Thực ra, không phải chờ đến khi bộ sách quý nói trên ra đời, bạn bè đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc mới biết, mới hiểu và quý trọng nhà báo sinh năm Canh Dần 1950 từng trải qua công việc ở các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và nhất là VietNamNet này.
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa trong một lần tác nghiệp
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa là người thực sự đam mê, dấn thân với nghề báo vất vả, nặng nhọc và trong nhiều năm qua, tuyệt nhiên chưa ai thấy từ con người gầy gò, rắn rỏi này một lời kêu than, lùi bước.
Ông cứ vậy âm thầm, lặng lẽ với công việc, cứ vậy chăm trồng, vun xới từng bài báo để cuối cùng có được những tác phẩm rất đáng đọc, đáng học, làm theo ở nhiều góc độ khác nhau.
“Đứa con tinh thần” quý giá của Trần Chánh Nghĩa được gom thành phần 1 “Một thuở Sài Gòn” và phần 2 “Dấu chân xuôi ngược” trong tác phẩm để đời “Đất & người phương Nam” đang được rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đón nhận, chúc mừng. Con người rắn rỏi tôi từng biết giờ đây bỗng nhiên… e ngại khi được bạn bè, đồng nghiệp ngợi khen, khiến ông không nói được thành lời, giấu vội giọt nước mắt nhòe mờ sau cặp kính lão quen thuộc.
Xin phép không nói chi tiết về tất cả các tác phẩm báo chí trong bộ sách nói trên mà chỉ nói lại một vài chi tiết làm báo, viết báo của Trần Chánh Nghĩa mà tôi – người từng làm cùng cơ quan với ông biết được, cảm phục và ghi nhớ mãi.
Hồi ấy, cơ quan báo tôi có trụ sở chính tại Hà Nội, còn toàn bộ phía Nam chỉ có cơ quan đại diện ở TP.HCM. Vì vậy, anh em phóng viên ở “Văn phòng 2” phải bao quát gần như toàn bộ thông tin ở các tỉnh phía Nam, bao gồm cả Tây Nguyên.
Có lần ở Đắk Lắk xảy ra một vụ tai tạn giao thông nghiêm trọng vào lúc nửa đêm. Nhà báo Trần Chánh Nghĩa được cơ quan giao “theo bám” vụ này. Là người thường xuyên lăn lộn trong mọi biến cố, sự kiện bất thường của đời sống, khách quen của mọi sự việc thuộc “đường dây nóng” báo chí, Trần Chánh Nghĩa đau đáu một nhận thức và hành động “không nghe, không thấy, không hỏi thì không viết” nên lần này, đường đến Tây Nguyên dù có xa xôi đến mấy thì ông vẫn ngay lập tức “hành quân” trên chiếc xe máy quen thuộc để đến tận nơi tác nghiệp.
Trong khi ông nhẹ nhõm lên đường như trăm nghìn lần khác thì vợ ông lại lo chồng một mình dặm dài gian khó và bất ngờ quyết “đi cùng ông” không phải bàn tới bàn lui, 300km cũng không ngán. “Cặp đôi” lên xe từ 22h hôm trước, đi liên tục đến 6h sáng hôm sau thì tới hiện trường. Ông bà đã giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ một cách giản đơn và… lạ kỳ nhất trên đời như thế, trước sự ngạc nhiên và thán phục của rất nhiều người gần xa.
Để rồi từ đó về sau, nhiều đồng nghiệp làm “đường dây nóng”, nhất là khu vực TP.HCM cũng như nhiều lần tác nghiệp các sự kiện lớn bé khác ở các tỉnh phía Nam, Trần Chánh Nghĩa luôn chở vợ đi cùng. Có khi ông nói với các đồng nghiệp trẻ mà đến sau là “Nhờ bả đi trông giùm cái xe”.
Có khi xong việc chạy xe về, ông vừa đi vừa nói rõ to “Bố tiện đường chở má mày đi hóng gió chút, không được sao tụi bây?”. Một người ăn đời ở kiếp với đất và người phương Nam, với Sài Gòn, dần dà trong quá trình làm nghề, ông tự xây dựng được mạng lưới “nguồn tin” tin cậy, dày đặc, hơn đứt nhiều đồng nghiệp, từ đó giúp ông nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận, xử lý thông tin, hình ảnh… theo đúng yêu cầu đề ra.
Tuyển tập 2 cuốn sách của nhà báo Trần Chánh Nghĩa
Làm báo là “làm” những câu chuyện “quốc kế, dân sinh”. Trần Chánh Nghĩa tự học, tự làm báo, tự lăn lộn trong đời sống báo chí nên làm “đường dây nóng”, viết bài vở về chuyện dân sinh là hợp với “tạng”, với sở trường gần dân, bám đời sống của ông. Vì thế, ông đi làm là đi theo tiếng gọi của đời sống dân sinh, tiếng gọi của những sự kiện nóng, những sự kiện chìm khuất nhưng luôn nóng hơi thở cuộc sống, cần báo chí vào cuộc.
Sự kiện kiểu như tai nạn 12h đêm ở Đắk Lắk, chìm tàu Dìn Ký, vụ cháy, vụ nổ nào đó… không ai đến sớm, đưa tin sớm bằng Trần Chánh Nghĩa như một thương hiệu, như “nghề của trẫm” đã là một thành công riêng có của ông.
Những thương hiệu sản xuất nổi tiếng Sài Gòn xưa, những di tích mang nhiều dấu vết lịch sửa chưa xa, những con người nghĩa khí đất phương Nam… cũng lại là những đề tài vừa độc đáo, vừa vô tận dưới ngòi bút, dưới góc ảnh của Trần Chánh Nghĩa.
Xin nói thực đây chính là những điều đáng quý, đáng nể trọng nhất của Trần Chánh Nghĩa nếu chúng ta có dịp đọc lại một cách đầy đủ, hệ thống các tác phẩm báo chí tưởng đơn sơ nhưng vô cùng công phu, tìm tòi của cây bút báo chí dân sinh này được giới thiệu trong bộ sách quý của ông.
Chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ khi ông viết về câu chuyện gốc tích người Hoa ở Chợ Lớn mà chắc chắn không phải ai cũng thông tỏ. Rằng, năm 1644 ở nước láng giềng hùng mạnh phương Bắc, nhà Thanh lật đổ hoàn toàn nhà Minh, từ đó một số người dân nhà Minh phải rời bỏ quê hương, xuôi về phương nam. Có cả các viên tướng nhà Minh đem quân cùng chiến thuyền cập bến Đà Nẵng xin thần phục nhà Nguyễn, được nhà Nguyễn cho ở lại cư trú, khai khẩn, làm ăn.
Chính những người Hoa này từ trong vô vàn gian khó của người tha phương dần dà đã tạo nên cơ ngơi giàu có ở Cần Giờ, Biên Hòa rồi lan tỏa rộng rãi ra Chợ Lớn và nhiều vùng khác… Để thấy, trong vô vàn câu chuyện về “Sài Gòn một thuở”, Trần Chánh Nghĩa không chỉ bám đất, bám dân là đủ, mà còn phải tìm tòi, sáng tạo rất nhiều để viết được những câu chuyện tưởng cũ mà mới, tưởng xưa mà không kém phần hôm nay…
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa thổ lộ rằng, càng hoạt động ôngthấy mình càng thêm dẻo dai, sức lực, càng phấn đấu không ngừng nghỉ. Bởi trong những năm tháng về chiều, ông chứng kiến hai câu chuyện nghĩa tình liên quan đến cơ quan, đến đồng nghiệp mà ông sẽ “mang theo suốt đời”. Đó là khi ông có việc riêng dài ngày ở nước ngoài, bèn đến cơ quan xin nghỉ không lương thì được lãnh đạo hồ hởi “Chú tiếp tục làm việc ở bên đó, như một cộng tác viên ở nước ngoài”.
Vậy là ông vừa giải quyết được chuyện gia đình, con cháu, vừa tranh thủ tìm hiểu chuyện làm ăn, sinh sống của cộng đồng người Việt ở đó, viết mấy chùm bài, đăng bài nào cũng “view” cao vút. Ông mừng, vì bản thân được cơ quan tôn trọng, sử dụng, vì ngòi bút của ông chưa bị cùn mằn mà trái lại vẫn “sắc” như thường thấy.
Đó là câu chuyện về bộ sách “Đất & người phương Nam” của ông bất ngờ xuất hiện trước mắt mọi người, khi trước đó chỉ là “mong ước kỷ niệm xưa” của một người nghỉ hưu bình dị như ông. Ông có tác phẩm đã in trên báo chí, mong mỏi tập hợp lại để làm kỷ niệm cho mình, cho đồng nghiệp nhưng nhà vẫn còn khó khăn, nhất là sau khi người vợ thảo hiền ra đi, sau đại dịch mọi thứ chưa hoàn hồn…
Chưa biết trải lòng cùng ai thì một đồng nghiệp trẻ cùng cơ quan, ngày ngày vẫn “bố bố con con” xin phép được đảm nhận công việc xin cấp phép, in ấn như một món quà tặng bố – đồng nghiệp kính yêu. “Tui không phải làm chi, chỉ cung cấp tư liệu bài, ảnh, đến ngày nó kêu: Bố ơi, bố nhận giùm con ạ”- Ông nói với tôi, giọng nghèn nghẹn, bồi hồi.
Làm báo, vâng làm báo là làm nghề, làm nghiệp vụ báo chí nhưng trong câu chuyện của nhà báo Trần Chánh Nghĩa còn là làm nên nghĩa, nên tình, nên một sự nghiệp của một người bình thường, lặng lẽ nhưng thực ra vô cùng sâu sắc, thấm thía với cuộc đời, với cơ quan, với đồng nghiêp. Đó là điều không dễ gì ai cũng có được như nhà báo Trần Chánh Nghĩa và một lần nữa xin được chúc mừng Ông vì những điều quý báu riêng có đó.