Làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) nổi tiếng cả nước với những sản phẩm gỗ tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao, được khách hàng ưa chuộng. Giữa thanh âm rộn rã ngày nối ngày sôi động ở làng nghề, ngôi nhà của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Đức, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam khá tĩnh lặng, trưng bày những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tâm huyết. Trong những tác phẩm được ông gửi gắm tình cảm thể hiện, chủ yếu về đề tài Bác Hồ kính yêu – vị cha già của dân tộc Việt Nam.
Bức phù điêu “Bác Hồ với nhân dân Nam Định” tại Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định
|
Sinh ra trong làng nghề có truyền thống về chế tác gỗ mỹ nghệ, cậu bé Nguyễn Văn Đức lớn lên trong lời ru ầu ơ ngọt ngào của bà, của mẹ, cùng tiếng lách cách tiếng đục, tiếng bào của cha. Suốt tuổi thơ làm bạn cùng gỗ, những dụng cụ sản xuất, sản phẩm gỗ mỹ nghệ thấm đẫm mồ hôi, niềm đam mê và tâm huyết của người ông, người cha, những nghệ nhân trong làng đã dần nuôi lớn Nguyễn Văn Đức ước mơ trở thành thợ giỏi của làng. Ông dành thời gian học tốt các môn văn hóa, thi đỗ vào Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Với vốn liếng là những bí quyết, tinh hoa của nghề được cha ông truyền lại và kiến thức tiếp thu được ở trường đại học, năm 1990, ông Đức trở về quê hương lập xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ và dạy nghề cho thợ trẻ. Đây là giai đoạn mà tài năng của ông đạt độ chín. Nhiều tác phẩm điêu khắc đạt độ kỹ, mỹ thuật cao liên tiếp ra đời được trưng bày tại một số địa phương trong nước. Tháng 6 năm 1995, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Đức được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Nếu như ở mảng đề tài dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Đức thỏa sức sáng tạo với đường nét phóng khoáng, vừa dí dỏm vừa thuần hậu thì với mảng đề tài chân dung danh nhân, những tác phẩm của ông cũng thể hiện được tinh thần làm việc nghiêm túc, chỉn chu, cẩn trọng và tinh tế trong từng nét điêu khắc. Tiêu biểu các tác phẩm về Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trạng nguyên Lương Thế Vinh, danh tướng Yết Kiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Anh hùng Võ Thị Sáu… Vào năm 2016, ông được các cụ cao niên trong làng tin tưởng giao trọng trách tạc bức tượng cụ tổ nghề Ninh Hữu Hưng thờ tại đình La Xuyên.
Như nhiều nghệ sĩ điêu khắc khác, nghệ nhân Nguyễn Văn Đức luôn đau đáu muốn thực hiện những tác phẩm về đề tài Bác Hồ kính yêu. Thế nhưng phải đợi đến cuối thập niên 90, khi thấy tay nghề đã đủ độ chín, ông mới bắt đầu thực hiện. Điêu khắc chân dung đã khó, điêu khắc chân dung lãnh tụ càng khó hơn nên ông đã tìm tòi nghiên cứu kỹ các nguồn tài liệu, cảm nhận được sâu sắc cả hình dáng, tác phong, tâm hồn và tấm gương đạo đức của Bác, để tạo nên những tác phẩm đẹp nhất. Qua mỗi bức phác họa trên giấy, bản thử trên các chất liệu như thạch cao và bản điêu khắc gỗ, mỗi tác phẩm không chỉ thể hiện rõ thần thái ung dung hiền hòa, tinh thần kiên định và chiều sâu tâm hồn của Bác, mà còn mang dấu ấn tài hoa của người nghệ nhân ưu tú này. Với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ anh minh của dân tộc mà còn gần gũi, hiền từ và bao dung nên trong các tác phẩm của mình đều chú trọng vào tạo dáng sao cho đúng thần thái, nhất là các đường nét chi tiết trên khuôn mặt. Bằng tâm huyết và lòng kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã hoàn thành trên 10 bức điêu khắc với nhiều kích thước với các kiểu dáng, tư thế. Nhiều bức điêu khắc mộc bản được chuyển từ ảnh tư liệu lịch sử về Bác sang chất liệu gỗ, chủ yếu lấy đề tài nội dung Bác Hồ với thiếu nhi, tiêu biểu như tác phẩm “Em mơ gặp Bác Hồ” được sáng tác năm 2015 dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức năm nay gần 70 tuổi. Vì điều kiện sức khỏe mà hiện nay ông không mở rộng việc sản xuất, kinh doanh gỗ mỹ nghệ mà chỉ chọn lọc những tác phẩm làm theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, trong ông vẫn có khát khao cháy bỏng đó là thực hiện bộ tượng điêu khắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử. Đây giống như một bộ sử ký được thể hiện bằng những bức tượng gỗ điêu khắc nghệ thuật để ghi lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời vị cha già của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác và kỷ niệm 60 năm Ngày Người về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định (21-5-1963 – 21-5-2023), nghệ nhân Nguyễn Văn Đức thực hiện tác phẩm điêu khắc Bác Hồ trồng cây. Trong tác phẩm này, tư thế của Bác hơi cúi xuống, tay cầm xẻng, cùng một cháu thiếu nhi nét mặt hân hoan rạng rỡ. Toàn bộ tạo hình có bố cục hài hòa tinh tế trong từng đường nét điêu khắc, khuôn mặt toát lên vẻ tươi vui, thể hiện tinh thần yêu lao động, yêu thiên nhiên và quan tâm tới môi trường của Bác. Tinh thần lạc quan ấy như lan tỏa tới toàn bộ không gian của bức tranh, khiến cho tác phẩm trở nên sống động và có hồn. Đồng thời, thông qua bức tranh, tác giả mong muốn lan tỏa đến mọi người tinh thần học tập và làm theo tấm gương của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Gần 3 thập kỷ tâm huyết với đề tài Bác Hồ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Đức mong muốn thông qua những tác phẩm của mình góp phần lưu giữ mãi mãi hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong muôn triệu trái tim người dân đất Việt./.
Lại Thanh Thư