Đã 7 năm từ khi ca khúc “Cơn mơ băng giá” được anh cho ra mắt khán thính giả, nhưng đến nay dường như độ hot vẫn chưa hề nguội. Đó có phải là lý do khiến anh “lười” ra sản phẩm mới?
– Cũng phần nào như vậy. Phải nói tôi may mắn và được “Tổ đãi” khi các ca khúc mình làm thường có đời sống lâu dài, nhất là trong thị trường âm nhạc hiện nay, khi ca khúc mới xuất hiện mỗi ngày, một bản hit đôi khi tồn tại vài tháng là trôi vào quên lãng. Nhưng đến nay, “Cơn mơ băng giá” vẫn chưa nguội, vẫn ngày càng nhiều người cover, ca khúc thường xuyên xuất hiện trên TikTok, Facebook…
Trước giờ tôi hay làm việc theo cảm hứng. Ca khúc mới thì nhiều lắm, cả bài của nhạc sĩ gửi cho, cả những bài tôi tự viết. Bạn bè nghe thử, bảo: “Ông ra đi, sẽ thành hit ngay”. Nhưng tôi thấy chưa ưng lắm nên tạm thời cứ “ngâm” đã (cười).
Nhiều năm trong nghề, tôi quan niệm khi làm ra một ca khúc phải “đủ”, không thiếu không thừa. Rất nhiều sản phẩm mới nghe bạn có thể thích ngay, nhưng nghe vài lần là chán.
Còn khi một ca khúc “đủ”, không cần biết nó thuộc thể loại gì, nhạc xưa hay nhạc mới, jazz hay pop, nó vẫn dần thấm vào mình, khiến mình muốn nghe đi nghe lại. Tôi có thể làm cho bài đó “nặng đô” hơn, hát khó hơn, nhưng tôi không làm bởi tôi cảm nhận được như thế nào là vừa vặn với công chúng.
Như ca khúc “Cơn mơ băng giá”, sau khi nhạc sĩ đưa cho tôi phải gần 2 năm sau tôi mới thu âm và phát hành. Cả “Nơi tình yêu bắt đầu” cũng vậy, tôi không vội vàng mà luôn ấp ủ, trăn trở, đợi đúng thời điểm phù hợp mới cho ra mắt.
Podcast: Ca sĩ Bằng Kiều trò chuyện, chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời với phóng viên Dân Việt.
Sự ấp ủ 7 năm nay mang lại những điều gì cho anh, nếu không phải là sản phẩm âm nhạc?
– Không biết người khác thế nào, nhưng với tôi khi làm nghề, sự nung nấu, trăn trở luôn thường trực. Chính bởi tôi cứ nung nấu mỗi ngày, nên chỉ cần có cơ hội là ý tưởng tự nhiên bật ra. Do đó các đạo diễn và ê-kip làm với tôi sướng lắm. Bất cứ chương trình nào tôi tham gia đều khác biệt so với chương trình khác.
Trong liveshow của tôi hoặc show diễn tôi tham gia với tư cách ca sĩ chính, tôi luôn mang những ý tưởng mình ấp ủ để chia sẻ với mọi người, sau đó mọi người góp ý bổ sung rồi cứ thế mà làm. Và đều thành công.
Có thể khẳng định một điều, khán giả đi xem show của Bằng Kiều không bao giờ chán, không bỏ về trước. Khi hết show, họ thường ngơ ngác hỏi nhau: “Ơ đã hết rồi à”?
Tôi về Việt Nam biểu diễn từ năm 2012, đến nay đã 11 năm, năm nào cũng làm ít nhất một liveshow chính, 3 – 4 show lớn. Nếu người ta chán thì không bao giờ mình làm thế được.
Sau năm 2012, anh đưa yếu tố giải trí vào trong các chương trình nhiều hơn trước. Đây có lẽ cũng là lý do giúp cái tên Bằng Kiều luôn là bảo chứng cho sự thành công của các liveshow?
– Có một thực tế tôi không phủ nhận, thời gian đi hát ở Mỹ đã khiến tôi thay đổi quan niệm về nghề. Ngày trước, khi còn trong nước tôi hay “tinh vi”, “sĩ diện hão” lắm. Tôi hát phòng trà trong Sài Gòn, diện độc chiếc quần jeans, áo may ô, cắt đầu đinh, không make-up. Hát xong 6 bài là xuống sân khấu, không giao lưu, không trò chuyện. Tôi nghĩ mình hát hay rồi, chỉ cần thế thôi, màu mè làm gì nhiều.
Tới lúc ra nước ngoài, đi xem các show và chương trình giải trí của họ và “vỡ” ra rất nhiều điều. Khán giả tới rạp xem mình, họ không chỉ nghe nhạc. Họ cần một chương trình giải trí, thứ cực kì “relax” (thư giãn), vui vẻ với họ. Xem xong một show phải thoải mái chứ không phải khó đăm đăm, về đến nhà thấy mệt mỏi và khó chịu.
Tôi may mắn nhận ra kịp lúc để có thể điều chỉnh bản thân. Ngoài hát ra, tôi học cách lựa theo cảm xúc của khán giả để điều chỉnh chương trình, lúc này hát gì thì hợp với không khí, lúc kia nên nói gì cho hợp tâm trạng.
Đó cũng là lý do mà nhiều khán giả xem show của tôi nhiều lần, nhưng họ không (hoặc ít khi) thấy chán. Lần nào họ cũng thấy có sự khác biệt và không bị lặp lại. Đương nhiên, điều này cũng phải phụ thuộc vào may mắn, hay gọi là Tổ đãi, mình không nói hay được.
Có thể nói sự nghiệp âm nhạc của anh quá đồ sộ với hàng loạt bản hit, với những liveshow trong và ngoài nước. Sau hơn 30 năm làm nghề, anh thấy đâu là cái được lớn nhất?
– Nói về được thì rất nhiều, bởi tất cả những gì tôi đang có đều do âm nhạc mang lại. Thứ khiến tôi hạnh phúc nhất, thấy mình may mắn nhất là ở thời điểm này vẫn đang được làm nghề, vẫn được khán giả yêu mến.
Cũng ít có nghệ sĩ nào có may mắn được khán giả yêu mến lâu dài như vậy. Tôi luôn nghĩ rằng mình được thế là quá nhiều. Cũng bởi thế nên từng có rất nhiều người rủ tôi làm cái này cái kia (mối quan hệ của tôi trong và ngoài giới giải trí đều rất đầy đặn), nhưng thực sự tôi vẫn chỉ muốn làm nhạc. Đó là thứ tôi cảm thấy mình giỏi nhất, cũng là sứ mệnh của mình khi đến với thế giới này. Ông trời cho mình vinh dự đặc biệt đó, mình phải cố gắng hết mức có thể.
Thật ra bản thân tôi suy nghĩ cũng hơi chủ quan một chút. Nhiều nghệ sĩ rất tài năng, nổi tiếng hơn tôi, nhưng họ vẫn suy nghĩ về phương án dự phòng, rằng phải làm cái này cái kia cho cuộc sống sau này tốt hơn. Tôi thì vẫn ngây thơ trong vấn đề đó.
Trở lại với quá khứ một chút. Anh sinh ra trong một gia đình nơi mà nồng độ nghệ thuật rất nhiều trong máu. Chắc hẳn anh đã có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, nhưng tôi vẫn thắc mắc, tại sao lúc đó anh không chọn thanh nhạc mà lại chọn học kèn?
– Tôi đã yêu ca hát từ nhỏ, hát như là hơi thở, như cuộc sống của tôi. Khi ấy, bố mẹ cho tôi đi học các loại nhạc cụ ở những thầy giáo dạy bên ngoài, nhưng mỗi lớp tôi chỉ học được vài tháng. Tôi yêu âm nhạc nhưng bước ra khỏi lớp, tôi không có môi trường để phát triển. Cũng bởi vậy, tôi luôn khao khát được vào Nhạc viện.
Cơ duyên tới khi các thầy trong Nhạc viện tới ăn tại quán phở mẹ tôi mở ở Nam Ngư (Hà Nội). Thấy tôi có khiếu đàn hát, các thầy bảo muốn thi Nhạc viện không? Lúc đó tôi mới cấp 3, không thích học Văn hoá đâu, nghe thầy nói vậy thì sướng quá, “ok” luôn. Các thầy đều ở khoa Kèn, đó cũng là lý do khiến tôi theo học Kèn Basson sau đó.
Tôi vẫn nhớ ngày ấy, khi thầy Phúc Linh – Trưởng khoa Kèn dạy tôi 1, 2 buổi, ông đã bảo với mẹ tôi: “Tôi sẽ biến thằng này thành một trong những người hàng đầu về kèn của Việt Nam”. Thầy tốt nghiệp ở Hungari nên kiến thức về âm nhạc cổ điển đồ sộ, tôi may mắn được thầy truyền dạy lại để có nền tảng âm nhạc vững chắc.
Tiếc là sau này tôi lại không theo nghiệp của thầy và thầy cũng không ngờ tôi lại được người ta nhắc đến nhờ khả năng ca hát.
Bước ngoặt đã tới với anh như thế nào?
– Trước khi vào Nhạc viện, tôi đã quen nhiều bạn bè trong đó. Tôi liền tụ tập các bạn thành một band, đó là Chìa khoá vàng, chúng tôi đi diễn ở các dạ hội sinh viên, tụ điểm, nhưng chỉ là chơi cho thỏa đam mê chứ chưa nghĩ tới kiếm tiền gì cả. Đam mê của mình là đứng trên sân khấu, hát những gì mình thích, rồi sau đó mọi thứ cứ tự nhiên tới.
Ca khúc giúp tôi được công chúng biết tới rộng rãi là Trái tim không ngủ yên, hát cùng với Mỹ Linh. Sau đó là một loạt bản hit khác như Một ngày mùa đông, Em về tinh khôi, Đổi thay… đã giúp tôi đến gần hơn với công chúng cả nước.
Anh nổi tiếng khi sở hữu một giọng hát rất lạ – một giọng tenor “mái” hiếm có trong làng nhạc Việt. Nhưng khi mới vào nghề, có khi nào anh lo lắng giọng hát của mình không được thị trường đón nhận bởi người ta hay nghĩ giọng nam phải trầm ấm mới hút khách?
– Nói một cách chủ quan, dân học và làm nhạc ở Hà Nội dù không nói ra, nhưng trong tiềm thức vẫn có cái gì đó hơi tự cao một chút. Họ thường nghĩ rằng: “Mình là dân Nhạc viện, học hành bài bản nên không thể làm những cái dễ dãi được”.
Thời điểm tôi mới lập ban nhạc và đi hát, rất nhiều lời mời tôi đi diễn ở sân khấu với tư cách là ca sĩ độc lập, nhưng tôi đều từ chối. Tôi chỉ muốn hát cùng với ban nhạc của tôi, được hát nhạc Anh – Mỹ mà khi đó tôi cho là hợp gu, thời thượng. Như đã nói ở trên, tôi lúc đó hay sĩ diện hão, lại tự cao tự đại, thấy mình hát được như vậy là kinh lắm, sang lắm.
Sau đó, tôi ra đời, làm âm nhạc chuyên nghiệp, tôi mới thấy để tiếp cận với khán giả không phải chuyện hát dễ hay khó mà điều cốt yếu trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là phải có công chúng.
Sự “tự cao” hay “sĩ diện hão” đó của anh có phải do anh nghĩ rằng giọng hát của mình là độc, là hiếm?
– Nói thật khi đó tôi không ý thức được về điều đó. Tôi chỉ hát theo bản năng, hát vì thích chứ không thấy giọng mình có gì độc, lạ cả.
Sau này, khi đã trở nên nổi tiếng hơn, được mọi người nhắc đến nhiều, tôi mới nhận ra giọng mình khác biệt so với phần lớn các ca sĩ còn lại. Đó cũng là điều hơi dở.
Bởi khi ý thức được điều này, tôi lại cứ cố làm những thứ gì đó thật khó để không ai bắt chước. Bài nào tôi cũng hát thật cao lên, cao chót vót. Càng về sau, khi mình biết nhiều, mình càng dịu dàng và vừa phải hơn.
Trong số rất nhiều ca khúc hit, bài nào để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?
– Thật khó nói, âm nhạc đi theo dòng chảy của cuộc đời. Có lúc tôi thích bài này, khi thích bài kia, đâm ra tôi cũng không để ý. Nghe câu hỏi của bạn, tôi cũng thử lật dở lại xem nhưng không nghĩ ra ca khúc cụ thể nào.
Ví dụ như khi tôi làm album Chuyện lạ, bài Trái tim bên lề tôi không thích đâu, hoàn toàn là để chiều bạn gái khi ấy (ca sĩ Trizzie Phương Trinh, sau này trở thành vợ của Bằng Kiều – NV).
Cô ấy là nghệ sĩ hải ngoại nên nắm bắt thị trường rất nhạy. Tôi thì muốn làm album theo kiểu miền Bắc, tạm gọi là kiểu “thấy sướng là được”. Album toàn ca khúc của Lê Minh Sơn và do tôi sáng tác, chả giống ai.
Còn Trái tim bên lề, chiều bạn gái lắm tôi mới cho vào. Đây là sáng tác của Phạm Khải Tuấn, anh chơi với Trizzie và rất mê Trizze, nhưng Trizze lại yêu người khác. Ca khúc đó Phạm Khải Tuấn tặng Trizzie Phương Trinh, Trizze lại mang về… cho tôi hát. Không ngờ bài đó lại trở thành dấu ấn đặc biệt, giờ hơn 20 năm rồi đi tới đâu mọi người cũng vẫn nhắc và yêu cầu tôi hát Trái tim bên lề.
Khi mới sang Mỹ, tôi cũng lục lại một loạt ca khúc tôi thích ngày trước nhưng còn ít người hát, rồi làm album Mắt Biếc – album cá nhân đầu tiên của tôi tại hải ngoại. Và album cũng tạo được tiếng vang lớn, lượng đĩa bán chạy khủng khiếp. Nó cũng mở đầu cho phong trào ca sĩ trẻ hát nhạc xưa…
Một trong những yếu tố khiến album “Mắt Biếc” thành công là việc anh hát nhạc xưa theo một cách rất khác, không não nề, bi luỵ…
– Mình trẻ mà, nên hát theo kiểu tươi mới, hiện đại. Cũng như bây giờ, khi cover những ca khúc của các bạn thuộc gen Z, tôi không thể hát theo cách của họ được. Mỗi thế hệ sẽ mang vào ca khúc những cảm xúc khác nhau, hơi thở thời đại khác nhau.
Cũng không thể không nhắc tới trình độ hoà âm, phối khí của nhạc sĩ tại hải ngoại giúp cho các ca khúc của anh được nâng tầm hơn, ví dụ như ca khúc Buồn ơi chào mi của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9…
– Không thể phủ nhận điều đó, thêm nữa, trong nghề tôi rất kỹ. Thông thường các ca sĩ thường gửi nhạc sĩ nhờ hoà âm, họ hoà âm sao mình hát như vậy. Tôi thì khác, tôi thường ngồi với các nhạc sĩ rất lâu để bàn bạc, đẩy những gì mạnh nhất có thể. Thí dụ với nhạc sĩ Nhật Trung, tôi thân với cậu ấy nên thường bàn bạc rất kỹ lưỡng trước mỗi sản phẩm.
Chơi thân là một phần, phần còn lại là anh có khả năng sáng tác, chơi nhạc cụ, có trình độ nhạc lý gần như tương đương với họ…
– Có lẽ vậy. Ca khúc “Dẫu có lỗi lầm” mà Hồ Hoài Anh viết, ban đầu hoà âm cũng bình thường. Sau đó tôi mới ngồi với Nhật Trung, hai anh em cùng bàn bạc nhau để biến nhạc phẩm này thành một bản song ca. Đến bây giờ, ca khúc này vẫn có sức sống mãnh liệt và được nhiều ca sĩ chọn để trình bày song ca.
Không chỉ hát hay, rất nhiều ca khúc anh sáng tác đã trở thành “big hit” như Hè muộn, Chuyện lạ, Linh hồn đã mất… Sao anh không chọn phát triển sự nghiệp với tư cách một ca sĩ chuyên hát nhạc mình sáng tác?
– Tôi vẫn viết đấy, nhưng tôi có một quan niệm khá dở là… không được tham quá. Trước kia tôi viết Hè muộn, Chuyện lạ, Linh hồn đã mất… để chứng tỏ với mọi người là tôi cũng viết được. Sau này, tôi nghĩ mình đã được “Tổ đãi” làm ca sĩ có chỗ đứng vững chắc rồi, việc khác nên để người khác làm (cười).
Anh song ca và thành công với nhiều nữ ca sĩ, từ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Phương Thanh tới Minh Tuyết, Hà Trần… Nếu chỉ được phép chọn một người để song ca, anh sẽ chọn ai?
– Các nữ ca sĩ hay tâm sự họ thích hát với tôi, lý do là vì họ không phải xuống tone, cứ đúng giọng mà hát, tôi sẽ tự biết cách bè làm sao cho bản song ca hoà quyện nhất có thể.
Còn riêng với Hà Trần, chúng tôi không phải tập tành gì nhiều. Hà thông minh lắm. Tôi hát thế này, Hà sẽ tự biết luồn thế kia, hai anh em luôn hiểu ý nhau và biết cách để trở nên hoà hợp hơn trong mỗi ca khúc.
Ca sĩ Minh Tuyết từng nói về anh: Tôi quý Bằng Kiều vì anh luôn sống lạc quan, vô tư, không để bụng. Có phải chính nhờ điều đó nên anh dễ dàng vượt qua những biến cố và thăng trầm trong cuộc sống?
– Cũng có thể đúng như vậy. Vả lại, tôi là người sống duy tâm. Mọi thứ xảy ra trong đời sống, tôi đều lý giải bằng số mệnh. Có những lúc cuộc sống không thể yên bình. Mình là nghệ sĩ – có những may mắn mà chỉ số ít người có được, bù lại mình cũng phải chấp nhận nhiều thứ không trọn vẹn.
Ông trời chiều mình đôi khi mình không biết, mình tưởng không hay nó lại hay, mình nghĩ là hay chắc gì đã hay. Tôi không cho điều gì là quá xấu hay quá tốt. Điều quan trọng nhất là mình luôn hướng thiện.
Anh nổi tiếng là một ca sĩ nhưng rất thích hút thuốc lào. Bây giờ anh còn hút nữa không?
– Vẫn hút chứ, nhưng tôi không nghiện thứ gì cả.
Anh có thể chia sẻ về cuộc sống của anh ở thời điểm hiện tại?
– Vài năm nay, tôi ở Việt Nam nhiều vì con vẫn còn đang bé, tôi dành thời gian cho cháu nhiều hơn các anh lớn. Ba anh lớn đã có mẹ và một gia đình lớn bên đó. Mẹ các cháu (ca sĩ Trizze Phương Trinh) là người cực kỳ giỏi, giỏi trong mọi lĩnh vực. Bởi vậy, tôi rất yên tâm khi để cô ấy chăm sóc, dạy dỗ các con.
Mẹ tôi hiện tại vẫn ở Mỹ, bà chăm sóc ngôi nhà, vườn cây. Tôi cũng để các chế độ tự động cho hệ thống tưới tiêu cho mẹ đỡ vất vả. Mẹ hợp với khí hậu bên đó, sang đó sức khoẻ tốt hơn nhiều.
Ba cậu con trai của anh và Trizzie Phương Trinh đều đã lớn. Anh có định hướng cho con theo con đường của mình?
– Tôi để các con đi theo đam mê của con thôi. Nói chung chúng đều có năng khiếu âm nhạc, hai bạn bé thích nhiều thứ khác nhau, riêng bạn lớn Beckham có năng khiếu từ bé, chỉ thích nhạc thôi, không thích gì khác.
Tôi với Beckham chơi được với nhau rất lâu. Tới giờ hai bố con vẫn có thể ngồi với nhau cả ngày để chơi đàn, trò chuyện về âm nhạc. Giờ có thêm cả bạn nhỏ Benly cũng thích nhạc giống anh và bố.
Ai cũng biết Bằng Kiều rất nhiều fan nữ. Người phụ nữ bên cạnh anh hiện tại có phải một trong số đó?
– Không phải. Cô ấy không đam mê âm nhạc, cũng không quan tâm tới người nổi tiếng, chỉ biết tôi là ca sĩ.
Trước đó, anh đều yêu những người cùng nghề, hoặc cùng hoạt động trong showbiz. Mối quan hệ hiện tại với một người không liên quan tới giới giải trí chắc hẳn có nhiều khác biệt?
– Chắc chắn là có khác biệt. Trước đây, tôi mong muốn một người hiểu về nghề của mình, chia sẻ những quan điểm này kia trong sự nghiệp. Sau này, tôi thấy nếu cả hai đều như vậy sẽ có những bất lợi, dễ xảy ra xung đột trong đời sống. Ở mỗi giai đoạn cuộc đời, thứ mình cần sẽ khác nhau. Miễn là mình thấy nó phù hợp, thì đó chính là may mắn.
Trong tương lai, anh có dự định cùng bạn gái và con nhỏ sang Mỹ?
– Tôi không dự định gì cả. Bởi những dự định của tất cả chúng ta, không chỉ riêng tôi đâu, nếu cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ tới. Vậy nên cứ sống thôi, dự định làm gì cho mất công.
Có lúc nào anh thử tưởng tượng nếu không làm ca sĩ, anh sẽ làm gì?
– Tôi chưa bao giờ hình dung sẽ làm gì nếu không ca hát. Từ bé tôi đã chỉ thích hát và cũng chỉ nghĩ mình hợp với công việc này.
Lúc là sinh viên, chỉ hát ở bar thôi tôi đã thấy sung sướng cuộc đời lắm rồi. Tôi không mơ ước gì cao sang, cũng không muốn mình giàu có hơn, chỉ ước dưới sân khấu vẫn luôn có tiếng vỗ tay và sự đồng cảm của khán giả.
Xin cảm ơn ca sĩ Bằng Kiều vì cuộc trò chuyện này. Chúc anh có thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc với những lựa chọn của mình, tiếp tục có những bản hit mới để công chúng được thưởng thức giọng hát của anh nhiều hơn nữa.