Nghề chế tác đá cubic ở xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh) đã có từ lâu. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây. Để nâng tầm giá trị cho sản phẩm, người dân và chính quyền địa phương rất mong được UBND tỉnh sớm công nhận làng nghề.
Đem lại thu nhập khá
Dọc con đường từ Quốc lộ 1 đi vào trung tâm xã Xuân Sơn, chúng tôi bắt gặp hàng trăm chiếc lều được người dân dựng lên 2 bên đường. Bên trong những chiếc lều ấy phát ra tiếng đục đẽo lách cách của người dân làm nghề chế tác đá cubic. Ghé thăm lều chế tác của ông Vũ Viết Anh (thôn Xuân Trang), chúng tôi được chứng kiến sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Từ một khối đá thô kệch được khai thác từ mỏ đá, chỉ sau vài phút đục đẽo, ông Anh đã biến thành những viên đá vuông thành, sắc cạnh. Ông Anh cho biết: “Tôi đã gắn bó với nghề chế tác đá cubic được 15 năm. Lúc mới vào nghề, để đục ra 1 viên đá cubic không phải đơn giản vì dễ bị vỡ, méo mó và rất dễ đập búa vào tay. Nhưng làm mãi thành quen, thạo nghề. Nghề này nhàn hơn làm những công việc khác và cho thu nhập khá. Mỗi ngày, tôi đục được khoảng 100-150 viên đá, thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/tháng”.
|
Đồ nghề của những người chế tác đá cubic gồm có búa, đục, máy khoan và máy cắt. Mỗi ngày, người thợ chỉ xách đồ nghề ra lều được dựng lên bằng những tấm bạt, mái tranh để đục đẽo đá; còn nguyên liệu đã được các chủ thầu mua từ mỏ khai thác đá đưa về sẵn. Ông Võ Hữu Mạnh (thôn Xuân Ninh) cho biết, trước đây, mũi đục chủ yếu được làm bằng sắt nên quá trình đục đẽo đá rất nhanh bị mòn, méo, hư hỏng, năng suất thấp. Bây giờ, các mũi đục được làm bằng hợp kim, cùng sự hỗ trợ của máy móc nên việc chế tác đá trở nên nhẹ nhàng, sản phẩm làm ra đẹp hơn và số lượng cũng tăng lên rất nhiều. Chính vì thế, sản phẩm của làng nghề ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Đặc biệt, một số doanh nghiệp ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) còn đặt hàng chế tác đá cubic để xuất khẩu sang Nhật Bản, Đức. Vì vậy, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhờ đó, thu nhập của người dân làm nghề ổn định, đời sống được nâng lên.
Mong được công nhận làng nghề
Xã Xuân Sơn có nhiều mỏ đá granite trữ lượng lớn và đạt chất lượng cao. Việc khai thác đá phục vụ xây dựng tại địa phương bắt đầu từ năm 1988, chủ yếu là khai thác thủ công. Từ năm 2000 đến nay, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được Nhà nước cấp phép khai thác, sản xuất đá đã đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Do sản phẩm đá cubic có tính thẩm mỹ, bền chắc nên nhu cầu sử dụng để xây dựng công trình và nhà ở, lát sân nền, đường đi trong các khu du lịch, ốp hoặc xây dựng bờ tường… ngày càng nhiều. Nhờ đó, nhiều hộ dân tham gia chế tác đá cubic. Qua thống kê, trên địa bàn xã có 130 hộ với hơn 600 lao động làm nghề chế tác đá cubic, đem lại thu nhập từ 8 đến 30 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Xuân Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, trong quá trình sản xuất, các hộ gia đình luôn đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; hầu hết sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất được thu gom, tận dụng để bán cho các đơn vị, cá nhân sử dụng để san lấp mặt bằng, lót đường, lót nền nhà. Các hộ dân làm nghề đều nộp các khoản thu ngân sách đầy đủ và kịp thời theo chính sách khuyến khích phát triển làng nghề; luôn tham gia tích cực các cuộc khảo sát, báo cáo tình hình hoạt động của cơ sở, hộ sản xuất khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân phát triển làng nghề gắn với việc xây dựng tổ chức kinh tế hợp tác trong làng, xây dựng làng văn hóa, hoàn thành tốt các nghĩa vụ với Nhà nước; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, do chưa được công nhận là làng nghề nên hầu hết các hộ chưa chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; sản phẩm còn bị thương lái ép giá… Do vậy, người dân và địa phương rất mong UBND tỉnh cùng các cấp, ngành chức năng sớm công nhận làng nghề. Có như vậy, mới tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, tạo thương hiệu và kết nối đưa sản phẩm vươn xa.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện nay, trữ lượng đá granite làm nguyên liệu chế tác đá cubic tại xã Xuân Sơn rất dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu đá cubic thành phẩm đang tăng cao. Chính vì vậy, nếu được UBND tỉnh công nhận làng nghề sẽ tạo điều kiện để người dân nâng tầm giá trị, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm địa phương. Qua đó, khuyến khích người dân tham gia thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không để thương lái ép giá…
|
VĂN GIANG