Năm 2023, chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” đã diễn ra thành công tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản, để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng công chúng sở tại. Chương trình góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia.
Nỗ lực lan tỏa văn hóa Việt đi muôn nơi
Sau 13 năm triển khai, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” – chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, đã đặt chân đến 18 quốc gia với nhiều hoạt động giao lưu, kết nối ở cả ba lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.
Trong năm 2023, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” được tổ chức lần lượt tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản, nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nam Phi và 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Pháp, Nhật Bản. Đặc biệt, chương trình năm nay vinh dự chào đón Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn đại biểu cấp cao nhân dịp chuyến thăm chính thức tới nước Cộng hòa Nam Phi (tháng 9/2023).
Đại diện Ban tổ chức, ông Hoàng Hữu Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO nhận định Nam Phi, Pháp và Nhật Bản đều là những nước đối tác quan trọng với Việt Nam, là những nền văn hóa đậm đà bản sắc ở 3 châu lục khác nhau. Do đó, chương trình năm nay đã nghiên cứu kỹ lưỡng và có những điều chỉnh phù hợp ở từng địa bàn.
Nam Phi là điểm đến đầu tiên và cũng là điểm đến xa nhất của chuỗi sự kiện. Tại đây, cộng đồng người Việt thưa thớt, sự liên kết và giao lưu văn hóa còn hạn chế. Vì vậy, khi “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023” được tổ chức hồi tháng 9/2023 tại thủ đô Pretoria, đã thu hút sự quan tâm của người dân sở tại và bạn bè quốc tế, qua đó quảng bá thành công hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam ở Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung.
Ông Hoàng Hữu Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO: “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” năm nay đã điều chỉnh chương trình phù hợp ở từng địa bàn. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong chương trình ở Paris, nhiều nội dung đã được lựa chọn để làm nổi bật sự gắn kết văn hóa giữa Việt Nam và Pháp trong nửa thế kỷ qua. Họa sĩ Lương Minh Hòa mang đến bộ sưu tập sơn mài khắc với chủ đề “Các công trình kiến trúc Pháp ở Việt Nam”, nhận về sự quan tâm của đông đảo khách tham dự. Bộ ảnh “Việt Nam Tôi Yêu” của bà Armelle DG – Phu nhân Nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng là minh chứng sinh động cho tình cảm gắn bó của một người Pháp đối với Việt Nam.
Điểm nhấn của “Ngày Việt Nam tại Pháp 2023” còn là khu vực giới thiệu ẩm thực Việt, nơi khách tham dự đã ấm lòng khi được thưởng thức hơn 500 bát phở Thìn (Hà Nội).
Với “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023”, Ban tổ chức đã khéo léo lồng ghép trong chương trình nghệ thuật những câu chuyện lịch sử nổi tiếng như chuyện tình của Công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sorato hay tình bạn đẹp giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro nhằm tôn vinh hai nền văn hóa lâu đời và tinh thần hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia.
“Cội nguồn, Sức sống và Sự tiếp nối”: Trân trọng lịch sử, hướng tới tương lai
Chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” đã lựa chọn “Cội nguồn, Sức sống và Sự tiếp nối” làm chủ đề chính, được truyền tải xuyên suốt trong các hoạt động của Không gian văn hóa Việt Nam và chương trình biểu diễn nghệ thuật ở cả Nam Phi, Pháp và Nhật Bản.
Đây là dịp để bạn bè quốc tế tìm hiểu về “Cội nguồn” của người Việt thông qua Triển lãm các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam, qua “Hành trình Vàng son” – nơi trưng bày những bộ đồ thêu tay tinh xảo tái hiện lại trang phục của vua chúa, quan lại thời Nguyễn, hay qua các nét đẹp văn hóa truyền thống như in tranh dân gian Đông Hồ, nặn Tò he, … Các chương trình biểu diễn cũng giới thiệu được nhiều “sắc màu” của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, trong đó có nhiều loại hình đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như dân ca Ví Giặm, hát văn – hầu đồng giá,…
“Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt xa xứ. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Nghệ nhân in tranh dân gian Đông Hồ, ông Nguyễn Đăng Tâm, chia sẻ về nỗ lực quảng bá văn hóa Việt ở nước ngoài: “Thông qua các bức tranh được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên như như sỏi son, lá cây chàm, hoa hòe, lá tre, sò điệp…, tôi mong muốn bạn bè quốc tế phần nào hiểu được đời sống sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc Bộ tại Việt Nam khi xưa”.
Không gian văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam với các hoạt động trải nghiệm độc đáo. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Từ khóa tiếp theo trong chủ đề chính của Chương trình đã được lấy làm tên gọi cho bộ ảnh quảng bá “Sức sống Việt Nam”. Các bức ảnh tưởng chừng rất đỗi đời thường, bình dị song lại khắc họa rõ nét một Việt Nam thân thiện, mến khách, tươi đẹp và năng động, sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế.
“Sự tiếp nối” và phát triển văn hóa Việt được thể hiện rõ nét qua câu chuyện của Phở Thìn Bờ Hồ – món ăn nổi tiếng đến từ thủ đô Hà Nội và nghệ thuật sơn mài khắc. Gần 70 năm trôi qua, Phở Thìn vẫn giữ được hương vị xưa và sẵn sàng vươn tầm quốc tế. Còn nghệ thuật sơn mài đã kết hợp vẻ đẹp truyền thống cùng hơi thở đương đại để đưa các tác phẩm dân gian lên một tầm cao mới.
Chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” đã kết thúc và thành công rực rỡ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng sở tại và cộng đồng người Việt xa quê hương. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ đến từ đơn vị tổ chức (Bộ Ngoại giao Việt Nam), từ các địa phương, doanh nghiệp, nhà thực hành văn hóa cùng đồng hành với chương trình vì có chung mong muốn quảng bá văn hóa, nâng tầm hình ảnh đất nước ở khắp muôn nơi.
“Ngoại giao văn hoá luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt, giúp cho người dân các nước thêm thấu hiểu, yêu mến nhau, đồng thời khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc của người Việt. Chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” chính là một món quà dành tặng cộng đồng người Việt xa quê hương” – Ông Hoàng Hữu Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Trưởng Ban Tổ chức “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” chia sẻ.
PV