(Chinhphu.vn) – Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập – Tự do – Hạnh phúc!
‘Vui sao nước mắt lại trào’
…Nước mắt trào như một lẽ tự nhiên không thể nào ngăn được, bởi có nơi nào, có dân tộc nào trên thế gian này lại phải gian khổ hy sinh với bao thăng trầm hàng thế kỷ mới được sum vầy trong gia đình “con Lạc, cháu Hồng” từ một bọc mà sinh ra?
Huyền thoại ư?! Tưởng như huyền thoại nhưng nó là sự thật. Sự thật và cũng là chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Không có sức mạnh nào có thể ngăn nổi ý chí thống nhất của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng sẵn sàng “hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tiếc rằng, vẫn có những cái đầu toan tính tưởng thông minh nhưng “chậm hiểu” hoặc “cố tình chậm hiểu” để cuối cùng mới nhận ra một sự thật lịch sử: Qua hàng nghìn năm, dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước kẻ thù xâm lược bởi dân tộc anh hùng ấy luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng sẵn sàng hy sinh cho tự do, hạnh phúc.
Muộn còn hơn không! Muộn nhưng nhận ra chân lý thì vẫn hơn một số người ở đâu đó đến tận ngày nay vẫn còn cố chấp, giữ trong đầu ảo tưởng “bên nọ, bên kia”, “cờ này, cờ khác”. Có thể, một vài kẻ hiếu chiến đâu đó còn để trong đầu tư tưởng lạc hậu đó. Nhưng đã là người Việt Nam dù ở đâu, đến nay vẫn còn vương vấn tư tưởng đã từng chia rẽ dân tộc, đã gây nên bao nỗi khổ đau cho người Việt Nam dù ở bên nào, thì không thể chấp nhận được.
Sự thật Việt Nam ngày nay, sau gần nửa thế kỷ thống nhất non sông, người dân khắp ba miền Bắc-Trung-Nam sống trong hòa bình, cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, người dân ấm no hạnh phúc hơn. Chỉ có những người cố tình nhắm mắt mới không nhìn thấy những điều cả thế giới nhìn thấy một Việt Nam nỗ lực và đạt thành tựu xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục, một Việt Nam phát triển thần kỳ, một Việt Nam yên bình, đáng sống.
… Bỗng lòng ta lại quặn đau, và ai đó có thể trào nước mắt: Giá như không có chia cắt, giá như Tổng tuyển cử được thực hiện, hòa bình được thiết lập trên toàn cõi Việt Nam đúng như những điều khoản trong Hiệp định Geneve… Giá như Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Đồng minh chiến thắng phát xít, hòa bình chế ngự chiến tranh, như Bác Hồ mong muốn, thì Việt Nam sẽ phát triển hơn ngày nay, sẽ đóng góp cho cộng đồng quốc tế nhiều hơn nữa! Giá như, giá như…
Nhưng lịch sử không có “giá như”, cũng không có chữ “nếu”, bởi thế, lựa chọn tốt nhất của người biết khoan dung là “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Lựa chọn ấy đã đưa Việt Nam thành nước được cộng đồng thế giới nể phục, nhiều nước đã chủ động đề nghị nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ, một cựu thù nay thành đối tác chiến lược toàn diện. Kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt trên 120 tỷ USD. Lớn hơn cả thương mại và các dự án tỷ USD, đó là nhân dân hai nước được gần nhau hơn.
Hoa Kỳ từ chỗ không hiểu văn hóa Việt Nam nay đã hiểu rất sâu sắc văn hóa Việt Nam, đã biết vận Kiều để diễn tả những bước đi ngoại giao tích cực giữa hai nước trong một thế giới còn nhiều diễn biến khó lường.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta hiểu quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ chỉ có thể giải thích bằng câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ còn hiểu như vậy, chẳng lẽ chúng ta lại không hiểu chính mình?! Và vì hiểu chính mình nên cũng hiểu người khác, trân trọng người khác, chia sẻ nỗi đau, khó khăn của người để cố gắng hoàn thiện mình, để cố gắng góp phẩn gìn giữ hòa bình, thịnh vượng chung.
Chính vì sự chân thành ấy mà ở đâu, làm việc gì, Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ủng hộ và chào đón nhiệt thành.
Hòa hợp dân tộc là chính sách nhất quán, là mục tiêu tối thượng
Về kinh tế, về GDP từ chục tỷ USD nay đã vượt 400 tỷ USD. Hoặc nếu có nhắc đến đường dây 500KW Bắc Nam ngày càng hoàn thiện thì đó không chỉ là điện, là phát triển kinh tế mà còn là sự thống nhất non sông. Đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang dần hoàn thiện, đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa nay là đường lớn, là mạch máu giao thông xuyên dải Trường Sơn hùng vĩ. Vậy là sự hòa hợp, sự thống nhất, sum vầy của đại gia đình các dân tộc Việt Nam mới là cơ đồ to lớn chưa từng có của đất nước; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế mới là tài sản vô giá của dân tộc chúng ta.
Thế giới ngày nay còn ai đó không thân thiện với Việt Nam thì thật khó hiểu?! Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, và đã là thành viên rất có trách nhiệm trong cộng đồng ấy. Việt Nam không muốn và dứt khoát không thể đứng cùng nước này để chống nước kia, không thể có bạn mới mà quên bạn cũ. Việt Nam chỉ muốn thế giới hòa bình, vì hơn ai hết Việt Nam thấu hiểu cái giá của hòa bình, cái giá của ngày vui thống nhất non sông.
Hằng năm, nhân dân Việt Nam tổ chức mừng ngày thống nhất non sông là thông điệp trước hết cho người Việt Nam dù ở trong nước hay ở ngoài nước hiểu giá trị của sự thống nhất đất nước; khẳng định chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập – Tự do – Hạnh phúc!
Hòa hợp dân tộc là chính sách nhất quán, là mục tiêu tối thượng của chúng ta. Là người Việt Nam, ai đi ngược với mục tiêu đó, là phản bội dân tộc, phản bội chính gia đình mình, phản bội tương lai của con cháu mình! Dẫu còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục, còn nhiều mong muốn chưa được đáp ứng, nhưng cuộc sống và hướng đi đã rõ ràng, ý chí vì một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh không bao giờ thay đổi.
Để đạt được điều đó, thống nhất đất nước, đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa quyết định. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là tiền đề của mọi tiền đề.
Chỉ có trong sạch, vững mạnh mới có thể đưa đất nước phát triển đến năm 2030 thành nước có thu nhập cao và đến năm 2045 thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ngày vui thống nhất non sông sẽ càng có ý nghĩa lớn lao khi đất nước hùng cường, tất cả con Hồng, cháu Lạc dù ở đâu cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đều hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
TS. Nguyễn Viết Chức – Chinphu.vn
Nguồn:https://baochinhphu.vn/ngay-vui-thong-nhat-non-song-102240425141304033.htm