Hiếm có vùng đất nào trên đất nước ta có nghề dệt đũi được bảo tồn, phát triển đến ngày nay như tại xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Trải qua hơn 400 năm từ khi hình thành, dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng người dân làng nghề truyền thống này vẫn trân quý, gìn giữ tinh hoa đất nghề của cha ông để lại. Theo tư liệu ghi lại, nghề kéo đũi, dệt cửi tại đây có từ năm 1584. Khi đó, hai bà Từ Tiên và Từ An về quê cũ là làng Vân Xa, Bất Bạt (Hà Tây cũ) học nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo đũi, dệt cửi để về dạy cho con cháu; vừa làm nghề nông, vừa làm nghề thủ công để sinh sống. Công cụ sản xuất là khung cửi con cú, dùng chân đạp, tay đưa thoi.
Tuy nhiên, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, từ năm 1986, nghề truyền thống này phải đối diện với nhiều thử thách khắc nghiệt của cơ chế thị trường và bắt đầu mai một. May thay, từ năm 1992, nghề thủ công tại Nam Cao đã được khôi phục, số khung dệt tăng nhanh. Thời kỳ đỉnh cao là năm 2000, toàn xã có 1.568 khung dệt hoạt động.
Về làng dệt đũi Nam Cao hôm nay cùng Vietnam.vn, quý vị sẽ được trải nghiệm nghề truyền thống dệt đũi này với những quy trình, trong đó rút đũi là một trong những công đoạn thời các cụ xa xưa để lại, người làm nghề tận dụng những tổ kén bị đứt không thể ươm được thành tơ mang về rút bằng tay, rồi vê sợi và nối lại thành sợi đũi. Bộ ảnh “Nghề dệt đũi tơ tằm truyền thống ở Nam Cao” của tác giả Tô Quang Mạnh sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn quy trình nghề dệt đũi. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Trước đây các sản phẩm truyền thống có tên gọi mộc mạc là nái, sồi, đũi, nhưng riêng có đũi duy trì được lâu nhất. Nếu như lụa sẽ mềm, mịn, mảnh hơn và được kéo từ máy thì đũi cũng từ tơ tằm mà ra, nhưng được kéo bằng tay cho nên nhìn sần và thô ráp hơn.
Nghề kéo đũi hay rút đũi hiện nay chưa có máy móc nào thay thế được, vẫn làm hoàn toàn thủ công và cũng chỉ những người trong các thôn ở Nam Cao còn duy trì hoạt động này. Những năm gần đây, Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu về nghề dệt đũi.
Theo những người có kinh nghiệm trong làng nghề Nam Cao, đũi không giống tơ, nếu như sợi tơ có độ xoăn nhỏ thì đũi rút bằng tay có độ xốp, vì vậy sử dụng sẽ ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Sản phẩm quần áo làm từ đũi ở Nam Cao đã từng xuất sang Pháp và châu Âu, rồi thị trường Thái Lan và Lào. Hiện nay, những cơ sở dệt đũi ở Nam Cao tập trung khai thác ở thị trường trong nước.
Hiện trong thôn vẫn còn khoảng 100 người làm nghề rút đũi những lúc nông nhàn để cung cấp cho doanh nghiệp dệt đũi Đại Hòa, nơi ông Đại làm quản lý hơn 30 năm nay.
Với những giá trị trường tồn trên đất nghề Nam Cao, tháng 11/2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận “Nghề dệt đũi” và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào đối với mảnh đất này, là dấu mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vietnam.vn