Quảng NamKhoảng 150 hộ dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình mỗi ngày thu mua hàng tấn mực cơm của ngư dân đem về hấp để bán ra thị trường.
Hơn 4h sáng ngày giữa tháng 7, bà Trần Thị Yến, 62 tuổi, thôn An Tân thức dậy đến chợ cá Bình Minh cách nhà 500 m. Chợ họp trên bãi cát ven biển, nơi có hàng chục tàu thuyền cập bờ mang hải sản vào bán sau một đêm đánh bắt. Chợ chỉ hoạt động vào mùa hè, thu hút hàng trăm người mua bán hải sản khi mặt trời chưa ló rạng.
Tìm đến những chủ tàu quen biết nhiều năm nay, bà Yến chọn mua mực cơm, loại có nhiều ở ven biển miền Trung từ tháng 2 đến đầu tháng 6 âm lịch. Không như mực ống, mực cơm chỉ lớn hơn ngón chân cái, thịt dày, mềm và ngọt.
Ngư dân ra khơi từ chiều hôm trước, đánh bắt gần bờ trong đêm rồi đưa vào bán nên mực cơm còn tươi. Chủ tàu phân loại mực theo kích cỡ để trong các khay nhựa, bán từ 80.000 đến 300.000 đồng một kg.
Hơn một giờ đi chợ, bà Yến mua gần 100 kg mực cơm cho vào hai sọt buộc phía sau xe máy chở về nhà. Con dâu bà – chị Trương Thị Lý (27 tuổi) và một nhân công đổ mực vào thau để sơ chế.
Sau 20 phút, mực tách túi mật chất đầy thau được rửa sạch, phân loại theo kích cỡ và xếp vào 10 rổ tre hình tròn. Chị Lý bật hệ thống lò hấp bằng điện, đặt từng rổ mực vào ba nồi nước sôi. Hơn ba phút, mực chín căng phồng có màu đỏ hồng được vớt ra, cho lên giàn ráo nước.
Công việc lặp lại đến 6h30, chị Lý hoàn thành gần 30 rổ mực. “Hấp mực theo cách truyền thống chỉ bỏ ít muối trắng vào nồi nước”, chị Lý nói và cho biết trước đây, mực được hấp bằng bếp củi nhưng nay người dân chuyển qua dùng bếp điện. Hấp bếp điện sôi nhanh và không bị ô nhiễm bởi khói bụi, không cần phải canh thời gian để tiếp củi.
Nghề hấp mực thoạt nhìn đơn giản nhưng khá vất vả bởi hơi nóng tỏa ra từ bếp và nồi hấp. “Làm từng công đoạn nên phải kiên nhẫn, khéo tay. Phải làm sạch túi mật, nếu không màu đen bám vào mực trông rất xấu xí”, chị Lý giải thích.
Mực hấp xong được đưa vào rổ, vận chuyển bằng xe máy đem bán ở chợ Hà Lam, trung tâm huyện Thăng Bình cách nhà 10 km. Mực hấp mua về có thể ăn ngay vì đã chín, cẩn thận hơn thì luộc qua nước sôi.
“Mỗi ngày cơ sở của tôi thu mua 50-100 kg mực cơm về hấp. Một kg mực sau khi hấp còn lại khoảng 0,7 kg. Giá bán mực hấp loại nhỏ 100-200 nghìn đồng một kg, mực lớn trên 250 nghìn đồng”, bà Yến nói.
Ngoài bán ở chợ, mực hấp xong được đặt trong kho lạnh hoặc đóng thùng xốp đem bán ở nhiều nơi. “Mực để lâu ngày sau khi rã đông vẫn giữ được hương vị và chất lượng”, bà Yến nói. Thu nhập của gia đình bà từ nghề hấp mực từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng mỗi ngày.
Hơn 20 năm làm nghề hấp mực cơm, bà Phạm Thị Minh, thôn Hà Bình mỗi ngày bán khoảng 50 kg mực. Người phụ nữ hơn 50 tuổi cho biết để mực hấp ngon, nguyên liệu mua vào phải tươi. “Không để mực chín quá hoặc đang còn sống. Mực chín quá da bị đen, mực sống thì da bị rách, nhìn không đẹp. Mực vừa chín toàn thân có màu hồng”, bà Minh nói.
Ông Lê Xuân Tới, Phó chủ tịch xã Bình Minh, cho biết địa phương có hơn 100 tàu khai thác hải sản và 150 hộ dân làm nghề hấp mực. Mỗi ngày người dân trong xã cung cấp hàng tấn mực cho thị trường trong tỉnh, TP HCM và khu vực Tây Nguyên. Xã đang xây dựng thương hiệu mực cơm hấp Bình Minh để mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân.