Theo Quyết định, đối với thông tin đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn 5 ngày, tính từ thời điểm báo chí đăng, phát thông tin liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước phải tổ chức kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý thông tin báo nêu.
Đối với thông tin báo chí đăng, phát đúng sự thật, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước được báo chí phản ánh phải tiếp thu nội dung thông tin và có biện pháp sửa chữa, khắc phục hoặc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định hiện hành; thông báo kết quả, biện pháp giải quyết cho các cơ quan báo chí đã đăng, phát thông tin; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày báo chí đăng, phát.
Nếu các cơ quan, địa phương đã tổ chức kiểm tra, xác minh vấn đề báo nêu, nhưng chưa có kết quả (do vấn đề có nhiều tình tiết phức tạp) thì phải gửi văn bản nêu rõ lý do cho UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông; đồng thời gửi cơ quan báo chí đã đăng, phát biết.
Đối với thông tin báo chí đăng, phát sai hoặc có nội dung sai sự thật: Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước được báo chí phản ánh có quyền gửi văn bản phản hồi cho cơ quan báo chí hoặc gửi văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu cơ quan báo chí cải chính, xin lỗi theo đúng quy định của Luật Báo chí.
Về thông tin phản ánh trên mạng xã hội, khi phát hiện thông tin liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan; của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước phải tổ chức kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý thông tin phản ánh.
Đối với thông tin phản ánh đúng sự thật: Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước được phản ánh phải tiếp thu hoặc chỉ đạo tiếp thu nội dung thông tin và có biện pháp sửa chữa, khắc phục hoặc xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định hiện hành. Đồng thời, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày phát hiện thông tin phản ánh trên mạng xã hội.
Nếu các cơ quan, địa phương đã tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh trên mạng xã hội nhưng chưa có kết quả (do vấn đề có nhiều tình tiết phức tạp), các cơ quan, địa phương phải gửi văn bản nêu rõ lý do, báo cáo cho UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.
Đối với thông tin phản ánh sai hoặc có nội dung sai sự thật: Cơ quan, địa phương khi phát hiện thông tin phản ánh trên mạng xã hội sai hoặc có một phần nội dung sai về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan; của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương thì người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông xử lý tổ chức, cá nhân đăng, phát thông tin sai trên mạng xã hội.
Quyết định cũng nêu rõ: Cán bộ, công chức, viên chức khi phát hiện thông tin phản ánh trên mạng xã hội sai hoặc có nội dung sai về việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cá nhân thì báo cáo bằng văn bản (trong đó, nêu rõ nội dung phản ánh sai) cho người đứng đầu cơ quan, địa phương nơi mình đang công tác biết để kịp thời xử lý.
Quyết định cũng quy định về người phát ngôn; chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo các quy định của pháp luật về báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Việc ban hành quy định phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí và thông tin phản ánh trên mạng xã hội của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí, thông tin phản ánh trên mạng xã hội của cơ quan hành chính Nhà nước, nhất là các luật mới được ban hành và Nghị định số 09/2017 của Chính phủ. Mặt khác, Quyết định số 29/2023 thay thế Quyết định số 62/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định về phát ngôn, cung cấp, đăng, phát và xử lý thông tin trên báo chí thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.