha. Cùng với đó, giá tôm thương phẩm có xu hướng giảm nên ảnh hưởng đến kế hoạch nuôi thả của các tháng cuối năm 2023.
Theo dõi chặt chẽ quy trình nuôi
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do thời tiết nắng nóng, diễn biến bất thường ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, các huyện, thị xã, thành phố có nghề nuôi trồng thuỷ sản tăng cường công tác thông tin kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh thủy sản của cơ quan thú y, đơn vị quan trắc môi trường đến người nuôi để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để quản lý, chăm sóc thủy sản nuôi như sử dụng lưới lan che trên bề mặt để hạn chế ánh nắng trực tiếp xuống ao, lồng nuôi.
Điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe của thuỷ sản nuôi, tránh hiện tượng dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nước nuôi. Định kỳ bổ sung thêm vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Về biện pháp xử lý, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích lưu ý: “Các đơn vị, người nuôi cần tăng cường quạt nước nhằm tăng cường dưỡng khí, bổ sung chế phẩm sinh học xử lý môi trường làm sạch đáy ao, hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại… để thủy sản nuôi phát triển khỏe mạnh. Và đặc biệt khi thủy sản bị chết không được xả thải ra môi trường ngoài, thông báo cho các cơ quan thú y, thủy sản có biện pháp xử lý kịp thời”.