Các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể Nghệ An đang quyết liệt hành động với nhiều giải pháp sát thực tế, quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các địa phương miền núi.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn đáng lo ngại
Là tỉnh có cộng đồng người dân tộc thiểu số đông đảo với 47 thành phần dân tộc khác nhau, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, Nghệ An có nhiều khó khăn trong công tác đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Người dân tộc thiểu số ở Nghệ An gồm Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông sống tập trung ở các huyện miền núi và trung du như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp – là những địa phương mà tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn đáng lo ngại.
Theo các số liệu thống kê, tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái. Cá biệt, có những cặp hôn nhân cận huyết thống là người Mông, Đan Lai. Trong 3 năm (2020-2022), riêng huyện Kỳ Sơn có trên 516 trường hợp tảo hôn và 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2023, có 229 trường hợp tảo hôn, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ… Sau dịp Tết Nguyên đán 2023, có 22 học sinh kết hôn, trong đó 15 em bỏ học vì lý do lấy chồng, lấy vợ.
Tại huyện Quỳ Châu, năm 2022 có 416 cặp kết hôn trong đó số cặp tảo hôn 17 cặp, Quý I năm 2023, có 8 cặp tảo hôn. Huyện Con Cuông, từ năm 2020-2022, có 27 cặp tảo hôn, đáng buồn là độ tuổi tảo hôn ngày càng “trẻ hóa” ở con số 13-14.
Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn được xác định do ảnh hưởng của phong tục, tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân (ví dụ như tục bắt vợ của người Mông). Sự tác động của mạng xã hội có nội dung xấu, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học lấy chồng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp… dẫn đến hiệu quả không cao. Sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết; các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các bậc làm cha, làm mẹ chưa quan tâm đúng mức, nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý con cái…
Công tác xử lý vi phạm các cặp vợ chồng tảo hồn cũng có nhiều khó khăn do hầu hết không đến UBND xã đăng ký kết hôn, chấp nhận phạt hành chính là xong, thậm chí nhiều nơi cha mẹ ép con lấy vợ lấy chồng để có thêm người lao động…
Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại các huyện miền núi, Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn của toàn hệ thống chính trị.
Đối với tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cấp Hội đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi truyền thông lưu động, sân khấu hóa, lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ.
Trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội đã tổ chức 99 cuộc truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sinh sản cho hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế; 63 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên nhóm tiên phong thay đổi trong cộng đồng.
Ngoài hoạt động tuyên truyền, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện phối hợp thành lập được 12 câu lạc bộ “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết” và 22 câu lạc bộ “Phòng chống tảo hôn” tại các xã có nguy cơ cao. Các câu lạc bộ này phát huy tốt vai trò trong việc nắm bắt thông tin về các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, các gia đình có ý định tổ chức cho con kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn, giải thích trực tiếp đến các cháu, các gia đình.
Hội phụ nữ, các đoàn thể địa phương cũng phối hợp với các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; xây dựng các phóng sự, tin, bài phản ánh về hậu quả của tảo hôn, tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật và hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số.
Nghệ An cũng xác định phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay tại thôn, bản.
Hải Anh