Sau hàng trăm năm tồn tại và trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm muối Sa Huỳnh của diêm dân phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đưa nghề làm muối Sa Huỳnh vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cấp, ngành quản lý, bảo tồn và phát triển giá trị di sản này.
Như vậy, sau hàng trăm năm tồn tại và trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, nghề muối Sa Huỳnh của diêm dân phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ đã được vinh danh.
Theo người dân Sa Huỳnh, cánh đồng muối Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ hình thành từ thế kỷ 19. Qua hơn một thế kỷ tồn tại, nghề muối Sa Huỳnh đã phát triển thành một làng nghề truyền thống, với giá trị không hề thua kém bất kỳ làng nghề muối nổi tiếng khác trong nước, như Cà Ná, Hòn Khói…
Có diện tích khoảng 105ha, đồng muối Sa Huỳnh là vựa muối lớn nhất miền Trung, tạo sinh kế cho hơn 500 diêm dân thuộc 3 tổ dân phố là Tân Diêm, Thạch Đức 1 và Long Thạnh 1, với sản lượng cung cấp cho thị trường từ 6.000 – 6.500 tấn muối/năm.
Cũng như nhiều nghề khác của ngành nông nghiệp, hoạt động sản xuất muối của diêm dân Sa Huỳnh đã trải qua bao gian khó, thăng trầm bởi chuyện “được mùa, mất giá và được giá, mất mùa”; nhiều thời điểm muối làm ra chất đống, giá rẻ mạt nhưng không có ai mua…
Thời gian gần đây, từ sự hỗ trợ của cấp ngành và các tổ chức trong, ngoài nước, đã mở ra cơ hội lớn để làng muối Sa Huỳnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm thu nhập cho diêm dân nơi đây.
Nguồn: https://danviet.vn/nghe-lam-muoi-cua-diem-dan-sa-huynh-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-20241214143859331.htm