Khoảng 7h sáng, những ngư dân ở gần cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) bắt đầu mang theo dụng cụ và chiếc “thuyền” tự chế ra cống lớn cảng cá, để ngụp lặn nhặt từng con bờm bợp bé tí, bán kiếm tiền.
Bờm bợp là tên gọi người dân Đà Nẵng đặt cho sinh vật thân mềm có 2 mảnh vỏ màu đen, kích thước chừng ngón tay, sinh sống chủ yếu tại các vách đá, cọc tre vùng nước ngọt và lợ.
Để bắt được chúng, người thợ phải quấn vào mình những vòng xích nặng gần 10kg để lặn nhanh và sâu xuống đáy sông, tránh bị nước đẩy nổi lên.
Mỗi người thợ trang bị một ống nhựa dài nối vào máy oxy đặt trên thùng xốp để duy trì hô hấp.
Dưới đáy sông sâu hơn 4m, người thợ phải cố gắng “đánh hơi” vị trí những con bờm bợp đang bám. Khi thấy “hàng”, phải dùng dụng cụ chuyên dụng đục từng mảng lớn bỏ vào rổ. Một đợt lặn mất khoảng 10 phút, khi bờm bợp đầy rổ, người thợ mới ngoi lên mặt nước.
Bà Nguyễn Thị Tâm (trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho hay, quá trình lặn có thể xảy ra các sự cố như máy thở bị hỏng khi đang ở vị trí nước sâu, đứt dây… Do đó, nếu phát hiện điều bất thường phải ngoi lên mặt nước ngay.
Bên cạnh đó, việc phải quấn xích sắt khiến người thợ gặp khó khăn trong việc di chuyển. Bởi vậy, nghề này chỉ dành cho những người thật khỏe mạnh, quen sông nước.
Anh Phan Thanh Trúc (44 tuổi, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, do bờm bợp ít thịt nên chủ yếu được đánh bắt để làm thức ăn cho tôm hùm. Trước đây, chưa có người thu mua loại hải sản này nên không ai đánh bắt. Vài năm gần đây, thương lái tìm mua bờm bợp nhiều nên người dân có thêm việc.
Theo anh Trúc, nghề lặn bắt bờm bợp còn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm chực chờ dưới nước như mảnh vỡ thủy tinh, chai lọ, gạch đá, sắt vụn… nên cần có kinh nghiệm để xử lý tình huống.
Bờm bợp ở dưới đáy sông nên phải rửa sạch trước khi đưa lên bờ và gọi điện cho thương lái đến tận nơi thu mua với giá 2.000-3.000 đồng/kg.
“Hôm nay bờm bợp hơi thưa, nên lặn sông khoảng 6 giờ mới kiếm được tầm 1-2 tạ, bán được khoảng 300.000 đồng”, anh Trúc chia sẻ.
Với những người như anh Trúc, chị Tâm, dẫu biết cái nghề nhọc nhằn, cực khổ là vậy nhưng họ vẫn chăm chỉ, chịu thương chịu khó ngụp lặn dưới đáy sông, thách thức Hà Bá mỗi ngày.