Ngày 2-8, UBND huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề dệt choàng (khăn rằn) xã Long Khánh A.
Tháng 5-2023, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã đưa Nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng nghề thủ công truyền thống tại xã cù lao này đã hình thành và phát triển qua hơn 100 năm tuổi, ngoài sản phẩm chính là khăn rằn, bà con làng nghề đã sáng tạo ra các sản phẩm như: áo sơ mi, áo dài, túi xách, nón… được du khách ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Khơi – chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự – cho biết hiện tại, làng nghề dệt choàng Long Khánh A có 58 hộ làm nghề, với 147 khung dệt, tạo việc làm cho trên 300 lao động ở địa phương.
Hằng năm làng nghề sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 5 triệu chiếc khăn rằn các loại, giá bán từ 50.000 – 160.000 đồng, tùy thuộc vào chủng loại, màu sắc, kích cỡ.
Là một trong những hộ dân làm nghề dệt khăn rằn ở xã Long Khánh A, ông Huỳnh Hữu Hiệp kể nghề dệt của ông cha để lại qua nhiều thế hệ, ban đầu người dân trồng dâu nuôi tằm dệt vải, đến những năm 1960 bắt đầu có chỉ, việc dệt cũng dễ dàng hơn.
Nhưng dệt thủ công chỉ đạt 20 cái/ngày, nguyên liệu khan hiếm, bán theo mùa thu nhập bấp bên, làng nghề dần mai một.
“Đến năm 2022, người dân dệt máy hiệu quả gấp 3, 4 lần kiểu cũ, giúp nâng cao giá trị, mẫu mã, màu sắc… tận dụng khai thác du lịch, thu hút nhiều du khách quốc tế. Nghề dệt choàng được công nhận di sản văn hóa quốc gia, giúp chúng tôi cố gắng hơn nữa trong sản xuất và giữ gìn làng nghề cho con em mình”, ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Phước Thiện – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết nghề thủ công truyền thống dệt choàng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp, đáp ứng được niềm mong mỏi của người dân làng nghề qua các thế hệ gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của vùng đất này.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ông Thiện đề nghị các sở ngành liên quan có các biện pháp thiết thực, gắn với phát triển du lịch thu hút khách; bảo tồn đối với các di sản có nguy cơ bị mai một; tổ chức hoạt động giáo dục, đưa những giá trị cốt lõi của các di sản văn hóa đến với học sinh; xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên cho các cơ sở, hộ dân làng nghề thủ công truyền thống đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc phát triển làng nghề thủ công truyền thống.
Tuoitre.vn