Một trong những điều luật nghiêm ngặt đối với người H’Mông là quy định về trang phục: đó là bộ váy cô gái H’Mông phải tự may khi bước vào nhà chồng và chiếc áo dân tộc phải mặc khi chết để tổ tiên nhận ra con cháu. Chỉ bằng một cái lẽ đơn giản vậy thôi mà cho đến giờ cái nghề dệt lanh vẫn còn hiện hữu trong từng ngôi nhà, bản làng dân tộc.
Hà Giang – cao nguyên đá – không chỉ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bởi những cánh đồng bạt ngàn hoa Tam giác mạch, những cung đường đèo quanh co và những thửa ruộng bậc thang quyến rũ mùa lúa chín, long lanh mùa nước đổ, những dãy núi mênh mông trùng điệp, mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc.
Đối với đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang, lanh là một biểu tượng văn hóa. Người dân nơi đây vẫn giữ được nghề dệt vải lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công.
Nghề dệt lanh của người Mông mang ý nghĩa hết sức to lớn đối với văn hóa truyền thống dân tộc, là một minh chứng sinh động thể hiện đức tình cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp.
Theo các cụ cao niên tại địa phương kể lại, con gái Mông khi đến tuổi trưởng thành được gia đình cho đất riêng để trồng lanh. Trước khi đi lấy chồng, họ phải biết dệt vải lanh. Khi về nhà chồng, mẹ chồng sẽ tặng con dâu một bộ lanh. Cô dâu mới biếu mẹ chồng bộ lanh do mình dệt và khâu.
Dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ. Người Mông quan niệm, vải lanh giúp gắn kết giữa giữa con cháu với tổ tiên.
Nguyên liệu chính để dệt lanh là cây lanh. Cây lanh được trồng sau khoảng hai tháng sẽ được thu hoạch. Nếu thu hoạch sớm, sợi lanh sẽ dai. Thu hoạch muộn, việc tách bóc vỏ sẽ khó. Vỏ lanh khi bóc tách phải ở chỗ không có nắng và gió, tránh tình trạng vỏ lanh dính chặt vào thân cây.
Sau khi tách, vỏ lanh được cho vào cối giã đến khi xoăn lại, sau đó, tiến hành nối sợi bằng cách cuộn sợi trực tiếp vào tay hoặc que gỗ, nối ngọn với ngọn, gốc với gốc đảm bảo các đoạn nối đều nhau về bề rộng. Sau khi nối xong, sợi lanh đem ngâm nước lạnh từ 15-20 phút rồi đưa lên khung se sợi.
Để có mảnh vải đẹp, người thợ phải yêu nghề, kiên trì và khéo léo, các sợi lanh ngay từ bước bóc tách đã phải đều nhau, tấm vải dệt ra mới bền và đẹp. Sợi lanh sau khi bóc tách được giã cho mềm, rồi nối lại với nhau để có sợi dài. Người Mông còn sáng tạo ra dụng cụ se sợi phối hợp giữa chân và tay để cùng lúc se 4 sợi lanh.
Sau đó, sợi được đưa vào một khung quay để tháo ra và bó thành từng bó rồi mang đi luộc với tro bếp, ngâm và giặt. Việc này lặp lại đến khi nào sợi lanh trắng mới mang đi phơi khô rồi cho vào khung để dệt. Khi cho sợi vào khung, tùy khổ vải, người thợ đếm chính xác số lượng sợi.
Người Mông vẫn dệt vải thủ công bằng khung cửi. Công đoạn dệt vải thường do các nghệ nhân lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm đảm nhận để có thể xử lý các sợi đứt, xấu.
Vải dệt xong được đặt giữa một phiến đá và một trụ gỗ. Người thợ đứng lên trên phiến đá lăn qua lăn lại cho đến khi toàn bộ bề mặt vải được cán phẳng, mềm và mịn mới mang đi ngâm với tro bếp củi một tuần cho trắng rồi phơi khô. Một tấm vải lanh đẹp phải có sợi đều, trắng, mịn. Vải lanh bền, hút ẩm nên khi mặc cho cảm giác thoáng mát.
Tạp chí Heritage