Bỏ bữa khiến đường huyết không được kiểm soát
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thuý, Phó chủ nhiệm Khoa Nội tiết, Bệnh viện 108, để đường huyết không bị tăng vọt, người mắc đái tháo đường cần biết những món ăn thường có trong ngày tết, căn chỉnh lượng ăn để giữ đường huyết ổn định.
Ví dụ như, nếu bạn muốn ăn bánh chưng vào bữa tối thì bữa trưa cùng ngày cần ăn ít chất béo, chất đạm; hoặc hỏi ý kiến bác sĩ về chỉnh liều insulin trước bữa ăn nếu đang tiêm insulin.
Nếu tự chuẩn bị đồ ăn, hãy cắt giảm lượng tinh bột, đồ chiên xào khi chế biến, nấu ăn bằng cách: xếp đồ ăn ra chiếc đĩa nhỏ hơn, trong đó 1/4 đĩa là protein nạc; 1/4 đĩa là carbonhydrat (mỳ, miến, cơm, khoai tây, ngô, xôi, bánh chưng…); 1/2 đĩa là rau xanh. Mỗi phần ăn không nên nhiều hơn nắm tay của mình.
Nếu đi du lịch, nên mang theo đồ ăn nhẹ dành cho người đái tháo đường và đảm bảo đủ thuốc trong quá trình lưu trú.
“Không nên nhịn ăn để dồn ăn vào bữa khác vì dễ khiến ăn quá nhiều vào một bữa hoặc gây tụt huyết áp khi nhịn ăn, khiến đường huyết không ổn định”, bác sĩ Tuyết lưu ý.
Nhầm lẫn say xỉn và hạ đường huyết
Theo bác sĩ Tuyết, bữa ăn ngày tết thường có chút rượu vang hoặc bia, nước uống có ga, nước ngọt. Tuy nhiên các loại đồ uống này chứa carbonhydrat dễ gây tăng đường huyết.
Trong khi đó, rượu ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp đường ở gan dễ gây hạ đường huyết.
Ngoài ra, cần lưu ý, triệu chứng say xỉn và hạ đường huyết khá giống nhau. Do đó, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế việc sử dụng các loại đồ uống nêu trên. Nếu có sử dụng thì nên đo đường huyết trong và sau uống rượu.
Gia đình và bạn bè người mắc đái tháo đường cũng nên nắm được triệu chứng của hạ đường huyết để sớm phát hiện và có cách xử lý kịp thời. Hạ đường huyết rất dễ gây biến cố nguy hiểm với người mắc đái tháo đường.
Tập thể dục và tránh stress
Theo bác sĩ Tuyết, vui chơi ngày tết cũng không nên bỏ qua thói quen tập thể dục và nên tập ít nhất 30 phút/ngày, 5 lần/tuần. Tập thể dục sẽ giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện đường huyết, giảm nguy cơ tim mạch và giúp giảm cân.
Ngoài ra, cần tránh căng thẳng, vì khi căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra cortisol, adrelanin, là những hormone gây tăng đường huyết.
Chuyên gia về nội tiết – chuyển hóa lưu ý thêm, những ngày lễ tết rất dễ làm gián đoạn giấc ngủ. Người mắc đái tháo đường nên ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Vì mất ngủ làm tăng tình trạng kháng Insulin, khiến đường huyết không được kiểm soát tốt.
“Khi bạn lên kế hoạch và thực hiện đúng kế hoạch thì đó là điều rất tuyệt vời, nhưng không may bạn không làm được điều đó, giả sử vì quá vui bạn đã ăn thêm một miếng bánh chưng cũng đừng dằn vặt bản thân hay quá lo lắng. Hãy tận hưởng những giờ phút đoàn viên vui vẻ thay vì quá khắt khe với bản thân mình, và sau đó nên điều chỉnh chế độ ăn, sinh hoạt phù hợp”, bác sĩ chia sẻ.
Những thực phẩm người bệnh tiểu đường cần lưu ý
Chế độ ăn với người mắc đái tháo đường không cần kiêng hoàn toàn chất đường, bột. Trong khẩu phần ăn có thể chọn ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là chất xơ có lợi cho tiêu hóa cũng như làm đường huyết tăng chậm hơn.
Nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ được chế biến đơn giản như: hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.
Thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn như: dầu đậu nành, vừng, hạnh nhân, dầu cá, mỡ cá, olive.
Nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, salad.
(Bệnh viện 108)