Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD
UBND tỉnh Nghệ An xác định, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Năm 2024 cũng là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chương trình hành động thực hiện Đại hội Đảng các cấp để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu còn đạt thấp.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất là các chương trình, đề án, dự án đã được cụ thể hóa trong các chương trình hành động, hoàn thành đề xuất để trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong kế hoạch, UBND tỉnh Nghệ An đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu. Về chỉ tiêu kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) 9-10%; Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 21-22%; Công nghiệp và xây dựng khoảng 35-36%; Dịch vụ khoảng 42-43%.
Thu ngân sách nhà nước 15.854 tỷ đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu 3.000 triệu USD; Tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội 106.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 62-63 triệu đồng; Tỉ lệ đô thị hóa 33%.
Giảm tỉ lệ hộ nghèo 1,0-1,5%; Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 78%; Tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 94%; Thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu;…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, tập trung hoàn thành việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW trước tháng 6/2024; Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh…
Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trọng tâm, trọng điểm đã xác định như: Xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò, đường bộ cao tốc, đường ven biển, Dự án LNG Quỳnh Lập…
Cùng đó, chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo triển khai thủ tục để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án mở rộng Quốc lộ 1A bảo đảm không phát sinh khiếu kiện.
Tỉnh Nghệ An cũng sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng bằng nhiều phương thức, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Quán triệt quan điểm đồng hành, tạo thuận lợi, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư, triển khai thực hiện dự án và trong suốt quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh… Tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức; Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai đúng tiến độ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã…
Phấn đấu thu hút 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, kết quả thu hút đầu tư năm 2023 vượt kế hoạch đề ra, ban cấp mới gồm chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 35 ngàn tỷ đồng; điều chỉnh 56 lượt dự án, trong đó, 18 dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng thêm 6.578,6 tỷ đồng.
Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.648,3 tỷ đồng, vượt 108% mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư 15.000 – 20.000 tỷ đồng) và số vốn đầu tư đăng ký tăng 37,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với tập trung hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư, công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường; quản lý doanh nghiệp và lao động; cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và huy động các nguồn vốn đầu tư cũng được quan tâm và đạt kết quả tích cực.
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp ước đạt 1.687 ngàn tỷ đồng.
Trên cơ sở phân tích các yếu tố thuận lợi và khó khăn, yêu cầu nhiệm vụ, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phấn đấu năm 2024 thu hút khoảng 20-25 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 15.000 – 20.000 tỷ đồng vào khu kinh tế, trong đó, vốn đầu tư FDI khoảng 700 triệu USD; thành lập mới từ 2-3 khu công nghiệp, với quy mô khoảng 600 ha.
Năm 2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: chủ động chuẩn bị ngày càng tốt hơn yêu cầu “5 sẵn sàng” của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư; hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả, đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, như công tác lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, đảm bảo mặt bằng sạch; cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ các dự án trọng điểm; nâng cao hiệu quản lý đất đai, bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, chuyển đổi số; đảm bảo nguồn nhân lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp…