Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hưng Yên là nơi phát tích của dòng họ Hoàng, quê hương – nguyên quán của Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghe thuyết minh tại nhà thờ bà Hoàng Thị Loan ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu. Ảnh: Thành Duy |
TÌNH CẢM ĐẶC BIỆT
Chính những sợi dây liên kết vô hình như một sự sắp đặt của lịch sử đó mang lại những xúc cảm đặc biệt đối với những người con xứ Nghệ bên dòng sông Lam khi đến với mảnh đất Phố Hiến vang bóng một thời bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, là nơi có nhà thờ Bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xây cất theo lối truyền thống. Theo nữ thuyết minh viên, làng quê nhỏ này là nơi phát tích của dòng họ Hoàng nổi tiếng có 18 đời Quận công. Đến đời thứ 6 có Thái phó Hồng Quốc Công Hoàng Thế Kiều (1540 – 1587), quan võ của Nhà Lê được phong chức Tổng binh và được giao trấn giữ Nghệ An.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghe thuyết minh tại nhà thờ bà Hoàng Thị Loan ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu. Ảnh: Thành Duy |
Cụ Hoàng Thế Kiều cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho việc họ Hoàng lập nghiệp ở xứ Nghệ. Hậu duệ là ông Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, thân sinh Bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hưng Yên còn vinh dự, tự hào khi 10 lần được đón Bác Hồ về thăm. Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP. Hưng Yên từng là trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên, được xây dựng năm 1956, trước khi được chuyển thành Nhà Lưu niệm vào năm 1973. Ngày 5/1/1958, trong lần về thăm Hưng Yên, Bác Hồ đã nghỉ trưa tại ngôi nhà này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ Làm thủy lợi khá nhất tặng cán bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên, ngày 16/9/1961. Ảnh tư liệu |
Xuất phát từ những điểm tương đồng, đặc biệt là từ kết nối của lịch sử, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hưng Yên trong những cuộc làm việc chính thức hay trao đổi bên lề đều nhiều lần khẳng định, giữa 2 tỉnh có những tình cảm hết sức đặc biệt.
Do đó, việc 2 tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 – 2025 vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực. Đây được xem là dấu mốc quan trọng để thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó thân thiết, mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân 2 tỉnh.
Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thành Duy |
Như Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tin tưởng, sự gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và ký kết biên bản hợp tác giữa 2 địa phương: Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và quê hương thân mẫu của Người, sẽ mở ra một chương mới, nâng tầm mối quan hệ gắn bó bền chặt, tình cảm đặc biệt giữa Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân 2 địa phương; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hưng Yên về thăm Nhà Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thành Duy |
Đồng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý tin tưởng các nội dung hợp tác sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành của 2 tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, qua đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.
HỢP TÁC TRÊN 5 TRỤ CỘT
Giai đoạn 2023 – 2025, Nghệ An và Hưng Yên xác định tập trung đẩy mạnh hợp tác trên 5 trụ cột. Trước hết, là trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị như: Trao đổi kinh nghiệm về việc cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng tổ chức, bộ máy, biên chế; sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hai tỉnh Nghệ An và Hưng Yên giai đoạn 2023 – 2025. Ảnh: Thành Duy |
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng, phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác dân vận, vận động quần chúng; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;…
Trên lĩnh vực văn hóa và du lịch, Nghệ An và Hưng Yên sẽ hợp tác trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, giá trị các làng nghề truyền thống gắn với địa điểm di tích, điểm du lịch tiêu biểu, trước mắt là hỗ trợ sưu tầm, bổ sung tài liệu hiện vật về dòng họ Hoàng tại Nghệ An, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ trưng bày tại Nhà thờ Bà Hoàng Thị Loan ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An trao tặng quà lưu niệm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đến Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên là bức tranh quê Bác Hồ. Ảnh: Thành Duy |
Hai tỉnh cũng sẽ phối hợp tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa; hỗ trợ xúc tiến du lịch, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ chế, chính sách về phát triển các loại hình, mô hình văn hóa, du lịch đặc trưng, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; phối hợp các hoạt động giao lưu, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, hội chợ du lịch tại tỉnh Nghệ An và tỉnh Hưng Yên để quảng bá, xúc tiến du lịch; gắn với đó là hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, kết nối các tour du lịch giữa 2 địa phương;…
Nghệ An và Hưng Yên đồng thời hợp tác về phát triển, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phối hợp tổ chức hội chợ thương mại tại tỉnh Nghệ An và tỉnh Hưng Yên với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất của 2 địa phương để quảng bá, xúc tiến thương mại.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Đặc biệt, thu hút đầu tư, phát triển đô thị là lĩnh vực mà Nghệ An và Hưng Yên có thể phối hợp để hỗ trợ cùng nhau phát triển. Tại cuộc gặp mặt vừa qua, đồng chí Trần Quốc Văn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đánh giá rất cao và mong muốn Nghệ An trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách trong công tác thu hút đầu tư; nhất là trong việc xây dựng khung giá cho thuê đất khu công nghiệp của tỉnh hiện nay rất cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Nghệ An và Hưng Yên cũng có thể trao đổi kinh nghiệm với nhau trên nhiều khía cạnh khác trong thu hút đầu tư như: Giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thực hiện dự án đầu tư; công tác quy hoạch, quản lý, thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và huy động vốn ODA, FDI; kinh nghiệm quy hoạch, quản lý, thu hút các nhà đầu tư phát triển đô thị quy mô lớn, hiện đại, sinh thái, đô thị công nghiệp, dịch vụ và nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An và Hưng Yên cam kết thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh. Ảnh: Thành Duy |
Lãnh đạo 2 tỉnh cũng thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, cải cách hành chính như: Cơ chế, chính sách, nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng mô hình đô thị thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số;…
Để mối quan hệ thực sự hiệu quả và thực chất, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy mỗi tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đã thống nhất cử Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy của mỗi tỉnh trực tiếp chỉ đạo các nội dung theo Biên bản ghi nhớ.