Tiếng gà gáy vừa dứt, người dân khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) bừng tỉnh để bắt đầu công việc xây dựng những căn nhà mới. Từ xa, đã nghe tiếng đục, tiếng cưa, tiếng vồ sàm vang vọng lại…
Khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) đã hiện hữu những nóc nhà.
Qua nhiều ngày bận rộn, căn nhà của chị Hạng Thị Tòng đã hiện hữu trên nền đất bằng phẳng. Đó là một căn nhà theo nếp kiến trúc truyền thống của đồng bào Mông, vách gỗ chắc chắn, phía trước có cái sân khá rộng. Nhìn vào căn nhà, chị Tòng mừng lắm, 3 mẹ con đã được ở nơi an toàn, không còn nơm nớp nỗi lo bị đất đá vùi lấp vào mỗi mùa mưa bão.
38 tuổi đã làm bà ngoại, nhưng chỉ mới năm ngoái, chị Tòng vẫn phải đi làm thuê, khi bốc vác, lúc cắt cỏ trong trang trại bò sữa ở tỉnh Sơn La kiếm tiền nuôi con trai út ăn học. Nhưng vào mùa mưa, chị phải ở nhà làm nương rẫy, biết không làm ra tiền, nhưng cái chính là bảo vệ 2 đứa con nhỏ những lúc mưa to gió lớn đe dọa sập nhà, lở đất. Giọng chị lơ lớ tiếng Kinh: “Chồng mình nó dại đi theo ma túy, nên vào trại để cán bộ dạy khôn rồi. Được Nhà nước cho ở đây (khu tái định cư – PV) mình chẳng lo bị đất sạt lở nữa. Xong nhà cửa thì mình chuyên tâm làm ăn thôi”.
Khu tái định cư tập trung bản Ón rộng 3,15 ha được xây dựng trên đồi cao, bám theo trục đường lên cột mốc G3, thuộc khu Ón 2. Đó là một mặt bằng kiên cố với 3 cấp nền, được kè móng chắc chắn, có bể chứa nước tập trung, rồi đường ống dẫn đến tận từng lô đất ở. Dẫn tôi đi thăm một vòng quanh khu, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Giàng A Chống (sinh năm 1987) hồ hởi: “Mình vui lắm. Trước nghe chuyện khu tái định cư, bà con chưa tin lắm, vì trên núi tìm đâu ra chỗ đất bằng mà xây. Giờ thì dân bản tin rồi. Chúng mình không phải lo chạy lũ, chạy sạt lở đất nữa”.
Nói rồi anh vung tay háo hức kể về quá trình thi công mặt bằng. Nào là thấy nhiều máy múc, xe lu, chuyện làm đường lên đồi để đào hàng nghìn khối đất đá chuyển xuống chân, chuyện những chiếc xe bồn chở bê tông xây móng… “Để lo cho cuộc sống dân bản mình, Nhà nước tốn nhiều tiền lắm. Con mình nó tính, làm được khu tái định cư này, Nhà nước đã cho mỗi hộ dân gần 400 triệu đồng rồi. Nhìn cả một quả đồi to được đào hạ để làm nơi ở mới, bà con mình cảm động và biết ơn Nhà nước lắm”, Giàng A Chống bộc bạch.
So với nhiều thôn, bản ở Thanh Hóa, bản Ón có vị trí rất riêng biệt. Bởi bản nằm ở “đầu ve”, “hai mặt tiền” với cả đường biên giới và ranh giới, là bản duy nhất vừa tiếp giáp với nước bạn Lào, vừa tiếp giáp tỉnh Sơn La (bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ). Cũng bởi vị trí địa lý, địa bàn lại có nhiều đường mòn, lối mở, rừng sâu ít người qua lại, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, nên bản Ón đã từng là điểm đen về tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong khi, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy với ngô, sắn, lúa năm được mùa năm không. Mà như Giàng A Chống tính toán, một sào lúa, năm nào được mùa, năng suất cao nhất cũng chỉ được 1,2 tạ, và mỗi năm chỉ làm được 1 vụ. Vậy nên, cái nghèo cứ mãi đeo bám họ. Và cho đến nay, cả bản có 113 hộ với 704 nhân khẩu (đều là đồng bào dân tộc Mông) thì chỉ có 3 hộ cận nghèo, còn lại đều là hộ nghèo.
Khi cái ăn còn lo chưa đủ, mỗi năm cứ đến mùa mưa bão thì dân bản lại ngay ngáy nỗi lo bị đất sạt lở vùi lấp. Mà đỉnh điểm là qua trận mưa lớn kéo dài trong năm 2018. Giàng A Chống kể lại: “Dạo đó, mưa ròng rã gần tháng trời, bà con mình cũng không lên rẫy được. Nhà nào cũng dột, cũng thấm nước. Con đường đất về trung tâm xã cũng bị sạt lở nặng, xe ô tô không đi được, đi xe máy thì nhiều đoạn phải khiêng, nên nhiều nhà không mua được gạo ăn”.
Mưa chưa dứt, người dân bàng hoàng phát hiện quả đồi cao phía sau khu Ón 2 xuất hiện một vết nứt gần bằng nửa sải tay người, hàng trăm nghìn khối đất đá có thể trôi tụt xuống bất kể lúc nào. Tiếng kẻng báo động vang lên, dân bản nhao nhác, bồng bế nhau chạy giữa trời mưa gió mịt mùng, những mong thoát khỏi cơn thịnh nộ của đất. “Sau khi họp bản để quyết định rồi phát lệnh di dân, định về nhà thì con suối Lát chảy dữ dội quá, mình không thể sang được. Vợ mình phải ôm vội hai đứa nhỏ chạy đến ở nhờ nhà người quen”, Giàng A Chống nhớ.
Lần ấy, dù tai họa không ập xuống, nhưng cứ qua mỗi mùa mưa, vết nứt kia lại thêm rộng, khiến hàng chục hộ dân vẫn nơm nớp nỗi lo. Và tin vui đã đến, ngày 8-9-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 590-KL/TU về việc sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Kết luận giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để thực hiện đầu tư 3 khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, theo hình thức đầu tư khẩn cấp, trong đó có khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát). Sau đó, khu tái định cư bản Ón được triển khai với tổng mức đầu tư 16,023 tỷ đồng, phục vụ di dời 42 hộ dân với 244 khẩu sinh sống ở nơi có nguy cơ cao bị sạt lở đất. Sau thời gian dài tập trung thi công, khắc phục điều kiện khó khăn do địa hình, thời tiết, giá cả nhiên, vật liệu leo thang, đơn vị thi công đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng trong tháng 3-2023 với đầy đủ các hạng mục công trình dân sinh.
Hôm tôi đến, khu tái định cư đã hiện hữu hơn 30 nóc nhà. Những căn nhà dù còn trong quá trình hoàn thiện, như căn nhà của Giàng A Chống, của Hạng Thị Tòng, vẫn còn tiếng đục, tiếng cưa, nhưng khói bếp đã bay lên gần mỗi giờ cơm, báo hiệu cuộc sống nơi ở mới đã bắt đầu. Và mỗi người tôi gặp, dù bận rộn, mệt nhọc với công việc, nhưng đều rạng rỡ nụ cười, xua tan đi nỗi lo của những ngày chạy nạn sạt lở đất đá…
Tôi phải rời Ón lúc gần giữa trưa, bởi như Giàng A Chống nói, qua 12 giờ trưa, mưa có thể ập xuống bất kể lúc nào. Phía sau lưng tôi vẫn huyên náo tiếng đục, tiếng cưa, tiếng vồ sàm… cho những căn nhà được dựng lên trên nơi ở mới. Và tôi biết, những ngôi nhà ấy sẽ góp phần giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Ghi chép của Đỗ Đức