Ngày Xuân về Cổ Đạm – Lắng nghe thanh âm mê hoặc của ca trù

Công LuậnCông Luận01/02/2025

(CLO) Vào những ngày lập xuân, đặt chân đến xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), du khách dễ dàng bị cuốn hút bởi những thanh âm mê hoặc của ca trù. Những giai điệu khi trầm khi bổng, lúc buông lơi, lúc níu kéo, tạo nên một sức hấp dẫn khó cưỡng, khiến bước chân người nghe lưu luyến mãi không rời. Nơi đây, các thế hệ nghệ nhân và ca nương đang tiếp nối nhau gìn giữ, phát huy những giá trị độc đáo của ca trù – một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của vùng đất này.


Những nét đặc trưng riêng của ca trù Cổ Đạm 

Dưới chân núi Hồng Lĩnh, những con đường vẫn giữ nguyên vẻ yên ả, những ngôi nhà bình dị như chứng nhân cho bao thăng trầm của thời gian. Nơi đây, từng lớp đào nương tài hoa đã trở thành người thiên cổ, để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy văn hóa. Cuối năm, khi ánh nắng đã dịu màu trong làn sương huyền ảo, tôi trở lại Nghi Xuân (Hà Tĩnh), xuôi về miền ca trù Cổ Đạm – vùng đất gắn liền với một loại hình nghệ thuật độc đáo.

ngay xuan ve co dam lang nghe thanh am me hoac cua ca tru hinh 1

Các nghệ nhân thuộc thế hệ ca nương đầu tiên trong phong trào khôi phục ca trù Cổ Đạm

Theo sử sách, vào thế kỷ XVII, ca trù rất thịnh hành và đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, dưới sự đóng góp lớn lao của Nguyễn Công Trứ, ca trù ở Nghi Xuân đã trở nên lừng danh khắp thiên hạ. Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, loại hình nghệ thuật này dần bị mai một. Những năm cuối thập niên 90, hưởng ứng chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với các địa phương khác có truyền thống ca trù, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo về loại hình nghệ thuật này. Từ đó, ca trù Cổ Đạm được khôi phục, mở ra một giai đoạn phát triển mới.

So với ca trù xứ Bắc, ca trù Cổ Đạm mang những nét đặc trưng riêng. Lối hát nhanh và đanh hơn, tiết tấu rõ ràng, không luyến láy. Cách lấy hơi của ca nương cũng có phần thư thái, nhàn nhã hơn. Bên cạnh đó, phần đệm đàn, trống, phách có sự khác biệt nhất định về âm lượng và âm sắc, tạo nên dấu ấn riêng biệt cho ca trù Cổ Đạm.

ngay xuan ve co dam lang nghe thanh am me hoac cua ca tru hinh 2

Những nghệ nhân ca trù cất lên lời hát bằng cả niềm say mê và tâm huyết, gửi gắm niềm tin vào sự trường tồn và phát triển của di sản.

Ca trù Cổ Đạm mang nặng tiếng nói ân tình, thấm đượm bản sắc dân tộc và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày 1/10/2009, UNESCO đã công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những năm sau đó, với sự quan tâm của nhiều ban, ngành, ca trù dần được khôi phục, tìm lại sức sống và hơi thở mới. Từ mảnh đất này, nhiều thế hệ nghệ nhân ca trù đã ra đời và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ca trù Việt Nam, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Bức tranh tươi sáng về sự tiếp nối của ca trù trong tương lai

Lần theo những câu hát cổ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ ở thôn 8, xã Cổ Đạm, nơi vợ chồng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài đang sinh sống. Dù tất bật với công việc mưu sinh hằng ngày, nhưng khi nhắc đến mối lương duyên với ca trù, cả hai đều ánh lên niềm say mê và hứng khởi.

Vợ chồng tôi vốn xuất thân từ gia đình nông dân, ban ngày làm ruộng, tối lại tìm đến nhà cụ Mơn, cụ Nga – những đào nương giàu kinh nghiệm bậc nhất thời bấy giờ ở Cổ Đạm – để nghe hát. Nhờ có chút năng khiếu, lại đam mê và được các cụ tận tình chỉ dạy cách nảy hạt, nhả chữ, ngâm nga…, nên tiếng hát dần thấm vào máu thịt lúc nào không hay”, NNƯT Dương Thị Xanh tâm sự.

ngay xuan ve co dam lang nghe thanh am me hoac cua ca tru hinh 3

Nghệ nhân Dương Thị Xanh và kép đàn Trần Văn Đài tận tâm gìn giữ và nuôi dưỡng niềm đam mê ca trù.

Bén duyên với ca trù không lâu, năm 1995, khi Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Cổ Đạm được thành lập, hai vợ chồng nhanh chóng trở thành những thành viên nòng cốt. Đến năm 2002, chị Xanh là một trong bảy nghệ nhân của Hà Tĩnh được cử ra Hà Nội tham gia tập huấn theo dự án khôi phục và bảo tồn nghệ thuật ca trù do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai. Chị nhớ lại: “Hai tháng tập huấn tại Hà Nội là khoảng thời gian vô cùng quý báu đối với tôi. Được sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân gạo cội và chuyên gia ca trù, tôi không chỉ tiếp thu thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mà còn hiểu sâu sắc hơn về giá trị và tinh thần của loại hình nghệ thuật này”.

Từ nền tảng kiến thức chuyên sâu được đào tạo, cùng với những lần tự tìm đến CLB Ca trù Thái Hà (Hà Nội) để học hỏi, vợ chồng chị Xanh đã trở về quê hương, tích cực truyền dạy cho các thế hệ ca nương của CLB Ca trù Cổ Đạm và Nguyễn Công Trứ. Không chỉ góp công đào tạo nhân tài, chị Xanh còn tham gia nhiều kỳ liên hoan ca trù toàn quốc và giành nhiều huy chương vàng danh giá. Năm 2013, chị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT, trở thành nghệ nhân trẻ nhất cả nước thời điểm đó nhận danh hiệu cao quý này.

Hiện nay, CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ và CLB Ca trù Cổ Đạm vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn hai buổi mỗi tuần. Trên cương vị Phó Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm, chị Xanh không chỉ tích cực biểu diễn phục vụ du khách tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ mà còn miệt mài đào tạo thế hệ ca nương trẻ. “Tôi mong rằng bên cạnh nỗ lực của các nghệ nhân, chính quyền địa phương sẽ có thêm những chính sách quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ. Không chỉ tiếp lửa cho các em yêu thích ca trù, mà còn tạo ra nhiều sân chơi để các em gắn bó, chung tay bảo tồn và phát huy di sản”, chị Xanh bày tỏ.

Nhìn lại hành trình gìn giữ ca trù ở Nghi Xuân, NNƯT Trần Văn Đài – Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm với 40 thành viên – ví von rằng, công việc này cũng trải qua đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố, tựa như chính lời ca trù mà anh gắn bó. Vào khoảng thời gian trước và sau khi ca trù được UNESCO vinh danh (năm 2009), phong trào học và hát ca trù diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Tuy nhiên, sau một thời gian, phong trào dần lắng xuống. Không ít ca nương dù đã nổi danh và đang trong độ chín của sự nghiệp vẫn buộc phải rời bỏ tiếng đàn, lời ca để lo mưu sinh.

Theo NNƯT Trần Văn Đài, dù nức tiếng khắp vùng, nhưng việc truyền dạy ca trù ở Cổ Đạm từng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, những ca nương có nghề như cụ Phan Thị Mơn, cụ Trần Thị Gia, cụ Phan Thị Nga, cụ Hà Thị Bình khi ấy đều đã ngoài tám mươi. Hơn nữa, do đặc thù của ca trù Cổ Đạm, các cụ chủ yếu am tường về không gian diễn xướng cửa đình với các thể cách như: tứ quý, đại thạch, chúc hỗ…, nên việc khôi phục các thể cách căn bản gặp không ít trở ngại. Chính vì vậy, bên cạnh việc lĩnh hội những làn điệu do các cụ truyền dạy, vợ chồng anh chị cùng cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Xuân đã tìm đến Giáo phường Ca trù Thái Hà, Lỗ Khê (Hà Nội) để học hỏi, phục dựng không gian hát cửa đình, cửa thờ.

ngay xuan ve co dam lang nghe thanh am me hoac cua ca tru hinh 4

Cổ Đạm xưa rộn ràng giáo phường ca trù, Cổ Đạm nay vẫn vang tiếng hát từ những đào nương chân lấm tay bùn, ngày làm ruộng, tối quây quần truyền dạy di sản cho thế hệ sau.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, vợ chồng NNƯT Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài đã giúp CLB Ca trù Cổ Đạm phát hiện và đào tạo nhiều nhân tố mới. Những ca nương trẻ như Tú Anh, Phương Anh, Cẩm Tú, Quỳnh Như, Minh Ngọc, Thu Hà… đã xuất sắc giành nhiều huy chương, giải thưởng lớn tại các liên hoan ca trù toàn quốc.

Chia sẻ về tình hình phát triển ca trù tại quê hương, Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm Trần Văn Đài khẳng định, hiện nay, tại “đất tổ” ca trù, có đến bốn, năm thế hệ có thể hát ca trù thành thạo. Thoạt nghe, tiếng hát “y a ngắc ngư” có vẻ kén người, nhưng càng lắng nghe, người ta càng bị cuốn vào từng câu chữ, từng nhịp phách ngân vang. Bao lần lời hát “Trong như tiếng hạc bay qua” cất lên, cũng bấy nhiêu lần làm thổn thức những tâm hồn tao nhân, mặc khách.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng mạch dân gian vẫn âm thầm chảy trong những vỉa tầng văn hóa của làng Cổ Đạm. Lối hát ca trù giòn sắc, ít luyến láy nhưng đầy cuốn hút vẫn được các nghệ nhân lặng lẽ gìn giữ, truyền nối. Và khi mùa xuân trở lại trên những cánh đồng lúa mênh mông, trên hàng dương xanh thẫm dẫn vào làng, thì mùa xuân cũng đang trở về trong tiếng hát, tiếng đàn, trong nhịp sênh phách réo rắt mê hồn nơi những ngôi nhà lặng lẽ dưới chân Ngàn Hống… Hẳn rằng, ca trù Cổ Đạm đã, đang và sẽ tiếp tục gieo nhịp bồng bềnh, liêu trai, neo giữ bền lâu trong lòng bao thế hệ mai sau.



Nguồn: https://www.congluan.vn/ngay-xuan-ve-co-dam-lang-nghe-thanh-am-me-hoac-cua-ca-tru-post332617.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available