Người duy nhất lưu giữ hồn cốt quê hương
Dưỡng Động vốn là làng cổ có từ thời Hùng Vương xưa, trước đây là một xã thuộc huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; nay là thôn của xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Hàng trăm năm trước, Dưỡng Động từng nổi tiếng với nghề gốm truyền thống.
Ở Dưỡng Động có các cồn nổi trên dòng sông Giá – một nhánh chi lưu đổ ra sông Bạch Đằng. Tại các cồn nổi này có loại đất “trúc thôn hoa đào” dẻo quánh, có thể tạo màu tự nhiên. Cùng đó, đất sét ở chân núi Dưỡng Động tạo nên một chất gốm da Chu mịn màng, không nơi nào có được.
Với chất đất được thiên nhiên ưu đãi và bàn tay tài hoa của người Dưỡng Động, gốm Dưỡng Động nổi tiếng khắp gần xa. Đã có thời kỳ dài, các sản phẩm của gốm Dưỡng Động là đồ gia dụng thiết yếu của nhiều gia đình ở Bắc Bộ như bát, đĩa, lọ hoa, lục bình, chum vại…
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, địa phương đã thành lập Hợp tác xã Gốm sứ Minh Khai với trên 1.000 xã viên chuyên sản xuất ống thoát nước bằng gốm cung cấp cho nhiều địa phương phục vụ đời sống dân sinh của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cùng với hoạt động của Hợp tác xã, nhiều gia đình có lò gốm riêng, thường xuyên đỏ lửa giữa nghề truyền thống địa phương.
Tuy nhiên, đầu những năm 1990, gốm Dưỡng Động không địch nổi sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại đến từ thị trường Trung Quốc. Nghề gốm ở Dưỡng Động mai một dần, hợp tác xã gốm cũng tan rã.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm, có bố là thợ gốm có tiếng trong vùng, nghệ nhân Vũ Mạnh Huy hiện là người duy nhất ở Dưỡng Động còn đam mê theo đuổi và sống cùng với gốm xưa của cha ông.
Ttâm huyết với nghề, ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Huy đã lặn lội tới các làng nghề gốm nổi tiếng khác tại miền Bắc để học hỏi thêm. Năm 2007, khi chính quyền địa phương có chủ trương khôi phục lại làng nghề xưa, anh cùng một thợ gốm khác đã chung tay lập Hợp tác xã gốm Dưỡng Động để phục hưng nghề gốm.
Nhỡ những ngày đầu Hợp tác xã gốm thành lập, anh Huy đã ăn với gốm, ngủ cùng gốm hàng tuần trời tại khu xưởng sản xuất cũ của làng nghề bỏ lại. Anh dồn tâm sức, háo hức chờ đón mẻ gốm Dưỡng Động đầu tiên sau hàng chục năm lửa nghề quê hương đã tắt.
“Ngày đó, miệt mài với nghề đến nỗi vợ sinh con trai thứ 2 mà 1 tuần sau tôi mới nhìn thấy mặt con. May là vợ hết sức thấu hiểu và thông cảm với khát khao cháy bỏng của chồng”, anh Huy trải lòng.
Tuy nhiên, do phải đối mặt với nhiều khó khăn, Hợp tác xã gốm hình thành được thời gian ngắn bị tan rã, những người đồng hành cùng dần từ bỏ, anh Huy chuyển các máy móc, đồ nghề về khuôn viên nhỏ của gia đình để kiên trì theo đuổi đam mê.
Mỏi mắt tìm người nối nghề
Sau 17 năm trở lại quê hương với khát khao khôi phục lại làng nghề, anh Huy đã xây dựng Cơ sở sản xuất gốm sứ mỹ nghệ Minh Tân. Cơ sở của anh Huy được đầu tư bài bản với lò đốt bằng khí ga, máy nghiền đất, máy nghiền men, nghiên cứu, chế tác các loại khuôn mẫu bằng thạch cao đáp ứng các chế tác các sản phẩm gốm sứ…
Đến nay, đã có hàng nghìn sản phẩm của Cơ sở sản xuất gốm sứ mỹ nghệ Minh Tân đến với khách hàng trong và ngoài thành phố, thậm chí ra cả nước ngoài. Những sản phẩm tượng gốm Nữ tướng Lê Chân, tượng gốm Quốc công tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Phù điêu gốm Tam Bạc, Phù điêu chiến thắng Bạch Đằng, Chậu gốm lá lật quả đào… được đông đảo khách hàng yêu thích.
Nghệ nhân điêu khắc Bùi Thế Phong chia sẻ, rất khâm phục lòng yêu nghề và tâm huyết phục hồi nghề gốm cổ của nghệ nhân Vũ Mạnh Huy. Anh Huy đã vượt nhiều khó khăn để tạo một ngọn lửa khởi nghiệp độc đáo bằng quyết tâm giữ nghề truyền thống cha ông.
Hiện điều mà anh Huy cũng như những người yêu gốm Dưỡng Động luôn trăn trở, làm thế nào để có thể tiếp nối, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương. Do đó, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, anh còn tích cực truyền nghề cho những người yêu thích nghề gốm, giới thiệu về nghề làm gốm cho các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh.
Anh Huy cho biết, anh đang đào tạo hai học sinh có năng khiếu về gốm, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ học phí và sinh hoạt cho hai bạn nhỏ với mong muốn duy nhất tìm được người nối nghề. Cơ sở cũng thường xuyên mở những lớp trải nghiệm, mời một số nghệ sĩ, nghệ nhân tại TP Hải Phòng dùng xưởng gốm làm trại sáng tác miễn phí.
Tuy nhiên, gần 10 năm miệt mài truyền nghề, nhiều người từng đến với xưởng gốm làm một thời gian rồi cũng bỏ nghề theo công việc khác. Bởi “nhất thổ nhì mộc”, nghề này vất vả và nặng nhọc, lại cần kiên trì, nên giới trẻ thường e ngại.
“Tôi sẵn sàng truyền lại và chuyển giao hết các kinh nghiệm, công nghệ cho người thực sự tâm huyết cho người tâm huyết để giữ lại lửa nghề. Nếu thực sự theo đuổi đam mê, tôi nghĩ họ sẽ nuôi được gia đình, bản thân”, nghệ nhân Vũ Mạnh Huy tâm sự.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nghe-nhan-tran-tro-de-hoi-sinh-gom-duong-dong-192241003170507927.htm