Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất cho Nghệ An giữ lại khoảng 600 tỷ đồng tiền thuế thu từ 22 nhà máy thủy điện, để phát triển hạ tầng, xã hội vùng khó khăn phía Tây.
Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Tỉnh này có 22 nhà máy thủy điện (hầu hết là thủy điện nhỏ) tại khu vực phía Tây, nhưng đây là vùng đặc biệt khó khăn, hạ tầng giao thông nghèo nàn. Trường học, bệnh viện chậm hoàn thiện do thiếu vốn. Một số thôn bản vẫn chưa có điện sinh hoạt, sản xuất.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết – cho hay, các nhà máy thủy điện tại đây đảm bảo cấp điện cho quốc gia, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cuộc sống người dân. Mùa mưa lũ, các hộ dân thường xuyên chịu ngập úng, gây thiệt hại về kinh tế.
Vì thế, theo cơ quan này, Nghệ An cần được bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng, bù đắp ảnh hưởng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Một trong số giải pháp, Bộ này đề xuất cho tỉnh giữ lại khoảng 600 tỷ đồng tiền thuế thu từ 22 nhà máy thủy điện, để phát triển hạ tầng, kinh tế tại địa bàn khó khăn này.
Theo Luật Ngân sách nhà nước, tỉnh Nghệ An vẫn được thu thuế với các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn. Nhưng nguồn thu này được dùng để xác định tỷ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương.
Chính sách đề xuất lần này khác quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, nhưng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng phù hợp với thí điểm cơ chế đặc thù, mới và thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội.
“Chất lượng đời sống khu vực miền Tây Nghệ An sẽ cải thiện, nhờ nguồn lực đầu tư công trình hạ tầng, khắc phục xử lý ô nhiễm môi trường và các nhiệm vụ an sinh xã hội”, cơ quan ngành kế hoạch nêu quan điểm.
Tại dự thảo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất nhiều chính sách ưu đãi phát triển kinh tế biển. Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An được giao và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước tại khu vực biển cách bờ 6 hải lý.
Ngoài ra, nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm và giảm một nửa tiền này với phần diện tích làm dự án nuôi trồng thủy sản.
Nhà đầu tư rót vốn vào dự án thủy sản tại đây có thể được áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn 4 năm và giảm một nửa số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Dự án nuôi trồng thủy sản trên biển từ 3 đến 6 hải lý được áp thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, miễn hai năm và giảm một nửa số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
Nghệ An – tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.490 km2), đứng thứ 4 về quy mô dân số với hơn 3,3 triệu người. Địa phương này là đầu mối trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, nằm trên trục giao thông chính nối liền Bắc – Nam và có hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt) phát triển, xuyên quốc gia. Tại đây cũng có đường bờ biển dài 82 km, trữ lượng thủy, hải sản các loại khoảng 80.000 tấn.
Năm ngoái, diện tích nuôi trồng thủy sản tại vùng ven biển tỉnh này là 6.676 ha, với sản lượng gần 29.500 tấn. Tuy vậy, hoạt động nuôi biển tại đây chủ yếu là gần bờ, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Vì thế, cơ quan soạn thảo cho rằng chính sách này được thực thi sẽ tăng quản lý Nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh nuôi biển. Đây là cơ hội thiết lập chuỗi giá trị, liên kết trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2023, thu ngân sách của Nghệ An đạt 20.250 tỷ đồng, vượt gần 28% kế hoạch và là năm thứ hai liên tiếp tỉnh vượt thu. Tỉnh này cũng nằm trong top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, trên 1,6 tỷ USD.