Tài xế đòi “chiều”
Nhận phòng khách sạn, H.T. (32 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) lên giường nghỉ ngơi sau một ngày dài dẫn khách đi tham quan.
Do tiết kiệm chi phí, công ty xếp T. ngủ chung phòng có 2 giường với một nam tài xế. Xử lý công việc đến tận khuya, T. chưa kịp chợp mắt thì nam tài xế bất ngờ lao qua giường, đòi nữ hướng dẫn viên phải “chiều một chút”.
Lúc này, theo phản xạ T. đứng dậy, cầm điện thoại rồi hét lớn rằng sẽ gọi cho điều hành và chủ xe. Thấy vậy, nam tài xế mới hoảng sợ rồi dừng lại, xin lỗi.
Làm hướng dẫn viên du lịch đã hơn 5 năm, T. hiểu rõ những tình huống oái oăm này sẽ xuất hiện, nhưng lại không kiềm được sự sợ hãi khi tự mình trải qua. Đêm đó, cô gái thức trắng, trùm chăn kín đầu chỉ mong trời nhanh sáng.
“Tôi đã từng đi tour xa rất nhiều lần. Đối với những tour lợi nhuận thấp, công ty buộc phải xếp hướng dẫn viên ngủ chung phòng với tài xế nhưng họ rất đàng hoàng. Đây là lần đầu tôi rơi vào tình huống bị quấy rối như vậy”, T. nói.
Sau lần đó, mặc dù công ty lữ hành đã liên hệ và bảo vệ quyền lợi cho T., nhưng đây mãi là cú sốc mà T. không thể quên được.
Theo anh V.A.X. (34 tuổi), hướng dẫn viên du lịch có thâm niên hơn 13 năm, đây là công việc khó khăn hơn đối với nữ giới. Mặc dù anh chưa từng chứng kiến nhưng đây là tình huống mà bất kỳ nữ hướng dẫn viên nào cũng phải cảnh giác.
“Đi du lịch dài ngày, du khách hoặc tài xế họ thường sẽ dành sự tôn trọng, có cảm tình ban đầu với người hướng dẫn viên. Vì thế, không thể tránh được những lời lẽ có phần trêu chọc. Người hướng dẫn viên phải chủ động cảnh giác, không nên đáp trả lại để du khách hoặc tài xế hiểu lầm rằng mình cũng có cảm tình với họ, đó là nghiệp vụ quan trọng của hướng dẫn viên”, anh X. chia sẻ.
P.T.T. (23 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) cho hay, đây là tình huống mà không ít nữ đồng nghiệp đã gặp phải.
“Một số công ty không có tâm, họ sẽ sắp xếp cho nữ hướng dẫn viên ngủ chung phòng nam tài xế. Điều này thường xảy ra vào các mùa cao điểm, khi các khách sạn đã kín phòng”, T. nói.
Kiếm chục triệu đồng nhưng khó… kết hôn
T. có thâm niên làm nghề chỉ hơn 1 năm, nhưng anh chia sẻ bản thân có thể kiếm được khoảng 30 triệu đồng/tháng trong mùa cao điểm. Trung bình, sau khi trừ các chi phí, thu nhập anh có được là 5-10 triệu đồng/đoàn.
Công việc vất vả, T. kể rằng bản thân nhiều lần chứng kiến cảnh tượng khiến anh bất ngờ.
“Du khách đánh nhau, khách đánh hướng dẫn viên bản địa,… và không ít chuyện khác nữa. Người ta thường nhầm tưởng làm nghề này thì được đi đây đó nhiều. Nhưng hãy tưởng tượng được đi một chỗ hàng chục lần, thì không tránh khỏi… ngán ngẩm”, T. nói.
Có thâm niên lâu năm trong nghề, anh X. thừa nhận công việc này đem lại cho anh thu nhập rất tốt. Trước đây, anh X. tốt nghiệp ngành liên quan đến kinh tế, nhưng ra trường lại chọn theo nghề hướng dẫn viên du lịch. Anh X. cho hay, thời điểm năm 2013, một ngày đi tour, anh đã có thể kiếm được 500.000 đồng.
Đến nay, vào các mùa cao điểm như mùa hè, thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, thu nhập của anh có thể lên đến 50-60 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập không quá cao trong nghề, bởi thực tế, nhiều hướng dẫn viên du lịch có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cao điểm.
Vì vậy, không thể phủ nhận đây là công việc “làm một mùa, nhưng ăn cả năm”. Các hướng dẫn viên hầu như đều trông đợi vào mùa du lịch cao điểm để kiếm tiền, bởi những tháng khác cơ hội được nhận việc rất thấp. Đôi lúc, có tháng X. không kiếm nổi 10 triệu đồng, phải làm thêm công việc khác để duy trì thu nhập, trang trải cuộc sống.
X. bộc bạch, đây là công việc có thu nhập mơ ước nhưng lại vô cùng vất vả. “Kỷ lục” làm việc xuyên suốt của X. chính là 2 ngày không ngủ, do phải xử lý, chăm sóc cho khách ở những chuyến bay đêm.
Công việc đi sớm về khuya, X. cũng đã quen với lời phàn nàn của bố mẹ. Năm nay vừa tròn 34 tuổi, X. hiện chưa có mảnh tình “vắt vai” bởi công việc bận rộn, hầu như không có mặt ở nhà. Ngoài ra, nghề này dường như có luật “bất thành văn” rằng hướng dẫn viên du lịch rất ít khi tiến tới hôn nhân với đồng nghiệp.
Làm nghề hơn 13 năm, X. cũng có nhiều kinh nghiệm cũng như những chuyến đi đáng nhớ. X. nhớ nhất lần dẫn đoàn khách qua Ấn Độ, chứng kiến cảnh người bản địa thiêu xác trên sông Hằng. Cảm nhận cảnh tượng bằng tất cả giác quan, X. cảm nhận được ranh giới sống, chết ngay trước mặt.
“Từ những trải nghiệm đó, nghề này cho tôi nhiều sự thay đổi về quan niệm sống. Công việc vất vả, nhưng có thể nói rất xứng đáng để làm”, X. kể.
Đối với anh X., hiện tại công việc này hiện đang rất cạnh tranh. Bởi tour ít nhưng hướng dẫn viên nhiều, không tránh khỏi những người có nghiệp vụ kém phải chọn bỏ nghề, làm công việc khác.