(Dân trí) – Trước những thách thức của nhịp sống hiện đại, ông Tâm cho rằng, chỉ nhiệt huyết và đam mê thôi chưa đủ mà phải “đánh thức” tranh Đông Hồ để tranh có đất sống trong xã hội ngày nay.
Lời tòa soạn: Việt Nam có bề dày lịch sử và kho tàng di sản văn hóa phong phú. Những tinh hoa không nơi nào có được ấy đã đem đến bản sắc Việt Nam, hình thành cốt cách dân tộc và là cầu nối Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, cùng với dòng chảy thời gian và sự phát triển của nhịp sống hiện đại, không ít di sản đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên, mai một…
Với niềm đam mê bất tận với những giá trị tinh hoa văn hóa, nhiều cá nhân trong các lĩnh vực từ hội họa, ẩm thực, âm nhạc, thời trang… đang miệt mài bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tìm tòi những phương pháp, cách làm mới mẻ để phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ hôm nay cũng như bạn bè và cộng đồng quốc tế.
Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu tuyến bài “Những người gìn giữ, phát triển và lan tỏa tinh hoa dân tộc” kể về những cá nhân người Việt ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề đang cùng chung tay bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.
Tự hào đem tranh của làng truyền thống 500 năm tuổi ra thế giới
Trung tâm văn hóa Việt Nam tại thủ đô Paris, Pháp một ngày tháng 11/2023, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cẩn thận xếp từng khay mực, ván khắc, tập giấy dó… trên mặt bàn phủ khăn đỏ. Phần mành tre sau lưng, ông treo nhiều bức tranh mang tính biểu tượng của dòng tranh Đông Hồ như đám cưới chuột, đấu vật, gà trống hoa hồng, em bé ôm vịt…
Nhìn bộ dụng cụ và những bức tranh đã theo mình vượt hơn 10.000km từ làng Đông Hồ (Song Hồ, Bắc Ninh) tới nước Pháp xa xôi, ông Tâm cười hạnh phúc. Bởi một lần nữa, ông có cơ hội kể chuyện về dòng tranh có tuổi đời 500 năm của quê hương, về văn hóa, triết lý sống của người Việt Nam tới công chúng quốc tế.
Trước sự quan sát của nhiều du khách Pháp, ông Tâm tỉ mỉ giới thiệu: “Tranh Đông Hồ được làm từ những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên như than lá tre, lá chàm, hoa hòe, hạt dành dành, gỗ vang, sỏi son… tạo cho các bức tranh một phong cách riêng, khác lạ, đậm chất dân gian, không nơi nào trên thế giới có được.
Giấy in được làm từ giấy dó quét điệp, còn gọi là giấy điệp. Bột điệp tạo cho nền giấy một màu trắng sáng trong, lấp lánh, tôn màu khi in. Người làng Đông Hồ khắc ván từ gỗ cây thị để in tranh”.
Nói đoạn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm chậm rãi làm mẫu công đoạn in tranh. Ông chọn in bức tranh gà trống hoa hồng bởi trong văn hóa Pháp, người Pháp cũng rất trân trọng con gà trống. Về phần mình, ông Tâm muốn qua tranh Đông Hồ kể về con gà trống trong quan niệm của người Việt.
Tận mắt chứng kiến nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm thao tác, du khách Pháp và nhiều kiều bào Việt Nam tại Pháp không khỏi ngạc nhiên trước sự tỉ mỉ, cầu kỳ của tranh dân gian Việt Nam.
Họ càng thêm thích thú khi được nghệ nhân quê Bắc Ninh hướng dẫn in tranh, tự tay tạo ra những tác phẩm của riêng mình để đem về nhà làm kỷ niệm.
Năm 2023, ngoài Pháp, tranh Đông Hồ cùng nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm đã có dịp chu du đến Nam Phi, Nhật Bản trong các hoạt động của Ngày Việt Nam ở nước ngoài (chương trình quảng bá quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức thường niên từ năm 2010).
Ở mỗi quốc gia, ông lại mang theo những bức tranh có chủ đề phù hợp để giới thiệu về ước mơ, khát vọng, triết lý sống của người Việt Nam thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc trên nền giấy dó lấp lánh sắc điệp của tranh Đông Hồ.
“Ở Nam Phi tôi hướng dẫn cho du khách in tranh lễ hội, ở Nhật Bản, tôi giới thiệu tranh đấu vật… Không chỉ có thế, tôi còn có cơ hội trò chuyện với những nghệ nhân dân gian nước bạn để giới thiệu về văn hóa tranh dân gian Việt Nam. Đó thực sự là những hành trình ý nghĩa và tự hào”, ông Tâm chia sẻ.
Thời gian này, bên cạnh những sự kiện quảng bá trong nước, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm đang lên ý tưởng chuẩn bị cho buổi giới thiệu tranh Đông Hồ ở Ả-rập-xê-út và Brasil trong một sự kiện của liên quan đến ngoại giao vào cuối năm 2024.
Chỉ đam mê thôi chưa đủ, phải “đánh thức” tranh Đông Hồ
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm là con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – người được Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những cống hiến trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ông Tâm cũng nhận được nhiều bằng khen vì có nhiều thành tích đóng góp cho việc gìn giữ văn hóa truyền thống, thi đua yêu nước…
Nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cùng tranh Đông Hồ cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia khắp năm châu như Thụy Sĩ, Áo, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Nam Phi, Trung Quốc… trong các sự kiện cho Nhà nước tổ chức. Ngoài ra, ông còn chủ động liên kết với các trường đại học nước ngoài, đơn vị tư nhân để trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian.…
Trong bối cảnh người dân làng tranh đua nhau bỏ ván khắc chuyển sang sản xuất hàng mã, nghề tranh dân gian đối mặt với vạn ngàn khó khăn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cùng cha đẻ là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và các thành viên trong gia đình luôn trăn trở, tìm hướng đi mới. Họ đặt ra mục tiêu tranh Đông Hồ vẫn có “đất sống” trong dòng chảy hiện đại.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm (52 tuổi) cho hay, trước đây, như nhiều người làng, ông cũng từng có giai đoạn phải bỏ nghề làm tranh để ra ngoài mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Những năm 90, cả làng Đông Hồ gần như không còn ai làm tranh. Nhiều người xót xa khi tinh hoa văn hóa của làng có nguy cơ trở thành dĩ vãng.
Tuy nhiên, sau khi bố ông là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nghỉ hưu sớm (ông Chế từng là giảng viên khoa Đồ họa Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp), hai cha con đã cùng nhau quyết tâm phục dựng, không để dòng tranh Đông Hồ mai một khi xã hội ngày một phát triển.
Tranh Đông Hồ được thể hiện với hình thức đa dạng để ai cũng có thể sở hữu được bức tranh của riêng mình (Ảnh: Hồng Anh).
Làng tranh Đông Hồ từng có 17 dòng họ cùng làm tranh. Tuy nhiên, theo thời gian, hiện nay ngôi làng này chỉ còn 3 hộ đau đáu với nghề và gia đình ông Tâm là một trong số ít ỏi đó.
Nhiều người cho rằng, tranh Đông Hồ chỉ hợp với những ngôi nhà xưa, không hợp với không gian sống mới. Tuy nhiên, sau nhiều trăn trở, cha con ông Tâm cũng tìm ra được những hướng đi mới để có thể vừa tảo tồn, vừa sống được với nghề truyền thống.
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, những gì làm nên truyền thống Đông Hồ vẫn được ông gìn giữ. Đó là nguyên tắc về kỹ thuật khắc ván, in, giấy, màu sắc. Sự thay đổi nằm ở đề tài, hình thức thể hiện tranh…
“Tranh Đông Hồ trước đây rất đơn giản, chỉ có một khổ, lớn hơn khổ giấy A4 một chút. Tuy nhiên, ngày nay, tranh Đông Hồ có sự linh hoạt về kích thước để thích ứng với không gian sống hiện đại, rộng rãi. Chủ đề vẽ được mở rộng nhưng người làm tranh vẫn phải nắm được cách vẽ của tranh Đông Hồ ngày xưa là không có độ xa gần, mộc mạc…”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm nói.
Ông Tâm còn kết hợp tranh Đông Hồ với nhiều chất liệu khác nhau để vừa đảm bảo yếu tố mỹ thuật, vừa đảm bảo tiện lợi. Ông Tâm tranh Đông Hồ lên mành tre để du khách mua về làm kỷ niệm. Nhiều vị khách nước ngoài rất thích thú khi có thể cuộn tranh lại gọn nhẹ và đưa về đất nước của họ làm quà hay trưng bày.
Nếu như người xưa dán tranh Đông Hồ lên tường, dùng tăm để gim tranh vào vách đất thì ngày nay ông Tâm tạo ra những khung gỗ đẹp, lồng trong mặt kính.
Tranh Đông Hồ của gia đình ông Tâm còn được làm vật liệu để trang trí hộp bánh trung thu, vỏ bọc kẹo socola nổi tiếng hay xuất hiện trên cốc uống của chuỗi cà phê….
Ông Tâm trưng bày, giới thiệu tranh Đông Hồ tại gia đình. Nhiều du khách nước ngoài đã để lại những dòng lưu bút thể hiện sự trầm trồ trước vẻ đẹp không nơi nào có của tranh dân gian Việt Nam (Ảnh: Hồng Anh).
Nhờ những đổi mới đó, tranh Đông Hồ do gia đình ông Tâm làm ra đã thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ đa dạng đối tượng, được treo trang trọng trong các phòng khách, công sở, khách sạn, văn phòng, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Có những bức tranh, sản phẩm “chuẩn” Đông Hồ chỉ 50.000 đồng nhưng cũng có những sản phẩm tới vài chục triệu đồng. “Với cách đó, ai cũng có thể sở hữu được bức tranh Đông Hồ cho riêng mình”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, các làng nghề làm sản phẩm truyền thống dân gian đang đứng trước không ít thách thức của thời đại. Để gắn bó được với nghề, ông cùng gia đình nhiều năm đã theo đuổi nguyên tắc đổi mới nhưng vẫn giữ được cái chất làm nên tranh Đông Hồ, làm nghề để sống nhưng không đánh đổi bằng tất cả lợi nhuận.
Năm 2006, sau nhiều nỗ lực, ông Tâm và gia đình đã thành lập Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. Trung tâm là nơi trưng bày khoảng 1.000 ván khắc tranh cổ mà gia đình đã bỏ tiền túi sưu tầm từ năm 1992 hay những tác phẩm tranh Đông Hồ nổi tiếng…
“Có những bản khắc làm từ gỗ cây thị có tuổi đời hơn 200 năm. Trong làng khi ấy có 11 dòng họ làm tranh thì gia đình tôi thu thập được ván khắc của 9 dòng họ. Đó là một quá trình hết sức kỳ công”, ông Tâm chia sẻ.
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Dân gian tranh Đông Hồ của gia đình ông Tâm nằm trên diện tích 6.000m2, được xem là trung tâm về tranh Đông Hồ lớn nhất ở địa phương do người dân tự thành lập.
Du khách tới đây có thể trải nghiệm quy trình hoàn thiện một bức tranh với kỹ thuật đã được lưu truyền hàng trăm năm nay. Nơi đây cũng có những không gian để họ trải nghiệm làm tranh, giao lưu văn hóa để ông “truyền lửa” cho thế hệ tương lai.
Ông Tâm ước tính, mỗi năm, trung tâm đón hàng chục nghìn lượt khách. Khách đến với trung tâm ngày một đông càng cho thấy, lựa chọn gắn bó giữ gìn và phát triển tranh truyền thống của ông Tâm là hoàn toàn đúng đắn.
Đông đảo du khách trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên đã đến Trung tâm Giao lưu Văn hóa Dân gian tranh Đông Hồ của gia đình ông Tâm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Những năm 2015 về trước, khách quốc tế chiếm 80% nhưng từ năm 2015 đến nay, số lượng khách Việt tăng lên, chiếm 85%. Đặc biệt là những người trẻ đã quan tâm rất lớn đến tranh dân gian này. Đó là điều tôi cảm thấy rất mừng và tin chắc rằng, những tinh hoa văn hóa của làng vẫn được quan tâm và có nhiều cơ hội phát triển”, ông Tâm nói.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cùng gia đình không chỉ bảo tồn tranh Đông Hồ mà còn sống được với nghề làm tranh và góp phần khẳng định bản sắc Việt Nam trong thời đại mới. Tiếp lửa từ cha và ông, con trai của nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm sau khi tốt nghiệp đại học cũng đang trở về kế nghiệp gia đình để phát triển dòng tranh này.
Ông Tâm chia sẻ, ông đặc biệt trân trọng những chuyến đi quảng bá tranh Đông Hồ ở các trường học, các sự kiện văn hóa trong và ngoài nước. Nhờ được tham gia các sự kiện văn hóa, ông đã tìm ra cách phát triển đa dạng sản phẩm, học cách các nước bảo tồn văn hóa dân gian.
Đứng trước những thách thức của nhịp sống hiện đại, ông Tâm cho rằng, nếu chỉ nhiệt huyết và đam mê với nghề thôi chưa đủ mà phải đánh thức dòng tranh này phát triển và truyền đam mê, để những thế hệ đi sau.
“Nếu những người làm nghề truyền thống có ý thức gìn giữ nghề thì đầu óc sẽ sáng tạo nhiều hơn. Khi bản thân nỗ lực thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, các yếu tố từ thời cuộc… để gìn giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của dân tộc”, ông Tâm cho hay.
Tranh dân gian Đông Hồ là một trong bốn dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam (bên cạnh tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình). Tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sinh động cuộc sống bình dị của người nông dân, ước mơ ngàn đời của người Việt về cuộc sống ấm no, gia đình thuận hòa, xã hội công bằng tốt đẹp.
Hình ảnh những đàn gà, đàn lợn, đám cưới chuột, những thiếu nữ hứng dừa, các bộ tranh tố nữ, tứ quý, tứ bình… thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, lễ hội, đình đám, văn hóa, con người Việt Nam.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/van-hoa/nghe-nhan-danh-thuc-tranh-dong-ho-va-nhung-chuyen-di-toi-nam-chau-20240609173611553.htm