Tên gọi nghe rất lạ tai “thốt nốt”cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer là “th’not”, nhưng người địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt nốt. Đây là cây thân thẳng, tuổi thọ trung bình đến 100 năm và có thể cao đến 30m. Tất cả những bẹ lá đều tập trung ở ngọn và kết tạo thành một khối tán tròn.
Cây trồng đến 30 năm sẽ cho trái và nước đường. Điều thú vị ở thốt nốt đực là chỉ ra hoa không kết trái, nên người dân thường leo thốt nốt đực để lấy nước từ nhụy hoa. Mùa lấy nước thốt nốt bắt đầu khi thời tiết khô, tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, có thể sớm hoặc trễ hơn tùy vào thời tiết.
Người trèo cây thốt nốt phải có sức khỏe, cẩn thận và chịu khó, không chỉ giỏi trèo cao cheo leo giữa cái nắng gay gắt mà họ còn phải thuần thục kỹ năng cắt buồng trái, lấy nước.
Nước thốt nốt được người dân nấu thành đường hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chiếc chảo gang đặt trên lò đất đỏ lửa. 10 lít nước thốt nốt sẽ được nấu trong vài giờ để tạo ra 1kg đường ngọt thanh tự nhiên, không sử dụng phụ gia.
Quá trình nấu khuấy liên tục đến khi đường cô đặc, có màu vàng đặc trưng là đạt yêu cầu và đem ra lò ngay để tránh bị cháy khét, đổ vào khuôn hình trụ, sau đó trút ra cắt khoanh và dùng lá thốt nốt gói bên ngoài như bánh tét.
Ngoài sản phẩm chính là lấy nước làm đường, người dân còn thưởng thức nước thốt nốt tươi. Mỗi trái thốt nốt có đường kính khoảng 20cm, cỡ trái dừa xiêm. Trái non có màu xanh, lúc già chuyển sang nâu tím hoặc đen, nhân thịt là lớp cơm dày màu trắng nõn, mềm dẻo.
Trái thốt nốt bổ ra đổ đầy ly nước, thêm chút cơm thốt nốt nạo và vài viên đá mát lạnh, có vị ngọt lịm xen lẫn mùi thơm, uống đến đâu là mát dịu đến đó. Trong khi đó, phần cơm trái già đã ngả màu vàng thơm mùi mít chín còn được dùng chế biến bột để làm bánh bò hoặc nấu chè.