PV: Xin ông cho biết nguyên nhân và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An?
Ông Nguyễn Trường Thành:
Trong 4 đến 5 năm gần đây, diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài, mùa Hè, nền nhiệt cao phổ biến từ 37 – 400C có nơi trên 400C gió Tây – Nam hoạt động mạnh. Mực nước trên sông Lam xuống thấp. Do đó một số trạm bơm lấy nước trên sông Lam có thời điểm không hoạt động được; Mực nước tại các hồ chứa giảm nhanh.
Bên cạnh đó, do hạ tầng công trình thủy lợi nhiều công trình thủy lợi đã xây dựng từ lâu, một số đã xuống cấp, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu cấp nước vào mùa khô.
Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia, hiện tượng El Nino (pha nóng) có khả năng xuất hiện vào nửa cuối mùa hè 2023 với xác suất khoảng 80-85%; Trong tháng 6/2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,50C so với trung bình nhiều năm (TBNN); từ tháng 7-9/2023 nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với TBNN. Lượng dòng chảy đến hồ thủy điện Bản Vẽ có xu thế thấp hơn TBNN từ 35-38%.
Do vậy, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (nhất là vụ Hè Thu), dân sinh có thể diễn ra sớm và trên diện rộng; đồng thời với mực nước nội đồng xuống thấp thì nguy cơ xâm nhập mặn vào nội đồng ở vùng đồng bằng là rất lớn.
PV: Mức độ ảnh hưởng của tình trạng trên là gì?
Ông Nguyễn Trường Thành:
Với thực trạng nguồn nước hiện tại, mực nước hồ chứa Bản Vẽ, mực nước sông Lam xuống rất thấp, mực nước tại các hồ chứa thấp và giảm nhanh. Do đó, nguy cơ thiếu nước, hạn hán xảy ra sớm và trên diện rộng (đặc biệt là các vùng cao cưỡng, cuối kênh, cuối hệ thống dẫn, các hồ chứa nhỏ).
PV: Thực trạng các hồ đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay như thế nào? Liệu có đủ cung ứng cho sinh hoạt và tưới tiêu cho ngành nông nghiệp trong năm nay?
Ông Nguyễn Trường Thành:
Hiện nay, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp, nhiều hồ mực nước hiện tại thấp hơn mực nước thiết kế, cụ thể:
Đến cuối 5/2023: Các hồ chứa do doanh nghiệp quản lý 102 hồ, đập: trong đó có 75 hồ có dung tích trên 50% WTK (cùng kỳ năm 2022 có 89 hồ); 27 hồ có dung tích dưới 50% WTK (cùng kỳ năm 2022 có 13 hồ); các hồ chứa nhỏ do xã, HTX quản lý có trên 959 hồ chứa, trong đó có 625 hồ có dung tích trên 50% WTK; các hồ chứa còn lại dưới 50% WTK.
Lúc 07 giờ, ngày 22/5/2023: Mực nước hồ Bản Vẽ thượng lưu 164,0m (quy trình 176,0m)/TK 200m; Dung tích hiện tại là 635,4 triệu m3 nước, đạt dưới 34,6% so với dung tích thiết kế (ứng với dung tích hữu ích là 183,8 triệu m3); Lưu lượng về hồ là 29,0 m3/s; thấp hơn mực nước thấp nhất quy định tại Phụ lục III – Quyết định số 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 12,0m, ứng với lượng nước thiếu hụt là 308,42 triệu m3 nước. (từ ngày 21/5 đến ngày 31/5: Khoảng mực nước hồ từ 176,0m đến 179m).
Với thực trạng nguồn nước hiện tại, diễn biến thời tiết bất lợi như dự báo, trong những tháng cuối mùa khô năm 2023, nếu thời gian tới không có mưa bổ sung, mực nước sông Lam có xu hướng giảm; mực nước hồ chứa Bản Vẽ xuống rất thấp thì khả năng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ xảy ra, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu – Mùa.
PV: Vậy, tỉnh Nghệ An đã có những giải pháp như thế nào để hạn chế thiệt hại do hạ hán, xâm nhập mặn gây ra? Đặc biệt là về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu?
Ông Nguyễn Trường Thành:
Chúng tôi luôn tiến hành song song hai giải pháp. Giải pháp phi công trình và giải pháp công trình.
Đối với giải pháp phi công trình, phải rà soát tình hình nguồn nước; Lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình và thực hiện khi hạn hán thiếu nước xảy ra; Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất.
Phối hợp, làm việc với Công ty thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê để đảm bảo xả lưu lượng nước đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho vùng hạ du; Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn;
Tập trung lấy nước vào hệ thống khi các hồ thủy điện xả để tăng nguồn nước; tận dụng đầm, ao hồ, bàu biền, sông cụt, các kênh trục lớn để tích trữ nước nội đồng; Tổ chức quản lý vận hành các hệ thống và các công trình thuỷ lợi phù hợp, tiết kiệm nước.
Đối với giải pháp công trình, có thể nói rằng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được đầu tư, xây dựng qua nhiều thời kỳ đã xuống cấp (nhất là đối với các hồ đập quy mô vừa và nhỏ) trong điều kiện nguồn lực để duy trì, sửa chữa có hạn dẫn đến việc tích, trữ nước chưa đáp ứng theo yêu cầu và trong điều kiện khí hậu thời tiết di thường hiện nay, nên cấp thiết phải đầu tư sửa chữa nâng cấp.
Về giải pháp trước mắt phải tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới đảm bảo dẫn nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất; Lắp đặt các trạm bơm dã chiến; bảo dưỡng máy móc thiết bị, sẵn sàng vận hành bơm chống hạn; Thay thế các trạm bơm đã xuống cấp.
Đối với giải pháp lâu dài, tập trung sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm dọc sông Lam; Đối với các đập, hồ chứa nước cần sửa chữa nâng cấp 120 hồ chứa trên toàn tỉnh; Xây dựng đập trên sông Lam ngăn mặn, trữ ngọt cấp nước cho hạ du sông Cả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!