Hơn 30 năm nay, anh Đào Văn Viễn (công nhân tuần đường thuộc Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai) luôn bám các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm kiểm tra, phát hiện kịp thời những hư hỏng và các yếu tố gây mất an toàn giao thông.
Anh Viễn kể từ năm 20 tuổi đã gắn bó với nghề tuần đường. Lúc đó, anh được giao quản lý cả trăm kilomet trên tuyến Quốc lộ 19. Nhiệm vụ của anh là thường xuyên kiểm tra tuyến, hệ thống biển báo an toàn giao thông và những vi phạm hành lang đường bộ, phát hiện sớm các vụ tai nạn giao thông cũng như những điểm hư hỏng đường để báo lên cơ quan chức năng có hướng xử lý, khắc phục.
“Công việc này được thực hiện hàng ngày, đặc biệt vào mùa mưa bão, càng phải tăng cường tuần đường. Tính chất công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, tự giác vì mỗi nhân viên tuần đường luôn phải làm việc độc lập, chỉ cần lơ là, không kịp phát hiện các chướng ngại vật trên đường, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao”, anh Viễn cho hay.
Nhiệm vụ tuần đường của anh Viễn không kể ngày đêm. Mỗi khi có sự cố xảy ra trên tuyến, anh lại khoác vội chiếc áo đã bạc màu rồi lao đến hiện trường để phối hợp cùng lực lượng chức năng cứu người gặp nạn hoặc xử lý chướng ngại vật.
Trong 30 năm qua, anh Viễn tuần đường khắp Quốc lộ 19 rồi đến cung đường Trường Sơn Đông. Hiện tại, anh được giao hơn 30km tuyến đường tránh TP Pleiku.
Tương tự, anh Hoàng Văn Từ (Hạt Quản lý đường bộ TP Pleiku) được giao giám sát hơn 30km tuyến Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh). Đây được xem là tuyến đường khó khăn trong quản lý, bởi lưu lượng xe lưu thông dày, qua khu vực dân cư đông đúc.
Đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 14 thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, có nhiều điểm nóng về vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Anh Từ nhớ lại: “Vừa qua, có vụ tai nạn tại ngã ba La Sơn vào ngày chủ nhật. Khi đó, xe khách tông vào nhà dân khiến nhiều người tử vong. Nghe tin, tôi bỏ cả đám cưới của người bạn để ra hiện trường, nắm tình hình và cùng cứu người gặp nạn. Trường hợp khác, tôi đi phối hợp vận động người dân tháo dỡ nhà tạm vi phạm hành lang an toàn giao thông thì bị dọa đánh, vác dao đuổi”.
“Nhân viên tuần đường thường làm việc âm thầm, ít người biết có chúng tôi đang phối hợp để giám sát, quản lý. Để kịp thời nắm bắt thông tin, sự cố trên đường, chúng tôi đều đưa số điện thoại cho người dân, cơ quan chức năng để khi cần thì báo sự việc”, anh Từ cho hay.
Dù chỉ mới hơn 4 năm gắn bó với nghề tuần đường nhưng anh Đỗ Ngọc Ánh (công nhân Hạt Quản lý đường bộ Chư Sê) không ngại khó, luôn tập trung làm tốt công tác tuần tra để kịp thời phát hiện mọi sự cố trên đường.
Cơ quan giao cho anh Ánh quản lý đoạn đường 46km thuộc tuyến Quốc lộ 25, trải dài 2 huyện Phú Thiện và Chư Sê. Đoạn đường này có 4km là đường đèo Chư Sê với nhiều khúc cua ngoằn ngòeo. Trên tuyến này, kẻ xấu hay lợi dụng đêm tối để trộm cắp, phá hoại hành lang an toàn giao thông… nên các nhân viên thường xuyên phải đi tuần từ đêm tới rạng sáng.
“Nghề này thường phải “đội” mưa gió, bão lũ, bất kể ngày đêm trên đường. Tuy vậy, đồng lương, chế độ còn chưa tương xứng, mức thu nhập trung bình từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Tôi cũng mong có những chế độ, hỗ trợ để tăng thêm thu nhập cho anh em tuần đường đảm bảo đời sống”, anh Ánh cho hay.
Ông Trần Văn Thạc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai, thông tin: “Hiện chúng tôi có 20 người quản lý hơn 700km đường trên địa bàn tỉnh. Trung bình, mỗi người phụ trách khoảng 30km để kịp thời thông tin về sự cố hư hỏng mặt đường, biển báo giao thông, hố ga vỡ sập nắp, công trình ngầm hoàn trả không đảm bảo và các sự cố tai nạn ùn tắc giao thông trên những tuyến đường quản lý”.
“Đây là nghề vất vả, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhưng thu nhập vẫn còn thấp. Các nhân viên là “tai mắt” để chúng tôi nắm bắt kịp thời các tai nạn, sự cố trên các tuyến đường. Tuyến đường an toàn, giao thông thông suốt hay không đều nhờ sự đóng góp thầm lặng của những nhân viên tuần đường này”, ông Thạc nhấn mạnh.