SGGP
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường (ĐTĐ). Trong đó, hơn 55% người bệnh đã biến chứng, nhất là các biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh, thận.
Bác sĩ đang kiểm tra thị lực cho bệnh nhân mắc đái tháo đường |
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bệnh ĐTĐ bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, bệnh tình sẽ nghiêm trọng hơn nếu không được tiếp cận và điều trị kịp thời.
TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, biến chứng của ĐTĐ thường diễn tiến âm thầm và có thể xảy ra đa dạng trên nhiều bộ phận cơ thể (não, tim mạch, thận, mắt, hệ mạch máu và thần kinh ngoại vi…). Trong đó, các biến chứng ở mắt trong giai đoạn đầu không ảnh hưởng tới thị lực, do đó thường dễ bị bệnh nhân bỏ qua. Việc hiểu về các yếu tố nguy cơ gây ĐTĐ sẽ giúp người dân chủ động hơn trong bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa mắc bệnh.
Còn theo BS CKII Trần Thị Thùy Dung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhiều trường hợp người bệnh ĐTĐ cần sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ gây một số biến chứng cho người bệnh. Người bệnh chỉ nên sử dụng kim bút tiêm 1 lần, tránh tái sử dụng quá nhiều lần để giảm bị đau khi tiêm và hạn chế nguy cơ hình thành loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm.
Khi chỉ định cho người bệnh tự tiêm insulin tại nhà, các bác sĩ, điều dưỡng đều hướng dẫn chi tiết cho người bệnh về các bước kỹ thuật tiêm và cách bảo quản. Người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn và tái khám đều đặn, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động hợp lý. Khi được tiêm insulin đúng cách, người bệnh sẽ kiểm soát tốt đường huyết, tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phòng ngừa các biến chứng.