Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm, Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Kỳ họp thứ 4 “quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể và nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An” đã và đang tạo ra những tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Tuy nhiên đến nay, một số câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được hưởng chính sách này.
Câu lạc bộ gặp khó
Thành lập từ năm 2009, Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở xã Ngọc Sơn không chỉ là nòng cốt của huyện Thanh Chương trong phong trào gìn giữ và phát huy văn hóa phi vật thể của nhân loại mà còn là đơn vị có nhiều đóng góp trong quá trình làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận.
Câu lạc bộ có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 3 Nghệ nhân Ưu tú và hơn 40 thành viên. Các thành viên hoạt động “khá đều tay” và thường xuyên được mời tham dự nhiều Festival cũng như các kỳ Liên hoan Làng Sen cấp huyện, cấp tỉnh và nhiều lần đoạt giải. Câu lạc bộ làm tốt hoạt động trao truyền dân ca cho thế hệ trẻ bằng việc mở nhiều lớp đào tạo trong và ngoài huyện.
Trên địa bàn huyện Thanh Chương còn có 3 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm khác là Thanh Lĩnh, Đại Đồng, Đồng Văn đều có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này. Nhưng cả 4 câu lạc bộ trên đều có một điểm chung là chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND.
Khoản 2, Điều 3, Nghị quyết số 29 quy định, các Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Phi vật thể được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ; có Ban Chủ nhiệm và có ít nhất từ 20 hội viên trở lên.
Các câu lạc bộ này hoạt động định kỳ, thường xuyên ít nhất 1 kỳ sinh hoạt/1 tháng; thực hành diễn xướng và tổ chức truyền dạy nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể trên địa bàn. Các câu lạc bộ tích cực tham gia các liên hoan, cuộc thi, hoạt động giao lưu, quảng bá di sản văn hóa của tỉnh và địa phương được hỗ trợ 30 triệu đồng/câu lạc bộ mới thành lập để mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, biểu diễn và 5 triệu đồng/câu lạc bộ/năm để hoạt động.
Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn, chia sẻ chính sách đã được ban hành từ 3 năm nay và gần như tất cả câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm cấp xã trong tỉnh đều đã được hưởng chính sách từ Nghị quyết số 29. Tuy nhiên, các câu lạc bộ ở huyện Thanh Chương đều chưa được thụ hưởng chính sách này.
Bà Vân phân tích thêm khi không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 29, các câu lạc bộ sẽ thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động như tập luyện, biểu diễn, tham gia các hội thi, lễ hội… Điều này dẫn đến việc hoạt động bị hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả truyền dạy Dân ca Ví, Giặm. Không có nguồn lực tài chính, các câu lạc bộ cũng gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân thành viên.
“Việc thiếu kinh phí để tổ chức các hoạt động quảng bá, truyền thông Dân ca Ví, Giặm sẽ khiến loại hình nghệ thuật này ít được biết đến hơn; đặc biệt là đối với giới trẻ. Vì vậy, các cấp chính quyền cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt hơn nữa chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này” – Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân đề nghị.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Lý giải nguyên nhân 4 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở huyện Thanh Chương vốn đã thành lập từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 29, bà Nguyễn Thị Quý, chuyên viên Phòng Văn hóa huyện, cho hay ngay sau khi Nghị quyết số 29 ban hành, Phòng đã có công văn hướng dẫn các xã thực hiện hoàn thiện hồ sơ theo các điều khoản được quy định. Tuy nhiên, vì một vài vướng mắc nên câu lạc bộ các xã Ngọc Sơn, Đại Đồng, Thanh Lĩnh và Đồng Văn vẫn chưa hoàn thiện được.
Theo bà Nguyễn Thị Quý, tại điểm a, khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết số 29 quy định, điều kiện được hỗ trợ là phải được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập phê duyệt điều lệ. Trong khi hồ sơ thành lập các câu lạc bộ từ năm 2009 trên địa bàn huyện Thanh Chương chỉ có cấp xã phê duyệt. Ngoài ra, việc hoàn thiện hồ sơ, phê duyệt hồ sơ phải được Phòng Nội vụ thẩm định.
Về vấn đề này, ông Đậu Bá San, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Chương, cho biết theo điểm a, khoản 1, Điều 3 về điều kiện để được hỗ trợ đối với câu lạc bộ bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Phi vật thể quy định trong nghị quyết, các câu lạc bộ cấp xã chưa đủ cơ sở để được hưởng chế độ chính sách này.
Bởi vì theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ “quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội,” muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập Ban vận động thành lập Hội. Ban vận động thành lập Hội được cơ quan quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận…
Theo lãnh đạo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, vấn đề này được hầu hết các địa phương thực hiện khá tốt. Các huyện, thành phố chỉ yêu cầu các câu lạc bộ cấp xã, phường mới thành lập hoàn thiện bản danh sách thành viên câu lạc bộ hiện thời, điều lệ Hội là có thể thành lập Ban vận động theo Nghị định số 45 của Chính phủ.
Huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ đúng khoản 1, Điều 3 (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập phê duyệt điều lệ) và tổ chức lễ ra mắt câu lạc bộ. Đối với câu lạc bộ cũ, đã thành lập trước ngày 1/1/2022 chỉ cần danh sách thành viên câu lạc bộ hiện thời, điều lệ hoạt động là huyện sẽ bổ sung thủ tục kiện toàn.
Sau đó, phòng văn hóa cấp huyện trình cấp tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí thường xuyên. Do đó, ở hầu hết các huyện, thành phố, câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm cấp xã cả mới và cũ đều được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 29 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn huyện Thanh Chương là chưa kiện toàn, hoàn thiện thủ tục các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm hoạt động trước ngày 1/1/2022 để được hưởng kinh phí thường xuyên theo Nghị quyết số 29 của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
“Bốn câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm cấp xã ở huyện Thanh Chương là những câu lạc bộ hoạt động lâu năm, có hiệu quả lan tỏa và trao truyền Dân ca Ví, Giặm ở cơ sở. Chính quyền là “bà đỡ” khích lệ, động viên các nghệ nhân và câu lạc bộ hoạt động. Vì vậy, khi thực hiện chính sách, huyện không nên quá “máy móc” mà phải vận dụng linh hoạt, căn cứ vào thực tế hỗ trợ các câu lạc bộ hoàn thiện thủ tục để được hưởng chính sách này,” bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, nêu rõ.
Đến nay, Nghệ An có 130 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm. Giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của loại hình nghệ thuật này là di sản quý báu của dân tộc cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy; trong đó, nghệ nhân và câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm đóng vai trò quan trọng.
Vì vậy, ngành Văn hóa và Thể thao, các nghệ nhân, các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở huyện Thanh Chương mong muốn huyện cần chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện Nghị quyết số 29, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Nghệ An./.
Lần đầu tiên được tổ chức, Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 đã thực sự mang lại sự mới lạ, một cách nhìn, một cách tiếp cận và biểu đạt mới về di sản văn hóa truyền thống.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nghe-an-bon-cau-lac-bo-dan-ca-vi-giam-mong-moi-cho-huong-ho-tro-theo-quy-dinh-post941854.vnp