UBND tỉnh Nghệ An mới đây có ban hành Quyết định số 1645/QĐ-UBND phê duyệt danh sách 44 cộng đồng dân cư ở huyện Quế Phong tham gia hoạt động quản lý rừng năm 2024 hưởng lợi nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Theo Quyết định số 1645/QĐ-UBND bàn hành ngày 2/7/2024 của UBND tỉnh Nghệ An, có 44 cộng đồng dân cư huyện Quế Phong tham gia hoạt động quản lý rừng năm 2024 hưởng lợi nguồn thu từ ERPA của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Cụ thể, xã Đồng Văn có 06 cộng đồng dân cư tham gia gồm: bản Đồng Mới, bản Khủn Na, bản Mường Hinh, bản Na Chảo Piêng Văn, bản Pù Duộc, bản Tục Pang; Xã Cắm Muộn có 02 cộng đồng dân cư tham gia: bản Cắm Nọc, bản Cắm Pỏm; Xã Hạnh Dịch có 06 cộng đồng dân cư tham gia: bản Chiếng, bản Hạnh Tiến, bản Long Thắng, bản Long Tiến, bản Quang Vinh, bản Vinh Tiến.
Các lực lượng cùng người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra rừng – (Ảnh: puhoat.vn). |
Xã Nậm Giải có 05 cộng đồng dân cư tham gia: bản Chà Lấu, bản Mờ, bản Piêng Lâng, bản Pục, bản Poòng; Xã Nậm Nhoóng có 03 cộng đồng dân cư tham gia: bản Na Hốc; bản Na Khích; bản Nhọt Nhoóng; Xã Thông Thụ có 08 cộng đồng dân cư tham gia: bản Ăng Đừa, bản Hiệp Phong, bản Lốc, bản Mường Cạt, bản Mường Phú, bản Mường Piệt, bản Na Hứm, bản Na Lứm.
Xã Tiền Phong có 04 cộng đồng dân cư tham gia: bản Huôi Muồng, bản Na Chạng, bản Na Sành, bản Piêng Cu; Xã Tri Lễ có 10 cộng đồng dân cư tham gia: bản Huồi Mới, bản Huồi Xái, bản Kèm Đôn, bản Mường Lống, bản Na Lạnh, bản Na Mai, bản Nóng, bản Nậm Tột, bản Pà Khốm, bản Tân Thái.
Nghệ An hiện có 962.230,69 ha rừng, trong đó có 789.933,97 ha rừng tự nhiên, 172.296,52 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 58,36%. Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng luôn được các cấp quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp, biện pháp. Trong đó có mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng rất hiệu quả.
Điển hình như ở huyện Tương Dương, một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này, huyện đã giao cho 2 xã Yên Na và Yên Thắng hơn 7.073,9 ha rừng và đất lâm nghiệp cho gần 832 hộ gia đình và 15 cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ.
Nhờ làm tốt công tác vận động, người dân 2 xã Yên Na và Yên Thắng nhận thấy được lợi ích và hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại nên không chỉ chủ động đăng ký tham gia trồng rừng mà còn đầu tư vốn, bỏ công sức chăm sóc diện tích rừng trồng.
Năm 2023, nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đạt hơn 123,6 tỷ đồng (đạt 102 % so với kế hoạch). Ngoài kinh phí chi trả tiền bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng hàng năm (theo đơn giá của các lưu vực thuỷ điện) thì chính sách dịch vụ môi trường rừng cũng đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác bảo vệ rừng. Năm 2023, quỹ đã chi thanh toán đạt 116% so với kế hoạch được phê duyệt và đạt 100% số tiền thực phải chi cho các chủ rừng (tổng số tiền hơn 115,6 tỷ đồng).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm 20.938 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng và có 1.310 hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài kinh phí được chi trả theo kế hoạch, quỹ tỉnh đã tham mưu hỗ trợ bổ sung đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các lưu vực thuỷ điện.
Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân tại tỉnh Nghệ An đã dần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/nghe-an-44-cong-dong-dan-cu-o-huyen-bien-gioi-que-phong-huong-loi-nguon-thu-tu-erpa-201927.html