Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo (Dự án 3) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Sơn La đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất. Toàn tỉnh Sơn La hiện có 48 chi hội nuôi ong mật, với hơn 2.100 hội viên; có 7 hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong. Các hộ nuôi ong mật đã áp dụng phương pháp nuôi ong theo thùng kế (tức là từ thùng ong chính thực hiện kê thêm một tầng nữa).
Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống. Bởi nuôi theo thùng kế, đàn ong lớn nhanh nên năng suất mật cao; hàm lượng thủy phần dưới 20%. Khi thu hoạch mật, người nuôi chỉ cần lấy các cầu ở tầng kế ra mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động đẻ trứng của ong chúa và nuôi dưỡng ấu trùng của ong thợ ở tầng trệt. Nhờ đó, mật ong thơm ngon hơn phương pháp nuôi ong truyền thống.
Năm 2014 mật ong Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể; năm 2019, sản phẩm mật ong của một số cơ sở sản xuất, hộ nông dân được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.