Trời nắng là… “đói ăn”
Bén duyên với nghề giặt sấy từ 4 năm trước, chị Ngọc Như (chủ của một cửa tiệm giặt sấy trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp) cho hay, vào mùa mưa (từ tháng 6 tới hết tháng 11), lượng khách đến tiệm giặt tăng đột biến. Những ngày mưa đầu mùa, mỗi ngày chị thu về từ 2-3 triệu đồng.
“Nếu ngày thường tiệm giặt trung bình 100kg quần áo thì vào mùa mưa, số lượng sẽ tăng lên từ 200-300kg. Mùa nắng khách vắng, cứ mùa mưa lại tăng. Kinh doanh thế này cũng tùy… hứng ông trời”, chị Như chia sẻ.
Cách đó không xa, tiệm giặt sấy lấy liền của anh Nguyễn Thanh Sơn cũng chất đống hàng trăm kg quần áo khách gửi giặt. Tiệm của anh nhận giặt tất cả các loại đồ từ quần áo, giày dép, đồ cưới đến áo phao.
“Ngày thường tiệm của anh giặt tầm 200kg quần áo, mùa mưa sẽ tăng lên 300kg vào ngày thường còn chủ nhật thì tăng tới 400kg”, anh Sơn bộc bạch.
Với lượng đồ từ 300-400kg, anh Sơn thu về khoảng 3-5 triệu đồng mỗi ngày. Mùa mưa cửa hàng phải trang bị thêm máy để kịp giặt đồ giao cho khách. Hiện tại, anh cũng đang tuyển thêm nhân viên cho tiệm giặt do quá tải.
Chia sẻ lý do bén duyên với nghề giặt ủi anh Nguyễn Thanh Sơn cho hay, mấy năm trước, anh đang làm văn phòng thì dịch Covid-19 ập tới, thời gian giãn cách không có gì làm anh xoay sang định hướng tự kinh doanh.
Thời điểm đó anh nhận thấy ngành giặt sấy khá an toàn nên tự mày mò học hỏi kinh nghiệm. Tháng 10 năm 2021 anh bắt đầu mở tiệm giặt. Lúc đầu ít khách, anh phải bù lỗ nhưng hiện tại lượng khách đã ổn định. Anh Sơn xác định đã đi đúng đường, việc kinh doanh dần ổn.
Tuy có thu nhập cao nhưng nghề giặt sấy cũng nhiều nỗi khó mà chỉ người trong nghề mới hiểu. Lơ là một chút, chủ tiệm phải đền tiền triệu.
“Có một lần nhân viên của tôi tẩy đồ cho khách, quần áo màu mà dùng nước tẩy trắng dẫn đến hư đồ, tôi phải đền cho khách hơn 1 triệu đồng”, anh Sơn chia sẻ.
Nhiều chủ cửa hàng cho hay, công việc giặt sấy đòi hỏi người giặt phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vải và phân loại trang phục. Người giặt phải hiểu được chất liệu vải có ra màu hay không để tách riêng.
Nghề “gây ghiền để lấy tiền”
Là dịch vụ phổ biến và được ưa chuộng, các cửa hàng giặt sấy cũng khá kén khách. Đa số khách hàng đến tiệm giặt là những người có thu nhập ổn định. Có người trung thành với dịch vụ giặt sấy từ năm này qua năm khác nhưng có người chỉ tìm đến giặt sấy vào mùa mưa. Ngoài ra, có những khách chỉ đến để giặt chăn mền, rèm cửa.
Theo anh Sơn, giặt sấy tuy đang được ưa chuộng nhưng không phải ngành kinh doanh dễ dàng. Có những trường hợp tiệm giặt mở ra nhưng không có khách, gồng lỗ không nổi phải sang nhượng mặt bằng hoặc bỏ qua làm nghề khác.
Mùa mưa đến, nhiều người cho rằng việc phải tự giặt quần áo sau đó phải phơi, canh trời mưa để lấy quần áo, là ủi khá tốn thời gian và công sức. Thay vì tự giặt, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho dịch vụ giặt sấy để “quẳng gánh lo đi”.
“Chỗ tôi có một khách quen, anh đó làm văn phòng, ở một mình mà hàng tháng chi hàng triệu đồng tiền giặt sấy”, chị Như kể.
Anh Thanh Sơn cho hay dịch vụ này cũng gây… ghiền, nếu đã đi giặt 1 lần rất có thể sẽ tiếp tục giặt lần thứ hai. Có người tìm được tiệm giặt ưng ý là gần như quay lại đó, không giặt ở nhà nữa. Anh Sơn kể hàng loạt khách quen kiểu đó của tiệm mình.
“Có người đến tiệm giặt để giặt đồ cho cả gia đình, mỗi tháng tiền chi cho giặt ủi dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng”, anh Sơn nói.
Chị Nguyễn Hải Anh, 24 tuổi, nhân viên văn phòng chia sẻ: “Chị cũng hay mang đồ đi giặt sấy vì tiện. Giờ vào mùa mưa, đồ giặt ở nhà phơi cũng không khô, ẩm ướt khó chịu. Ra tiệm đồ giặt xong được sấy khô, thơm tho mà tiện lợi”.
Anh Lê Quốc Trung, một khách quen của tiệm giặt cho biết, thói quen ra tiệm giặt sấy xuất phát từ việc sống một mình. Mỗi tuần, anh đến tiệm giặt 1-2 lần.
“Có lúc tôi cũng tranh thủ tự giặt ở nhà rồi đồ mang ra phơi nhưng đi làm về thường thấy đồ ướt nhẹp, kém thơm tho. Cả dãy trọ ai cũng đi làm nên không có ai cất đồ giúp mình được”, anh Trung giải thích.
Theo các cửa hàng giặt ủi lâu năm, giặt sấy là nghề kinh doanh theo mùa. Mùa nắng khô ráo, lượng khách sẽ giảm, ngược lại vào mùa mưa ẩm ướt lượng khách lại tăng đột biến. Nắm được sự thay đổi này, các chủ tiệm giặt luôn phải thích nghi, cân bằng doanh thu giữa mùa khách tăng và mùa khách giảm để có thể duy trì tiệm giặt quanh năm.
Diễm My