Trong quy trình làm gốm của người Bát Tràng, có một kỹ thuật thủ công cơ bản là “be chạch”, thường được dùng để tạo hình các sản phẩm có kích thước lớn. Ít ai ngờ rằng, kỹ thuật thủ công truyền thống tưởng đã mai một này nay đã được nghệ nhân trẻ Nguyễn Trường Sơn sử dụng như một đại diện của dòng gốm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam với những triết lý từ bi của đạo Bụt.
Trong quy trình làm gốm của người Bát Tràng, có một kỹ thuật thủ công cơ bản là “be chạch”, thường được dùng để tạo hình các sản phẩm có kích thước lớn. Ít ai ngờ rằng, kỹ thuật thủ công truyền thống tưởng đã mai một này nay đã được nghệ nhân trẻ Nguyễn Trường Sơn sử dụng như một đại diện của dòng gốm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam với những triết lý từ bi của đạo Bụt.
Nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn bên sản phẩm gốm Bụt.
Dấu vân tay và “giấc” của đất
Với những nghệ nhân lớn tuổi ở làng Bát Tràng, kỹ thuật be chạch vốn không xa lạ, nhưng nay không còn nhiều người làm bởi sự tiện dụng của bàn xoay điện tử và các dây chuyền sản xuất hàng loạt cho năng suất cao. Be chạch là cách làm thủ công, cho năng suất thấp, vì thế, từ lâu không còn được người làng ưa chuộng.
Be chạch là cách vê những khối đất sét thành hình thuôn dài như con cá chạch rồi “be” – xếp chồng lên nhau và miết để tạo độ kết dính thành một khối cho tới khi tạo thành hình dáng mong muốn của người nghệ nhân. Để có sản phẩm gốm be chạch hoàn hảo, quan trọng nhất là khâu thấu (vò) đất. Đất phải là loại đất sét có độ dẻo cao, mịn và được xử lý hết các tạp chất, sau đó cắt thành cục nhỏ, vò kỹ để loại bỏ bóng khí và các hạt sạn nhằm tránh tình trạng nổ, rộp hoặc phá hỏng cấu trúc sản phẩm. Tiếp đó, người thợ vê chạch thành từng dải nhỏ đều nhau cho đến khi đất đạt độ dẻo, không bị đứt gãy rồi be thành khối theo kích thước và hình dáng đã định.
Không giống như dòng gốm vuốt tay cho ra sản phẩm có bề mặt nhẵn, mịn, gốm be chạch lưu lại dấu vân do lực ngón tay tác động, tạo nên những hình khối lồi lõm trên bề mặt sản phẩm. Đây chính là dấu ấn của nghệ nhân, là nét đặc trưng của gốm be chạch.
Trong quá trình be chạch, người làm cần cảm nhận được “giấc” của đất, tức là độ dẻo của đất để tránh những lỗi kỹ thuật như nứt, cong vênh. “Để biết “giấc” của đất, người làm chỉ có cách duy nhất là tiếp xúc với đất mỗi ngày và cảm nhận đất đã đạt tới sự kết dính để giữ được phom dáng trong quá trình tạo hình… Người có kinh nghiệm lâu năm là người hiểu về đất” – nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Sau be chạch là khâu sấy khô, tráng men và nung sản phẩm. Bí quyết lâu đời của người Bát Tràng là “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”. Theo đó, “xương” là chất đất và cách tạo hình sản phẩm; “da” là màu men và họa tiết hoa văn trang trí; “dạc lò” chỉ kỹ thuật nung ở các mức nhiệt khác nhau để tạo nên một sản phẩm hoàn hảo.
Sự biến hóa khó lường của lửa quyết định hình dáng và màu men của gốm be chạch. Nhiều sản phẩm khi ra lò sẽ bị biến đổi về hình dáng, thoạt trông tưởng là bị sụt dáng, cong vênh nhưng khi nhìn kỹ mới thấy sự tinh tế ở các sản phẩm có phần thô mộc này. Do vị trí sắp xếp khác nhau trong lò nung nên khi dỡ lò, màu sắc sản phẩm gốm be chạch không giống nhau. Vì thế, một điểm nổi bật khác của gốm be chạch là màu men hỏa biến đầy tính ngẫu hứng. Cũng bởi những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi trình độ tay nghề và tư duy cao nên mỗi người thợ chỉ có thể làm được từ 3 – 5 sản phẩm gốm be chạch mỗi ngày, trong khi nếu sản xuất trên dây chuyền đổ rót khuôn, sản lượng có thể cao gấp 10 lần.
Ở Bát Tràng, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn là người tiên phong trong việc tạo ra các sản phẩm gốm be chạch với sự hỏa biến trong cả hình dáng lẫn màu men. Dù phải đối mặt với không ít nghi ngờ của người nhà nhưng Sơn vẫn kiên quyết đi theo con đường riêng, bởi anh luôn đi tìm cái đẹp từ những điều không hoàn hảo theo quan niệm nhà Phật.
Đi tìm triết lý cho gốm
Sinh ra và lớn lên ở Bát Tràng, từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn (40 tuổi) đã được bố dạy cho cách nặn hình các con giống, được giao trông sân bao phơi sản phẩm hay canh lò… Những việc ấy đã ngấm vào máu, nhưng khi trưởng thành Sơn lại chọn cách thoát ly như bao bạn trẻ khác ở Bát Tràng. Sơn kể, đó là những năm 1990 – 2000, Bát Tràng khi ấy là một làng nghề chưa phát triển, đường sá lầy lội, môi trường ô nhiễm, sản phẩm đơn điệu, chất lượng thấp nên có giá rất rẻ. Thu nhập không bảo đảm, đời sống quanh năm chỉ biết đến đất và lò nung khiến lớp trẻ ngày đó tìm mọi cách thoát ly để đổi đời. Nhưng rồi, nhanh chóng nắm bắt xu hướng của thị trường và thay đổi phương thức sản xuất, mỗi gia đình ở Bát Tràng đã tự tìm tòi mẫu mã sản phẩm, định hướng phong cách và thị trường tiêu thụ riêng, nhờ đó, làng nghề sôi động trở lại. Những đứa con của làng dù đã có việc làm bên ngoài cũng quay về, cùng gia đình phát triển nghề gốm.
Trước khi khẳng định mình với dòng gốm be chạch, Nguyễn Trường Sơn được thị trường biết đến với các sản phẩm gốm men tiêu hỏa biến – dòng gốm thủ công với lớp men hơi sần như rắc hạt tiêu xay lên trên bề mặt sản phẩm. Mặc dù vậy, Sơn vẫn muốn đi tìm một dòng gốm mang đậm bản sắc văn hóa Việt và có một triết lý riêng. Loay hoay một thời gian, Sơn quyết định gác lại tất cả để cùng một người bạn đi bộ xuyên Việt, từ Hà Giang vào đến Cà Mau trong vòng 75 ngày (từ ngày 10-8 đến 24-10-2022), trên quãng đường khoảng 2.500km. Phần lớn hành trình, Sơn và bạn không dùng đến tiền. Mọi chi phí sinh hoạt, ăn nghỉ trên đường đều nhờ vào lòng tốt của người dân.
Chia sẻ về hành trình đi như một vị hành giả, Sơn bảo, vì là một Phật tử nên Sơn tin, Bụt (cách nói về Phật của người Việt) luôn có ở quanh ta. Ngài luôn hóa hiện trong mỗi người ở một hoàn cảnh nào đó. Khi đã giác ngộ được sự từ bi hỉ xả của nhà Phật, Sơn muốn đưa triết lý, tư tưởng ấy vào sản phẩm của mình và gói lại trong khái niệm về đạo Bụt – tư tưởng Phật giáo theo văn hóa của người Việt. Bụt đã gắn bó trong tiềm thức của người Việt từ lâu đời. Trở về sau chuyến xuyên Việt, Sơn đã tìm được triết lý cho dòng gốm của riêng mình mang tên gốm Bụt. Với thương hiệu này, Nguyễn Trường Sơn mong muốn góp phần bảo tồn nghề truyền thống, và mỗi sản phẩm, mỗi khách hàng sẽ là một sứ giả lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới.
Không gian sáng tạo – diễn trường đối thoại văn hóa
Trong triển lãm gốm mang chủ đề “Hóa – Hiện” diễn ra từ ngày 26-4 đến 30-5 tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), công chúng Thủ đô có dịp ngắm nhìn hơn 100 tác phẩm gốm be chạch và tranh gốm đặc sắc của nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn. Xuyên suốt các tác phẩm nghệ thuật này là tư tưởng chủ đạo đi tìm hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo. Không ít người đã ngạc nhiên trước những chiếc cốc, bình hoa thoạt trông có vẻ méo mó như bị nung hỏng, hay những bức tranh gốm tưởng bị nứt vỡ lại được dát vàng, tạo thành những đường chỉ, họa tiết mang vẻ đẹp phá cách. Các tác phẩm của Sơn thấp thoáng hình ảnh Bụt, đạo Mẫu, phụ nữ, trẻ em vùng cao và hoa sen đượm bản sắc văn hóa Việt, mà nói như một số khách tham quan tại triển lãm là “không thể Việt hơn”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài cho rằng, nhờ nắm vững bí kíp nghề truyền thống, kết hợp với khả năng sáng tạo, nghệ nhân trẻ đã biến di sản thành hàng hóa có giá trị kinh tế và có tính trí tuệ. “Nhờ những người trẻ sáng tạo như thế, các làng nghề thủ công truyền thống mới được tiếp sức và sống trong đời sống đương đại. Đó là cách để di sản sống trong đời sống cộng đồng và nghệ nhân là người góp phần làm nên sự đa dạng của một thành phố sáng tạo như Hà Nội” – Tiến sĩ Đặng Văn Bài nhận xét.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn cho biết, anh sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng thành một trại sáng tác, nơi các nghệ sĩ trẻ sáng tác những tác phẩm gốm nghệ thuật, góp phần nâng tầm giá trị của nghề gốm truyền thống lên tầm cao mới. Trại sáng tác mà Nguyễn Trường Sơn ấp ủ hứa hẹn là không gian sáng tạo thú vị và là một diễn trường đối thoại văn hóa cho những nghệ sĩ, những người đam mê văn hóa truyền thống.