STO – Với lòng đam mê nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Khmer, những năm qua, nghệ nhân Lâm Hòa Tha, ngụ ấp Tân Quy B, xã Tân Hưng, huyện Long (Sóc Trăng) đã “thổi hồn” nhiều gốc cây cổ thụ và thanh gỗ thành những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng.
Nhiều du khách, hay bà con phật tử gần xa đến chùa Peam Buôl Thmây, phường 4, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) không chỉ để cúng bái, cầu bình an, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn tham quan, chụp những bức ảnh lưu niệm cùng chiếc ghe ngo “độc lạ” của chùa. Đó là tác phẩm độc đáo có một không hai trong tỉnh Sóc Trăng hiện nay do nghệ nhân Lâm Hòa Tha chế tác tạo hình tượng Naga “Neák” nổi trên toàn thân ghe ngo của nhà chùa.
Qua đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Lâm Hòa Tha đã tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, đẹp mắt. Ảnh: THI RE
Anh Lâm Hòa Tha phấn khởi chia sẻ: “Từ khâu vẽ phác họa hình tượng con rồng, chạm trổ, đục đẽo hoa văn nổi, sơn phết trên toàn thân ghe ngo đến khi hoàn thiện với thời gian hơn 1 năm. Bởi chiếc ghe ngo đó bằng gỗ cây sao nguyên khối, do đó đòi hỏi người thợ phải tính toán thật kỹ lưỡng, chăm chút, tỉ mỉ. Nếu chỉ sai sót một chút, nó có thể làm hư gỗ và mất đi thẩm mỹ trên chiếc ghe ngo”.
Theo anh Hòa Tha, nghề điêu khắc này tương đối khó, không ít người theo học nhưng thất bại, chỉ có sự đam mê cộng với năng khiếu mới có thể đeo đuổi được. Lúc đang tu hành tại chùa Bâng Kro Chắp Thmây, xã Tân Hưng, anh rất yêu thích nghề chạm khắc gỗ. Khi hay tin chùa Phnor Roka, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có mời thầy đến mở lớp chạm khắc từ gốc cây, anh sang đó học để trang bị những kiến thức cơ bản. Dù biết nghề này đòi hỏi phải khéo tay, thực hiện mỗi tác phẩm cực kỳ khó khăn, nhưng anh vẫn quyết tâm theo học cho bằng được.
Sau những năm tháng vừa học đạo, vừa miệt mài với học nghề, sư trẻ Hòa Tha đã có một số kiến thức cơ bản về nghệ thuật “thổi hồn” cho những gốc cây khô, gỗ. Anh Hòa Tha cho biết thêm: “Lúc đầu, tôi được thầy cho làm quen với khúc gỗ ngắn, có thể tạo được những con vật có hình dáng, đường nét chạm trổ đơn giản, càng về sau các tác phẩm càng được chạm khắc chi tiết, tinh xảo hơn. Khi tay nghề được nâng lên, tôi tiếp tục chạm khắc các con thú. Cuối cùng, những tác phẩm điêu khắc về hình tượng các loài chim thú đã lần lượt ra đời”.
Nhiều năm nay, anh Tha nhận được lời mời từ sư sãi, ban quản trị các chùa Khmer trong tỉnh như: Tứk Prăy, Bâng Kro Chắp Chắs (huyện Long Phú); Bưng Tone Sa (huyện Trần Đề); Pôthi Satharam và Peam Buôl Thmây (thành phố Sóc Trăng) và một số người mời khắc gốc cây tại nhà. Những tác phẩm điêu khắc hình tượng, như: 12 con giáp, chim bồ câu, đại bàng, chim thần, voi, hoa văn… được nghệ nhân Lâm Hòa Tha thể hiện rất sống động và linh hoạt.
Nghệ nhân Lâm Hòa Tha tâm sự: “Nhìn ngắm một gốc cây nham nhở, xù xì, trong tôi thường có cảm xúc mới mẻ. Tiếp theo là tính toán, phác họa hình thù con vật cho hợp với dáng gốc rễ. Phác họa ý đồ xong, tôi chặt bỏ những nhánh rễ không cần thiết. Nghề “thổi hồn” gốc cây khô phải biết khai thác những gốc cây lâu năm và nét đẹp đặc trưng của bộ rễ. Người sáng tạo chỉ dựa theo hình dạng của hiện vật và nương theo những nét độc đáo của bộ rễ như màu sắc, khối u, lỗ thủng kỳ thú vừa trừu tượng biến hóa, vừa cụ thể để chế tác, nhưng không lạm dụng những kỹ xảo để làm biến dạng các nét hoang sơ đầy ấn tượng trong thiên nhiên mà tạo nên những tác phẩm sống động như thật. Sau đó là công đoạn đánh bóng để hoàn thiện cho mỗi tác phẩm của mình”.
Đại đức Đinh Hoàng Sự – Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây cho biết: “Một số tác phẩm nghệ thuật đã trưng trong chùa là do nghệ nhân Lâm Hòa Tha chế tác được du khách và bà con phật tử đánh giá cao. Dù chỉ là nguyên liệu gốc cây cổ thụ, hay bằng gỗ, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của anh đã khắc lên những hoa văn, hình tượng đầy ấn tượng. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer”.
Việc nghệ nhân khắc họa từ những gốc cây khô, hoa văn trên những hạng mục của một số công trình kiến trúc trong ngôi chùa Nam tông Khmer đã góp phần tô điểm những giá trị văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc ngày càng phong phú và phát triển.
THI RE