Đây là số liệu được đưa ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV, năm 2024 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại thành phố Vinh vào ngày 26/9.
Theo Báo cáo tại Đại hội, giai đoạn 2019-2024, công tác thực hiện các chính sách xã hội trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được cải thiện.
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV, năm 2024 – (Ảnh: Phan Quỳnh/nghean.gov.vn). |
Nghệ An đã chú trọng các giải pháp đầu tư tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; hình thành chuỗi liên kết giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mang lại giá trị kinh tế cao.
Riêng giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương, địa phương đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân vùng dân tộc thiểu số đạt trên 8.000 tỷ đồng.
Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả như: Phát triển đàn trâu, bò, lợn, dê, gà đen, cá lồng; trồng tập trung vùng nguyên liệu mía, cà gai leo, gừng dưới tán rừng, bí xanh, bobo, ngô mật độ cao, rau an toàn; khoanh nuôi bảo vệ rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt có hiệu quả kinh tế, trồng tràm, keo,… diện tích rừng đạt tỷ lệ che phủ cao trên 80%…
Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy tốt trong đời sống cộng đồng như: Dân tộc Thổ với điệu đu đu điềng điềng, lễ xuống đồng, mừng cơm mới; dân tộc Thái có chữ Thái cổ, kho tàng truyện cổ, các điệu múa, nhuôn, lăm, khắp, xuối, nghề dệt thổ cẩm; dân tộc Khơ Mú có hát tơm, re ré, nghề đan lát mây tre; dân tộc Mông có hát kể, cự xia, lù tẩu, nhạc cụ khèn, kèn, đàn môi, sáo, nghề rèn…
Đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu. Hệ thống chính trị cơ sở ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là năng lực triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau 2 năm thực hiện đã kêu gọi, vận động xây dựng, sửa chữa được trên 9.200 nhà, với tổng nguồn lực đã huy động được trên 750 tỷ đồng. Trong đó tại 11 huyện vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã xây mới, sửa chữa được gần 8.000 căn nhà.
Cũng tại Đại hội, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tin tưởng với vị trí chiến lược, có nhiều tiềm năng, lợi thế, 47 dân tộc anh em tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua mọi trở ngại, xây dựng vùng đồng bào DTTS tỉnh Nghệ An giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/nghe-an-da-xay-dung-sua-chua-duoc-tren-9200-nha-o-cho-nguoi-ngheo-205401.html